Thời sự - Chính trị

Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ tháng 8

11:31, 31/08/2020
Sáng nay (31/8), tại phiên họp thường kỳ tháng 8, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nghe và cho ý kiến về Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đàn đến năm 2035 và một số nội dung quan trọng khác. 

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên DKTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy.

 

 Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đàn đến năm 2035 do Viện quy hoạch và đô thị nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng thực hiện với tầm nhìn huyện Nam Đàn là Trung tâm du lịch Quốc gia, là huyện nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển hài hoà và bền vững. Theo nhóm tư vấn đề xuất, đồ án được quy hoạch thành 3 vùng. Trong đó, vùng 1 là phân vùng bán sơn địa dọc chân núi Đại Huệ gồm 7 xã thuộc khu vực phía Bắc huyện; Vùng 2 được xác định là vùng trung tâm gồm thị trấn Nam Đàn và 7 xã thuộc khu vực Trung tâm huyện; Vùng 3 là vùng hữu ngạn sông Lam gồm 4 xã thuộc khu vực phía Nam huyện.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đàn tính đến năm 2035.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đàn tính đến năm 2035.

Mô hình phát triển không gian này được kỳ vọng trở thành chất xúc tác để phát triển kinh tế, phát huy lợi thế các tài nguyên của địa phương, tăng cường không gian đô thị, không gian công nghiệp, không gian du lịch và củng cố mạng lưới kết nối các không gian. Đồng thời, xây dựng trục phát triển đô thị mới tạo ra những giá trị mới. Theo đó, định hướng đến năm 2035, huyện Nam Đàn có 3 đô thị, trong đó có 1 đô thị trung tâm (nâng cấp thị trấn Nam Đàn từ loại V lên đô thị loại IV) và 2 đô thị loại V( gồm đô thị Nam Giang và đô thị Phúc Cường). Tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 26%. 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu tại cuộc làm việc.

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý đề nghị đơn vị tư vấn cần tiếp tục bám sát để khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ cập nhật vào Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đàn đến năm 2035. Bên cạnh đó, cần tính toán để sử dụng sông Lam có hiệu quả cả về kinh tế - văn hoá, cảnh quan đô thị. Đặc biệt, người đứng đầu Tỉnh uỷ lưu ý muốn phát huy được giá trị sông Lam thì phải có giải pháp trị thuỷ, nhất là khu vực phía Nam sông Lam của huyện. Mặt khác, trong quá trình đơn vị tư vấn lập Đồ án phải nghiên cứu kỹ để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất về quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu giữa Đồ án và Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm “xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hoá gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025. Trên cơ sở đó, tiếp thu hoàn chỉnh và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đồ án. Cũng liên quan tới Nam Đàn, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thống nhất với chủ trương đầu tư dự án Nhà máy may kết hợp sản xuất bao bì carton tại xã Nam Giang.  

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn phát biểu tại phiên họp.

Tiếp đó, BTV Tỉnh ủy cũng đã nghe và cho ý kiến về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020, định hướng nhiệm vụ năm học 2020-2021. Ghi nhận những kết quả mà ngành Giáo dục Đào tạo đã đạt được, các ý kiến đề nghị trong việc giao định biên, tuyển dụng, điều chuyển giáo viên cần được thực hiện sớm hơn, trước năm học mới, tránh những bị động, bất cập. Ngành cần quan tâm và có những giải pháp hiệu quả để nâng chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục miền núi. Cùng với đó, quan tâm công tác đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng sống, tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh, chế độ chính sách cho giáo viên…Quá trình sáp nhập các trường hiện nay đang bộc lộ sự lúng túng. Một số ý kiến cho rằng: Thay vì sáp nhập các trường cùng cấp liên xã thì nên nghiên cứu phương án sáp nhập nhiều cấp nhưng trong cùng 1 xã. Các địa phương cũng cần tạo điều kiện bố trí quỹ đất để thực hiện mở rộng quy mô các nhà trường khi có nhu cầu.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu kết luận phiên họp.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh: Phải tạo nên một phong trào học tập sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Đối tượng tác động đầu tiên để thực hiện được điều này là các bậc phụ huynh và phải tạo điều kiện phát huy tối đa nguồn lực xã hội hóa. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở Giáo dục – Đào tạo mạnh dạn đề xuất mô hình phù hợp cho Nghệ An khi sáp nhập các trường. Mục tiêu là tạo thuận lợi nhất cho người học và điều kiện quản lý, đầu tư mạng lưới trường lớp. Giao UBND tỉnh nghiên cứu cơ chế sắp xếp, quản lý các trường Cao đẳng, đại học không thuộc Bộ GD-ĐT quản lý để phát huy tốt hơn sự đóng góp của các nhà trường này vào sự phát triển của tỉnh.

Trong chiều nay, BTV Tỉnh ủy tiếp tục cho ý kiến về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng trong nhiệm kỳ 2015-2020. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBKT Tỉnh ủy tiếp thu, hoàn thiện báo cáo và chuẩn bị tốt công tác in ấn tài liệu cho tổng kết. Kết luận đối với đề án sắp xếp các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Sở Thông tin và Truyền thông cần làm thật tốt công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt tình hình tâm tư nguyện vọng của người lao động sau bố trí, sắp xếp để trên hết các cơ quan sau sáp nhập hoạt động ổn định, phát triển.


 

Xuân Hướng – Cảnh Toàn

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện