Thời sự - Chính trị

Vấn đề hết sức hệ trọng trong bất ổn toàn cầu

11:21, 18/03/2020
"Chúng ta sống trong kỷ nguyên 4.0, tương tác với thế giới ảo, nhưng chúng ta không được "ảo" trong vấn đề an ninh lương thực, đây luôn luôn và mãi mãi là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới" - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, sáng nay (18/3), Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 ngày 5/8/2009 của Bộ Chính trị về đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020". Dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Văn Bình - Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Kinh tế TW, Trương Hoà Bình - Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ. Dự và chủ trì tại điểm cầu Nghệ An có đ/c Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: trong bối cảnh toàn thế giới và cả nước đang tập trung toàn lực để chống dịch Covid-19, vấn đề an ninh lương thực cần phải được xem trọng. Đảm bảo an ninh lương thực không chỉ đáp ứng nhiệm vụ chống dịch, đây còn là chiến lược về lâu dài để nền kinh tế đất nước thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng nhấn mạnh, sau hơn 30 năm đổi mới, 10 năm thực hiện đề án an ninh lương thực quốc gia, Việt Nam đã đạt được nhiều thắng lợi to lớn. Từ chỗ đói ăn, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lương thực nằm trong tốp đầu thế giới. Thương hiệu gạo Việt Nam không ngừng được nâng tầm. 

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Bên cạnh những thành tựu, sau 10 năm thực hiện đề án an ninh lương thực quốc gia, vẫn còn nhiều tồn tại. Đó là, về an ninh lương thực, Việt Nam mới xếp thứ 57/113 quốc gia trên toàn cầu. Sau hơn  30 năm đổi mới, đời sống người nông dân vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của đất nước. Vì vậy, tại hội nghị Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền các địa phương đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, căn cơ, các giải pháp để phát triển nông nghiệp một cách bền vững. Trong đó có công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp trong bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, vấn đề chế biến sâu, xuất khẩu... 

Tại điểm cầu Nghệ An.
Tại điểm cầu Nghệ An.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, giai đoạn 2008 - 2018 sản lượng lúa Việt Nam đã tăng từ 38,7 triệu tấn lên 44 triệu tấn. Bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này và trở thành quốc gia bền vững an ninh lương thực hơn phần lớn các quốc gia đang phát triển ở Châu Á. So với mục tiêu tại Kết luận 53 của Bộ Chính trị, đến nay đã có 14 chỉ tiêu đạt và vượt. Có 6 chỉ tiêu khó đạt. Tại hội nghị, đại diện các địa phương phát biểu, đóng góp ý kiến, đề nghị chính phủ một số biện pháp, giải pháp nhằm phát triển, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm lương thực một cách bền vững. Trong đó đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất đáp ứng nhu cầu lương thực - thực phẩm. Hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng - đổi mới cơ chế chính sách đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo. Phát triển hệ thống lưu thông, tăng khả năng tiếp cận lương thực của người dân.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: an ninh lương thực là vấn đề hệ trọng lâu dài để đất nước đủ tiềm lực ứng phó với những vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, hội nhập… Trên cơ sở ý kiến đóng góp, Thủ tướng thống nhất với quan điểm: an ninh lương thực quốc gia phải đảm bảo bền vững trong mọi tình huống; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm trong nước cả về số lượng và chất lượng. Thủ tướng cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể cho cả nước đến năm 2030. Đó là giữ ổn định khoảng 3,5 – 3,6 triệu ha đất lúa; diện tích gieo trồng lúa hàng năm khoảng 6 – 7 triệu ha; duy trì sản lượng lương thực có hạt từ 40 – 42 triệu tấn, trong đó sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất lương thực phải tăng được giá trị, góp phần hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đạt 100 tỷ USD của kinh tế nông nghiệp. Muốn vậy, toàn quốc phải đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất đáp ứng nhu cầu lương thực - thực phẩm về số lượng, chất lượng và xuất khẩu. Hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao bằng việc ứng dụng các giống mới, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng - đổi mới cơ chế chính sách đối với nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo. Huy động tối đa nguồn lực của khu vực nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân. Sau hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng một nghị quyết mới về an ninh lương thực nhằm đáp ứng với tình hình mới.

Thái Dương - Trường Ca

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện