Thời sự - Chính trị

Quốc hội kết thúc tuần họp trực tuyến: Sôi nổi, thực chất

11:30, 26/10/2020
Ngay sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, tất cả các phiên họp trực tuyến được thảo luận sôi nổi, đi vào thực chất.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tuần làm việc đầu tiên với rất nhiều vấn đề "nóng" được đặt lên bàn nghị sự.

Khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV
Khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Trong bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng như báo cáo kinh tế xã hội của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều có chung nhận định: Bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thuận lợi nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19, lũ lụt, hạn hán diễn ra nghiêm trọng…nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, sự ủng hộ và nỗ lực mạnh mẽ của người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã quản lý, điều hành nền kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh dịch bệnh như vậy, Chính phủ vẫn quyết định đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6%. Tuy nhiên, chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở để tập trung giành nguồn lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 và một số vấn đề cấp bách khác. Ngay sau phiên khai mạc, tất cả các phiên họp trực tuyến được thảo luận sôi nổi, đi vào thực chất.

Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp quan trọng đánh giá tình hình kinh tế -xã hội trong năm và cũng là năm cuối thực hiện Nghị quyết của Đại hội lần thứ XII của Đảng. Báo cáo của Chính phủ lần này đã phân tích, đánh giá một cách sát thực nhất, khoa học nhất và rất thẳng thắn.

Chính phủ đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho năm 2021. Trong đó, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh dịch bệnh như vậy, Chính phủ vẫn quyết định đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6% cho năm nay. Thực tế việc đặt ra mức tăng trưởng 6% là mục tiêu rất cao, đòi hỏi Chính phủ phải có những biện pháp, giải pháp hết sức quyết liệt.

Nhưng mặt khác, cũng phải thấy rằng, nếu không đạt được mức tăng trưởng 6% sẽ hết sức khó khăn. Bởi, các cân đối lớn của nền kinh tế, như lao động - việc làm, cán cân thương mại, thu chi ngân sách… phụ thuộc vào cân đối “xương sống” chính là tăng trưởng. Cho nên, phải quyết tâm phấn đấu để đạt được tăng trưởng ở mức 6% mặc dù biết rằng sẽ rất khó khăn cần giải pháp để tháo gỡ.

Tuy nhiên, tháo gỡ khó khăn bằng cách nào khi tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19?. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, để thực hiện “mục tiêu kép” tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời xác định rõ hơn các trọng tâm, trọng điểm cơ cấu lại nền kinh tế theo ngành, vùng, nhóm địa phương để tận dụng được lợi thế và tập trung nguồn lực, trong đó thu hút FDI vào Việt Nam rất khả quan, đây là nguồn lực nên tận dụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (ảnh: Quochoi.vn)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (ảnh: Quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phân tích, so với kỳ vọng, Quốc hội muốn tăng hơn nữa. Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đã có, nêu rõ việc thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Trong Luật đầu tư sửa đổi vừa qua, Quốc hội rất ủng hộ phương án của Chính phủ có một cơ chế ưu đãi đặc thù để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại Việt Nam. Tất cả các yêu cầu cao hơn, nếu điều kiện thấp thì không thể thu hút nhà đầu tư có chất lượng đến.

Kinh tế khó khăn, thu ngân sách giảm sút, chính vì vậy, khả năng tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2021 rất khó thực hiện. Sau khi cân nhắc, cuối cùng Chính phủ đề nghị chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở và điều chỉnh chuẩn nghèo trong năm 2021 để tập trung giành nguồn lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 và một số vấn đề cấp bách khác.

Đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau cho rằng: “Mong muốn tăng lương không chỉ của Đảng và Nhà nước mà còn của rất đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, những người hưởng lương từ ngân sách. Lực tài chính quốc gia hiện đang rất hạn hẹp do những tác động liên tiếp từ bên ngoài như: đại dịch Covid-19 với số lượng 39.000 doanh nghiệp giải thể. Những “cỗ máy” sản xuất ra tiền đóng góp cho ngân sách suy giảm như vậy thì lấy tiền đâu để chi thường xuyên, trong đó có chi tiền lương. Khi nguồn lực có hạn phải bảo toàn nguồn lực, phải chia sẻ khó khăn của Nhà nước trong việc bố trí kế hoạch”.

Trong tuần làm việc đầu tiên, các phiên họp trực tuyến cũng rất sôi động với hàng loạt các dự thảo Luật được Quốc hội xem xét, tiếp thu để thông qua tại kỳ họp này.  Đó là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)… 

Đáng chú ý, đa số các đại biểu tán thành với việc dự thảo Luật cư trú, sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú chuyển từ quản lý thủ công bằng sổ hộ khẩu sang quản lý bằng dữ liệu điện tử bằng các ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên các đại biểu cho rằng, Luật cư trú (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/7/2021, nhưng để tránh gây phiền hà và bảo vệ quyền lợi của người dân thì rất cần một giai đoạn chuyển tiếp từ sau khi luật có hiệu lực cho đến khi bỏ hoàn toàn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Vì vậy, nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy cho đến ngày 31/12/2022. Đồng thời đề nghị bảo đảm điều kiện kỹ thuật cho kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú với các Bộ, ngành, địa phương khi luật được biểu quyết thông qua.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, Bộ đã có kế hoạch với dự án cấp và sản xuất căn cước công dân. Kế hoạch cũng rất chi tiết như: kế hoạch thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư và có sự chia sẻ 2 dữ liệu với nhau để đảm bảo tiếp nhận thông tin của nhau. Đảm bảo việc thực hiện 2 dự án, tiến tới thành 1 Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư. Bộ đảm bảo thực hiện theo đề xuất ngày 1/7/2021 nếu Quốc hội thông qua.

Từ câu chuyện một cá nhân vận động hơn 100 tỷ đồng ủng hộ đồng bào vùng lũ cũng đã làm “nóng” hành lang Quốc hội trong tuần qua. Nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội đề nghị cần thiết sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Nghị định 64/2008-NĐ-CP để có cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho cá nhân đứng ra tổ chức, quyên góp cho hoạt động từ thiện.

Trả lời báo chí, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, việc cá nhân đứng ra kêu gọi vận động nguồn lực, giúp đỡ đồng bào là rất đáng hoan nghênh và trân trọng. Tuy nhiên, việc lấy Nghị định 64/2008-NĐ-CP áp dụng vào trường hợp cá nhân cụ thể thì chưa đúng.

"Nghị định 64/2008/NĐ-CP để áp dụng cho các tổ chức của Nhà nước được giao để làm nhiệm vụ nhân đạo từ thiện và đó là một hình thức quản lý của Nhà nước đối với các tổ chức có nhiệm vụ được giao, không áp dụng cho cá nhân. Nghị định 64/2008/NĐ-CP đã ban hành lâu rồi, đến nay cũng cần phải sửa đổi một số điều. Đây là Nghị định giúp Nhà nước quản lý tốt các nguồn viện trợ, các nguồn đóng góp của cộng đồng để không bị thất thoát, không bị lợi dụng và đặc biệt vận động, phân phối được đến đúng người, đúng chỗ và hiệu quả”- bà Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết.

Trước nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội và nhân dân, trong ngày làm việc cuối tuần, Thủ tướng đã yêu cầu sửa quy định gây tranh cãi về quyên góp hỗ trợ vùng thiên tai. Đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64/2008/ NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn… Đây có thể xem là cơ sở để khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Thời gian còn lại của năm 2020 không còn nhiều, khó khăn vẫn ở phía trước. Không khí khẩn trương, có phần sốt ruột ở diễn đàn Quốc hội đã chứng tỏ tâm huyết của những vị đại biểu Quốc hội. Dẫu chưa thể đáp ứng hết kỳ vọng của cử tri cả nước, song những gì diễn ra tại nghị trường Quốc hội trong tuần đã cho thấy, khó khăn thế nào cũng có thể giải quyết nếu Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cùng chung sức, đồng lòng, nỗ lực sẽ vượt qua thử thách./.

Theo VOV

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện