Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, sau 3 năm tổ chức, xắp xếp quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, đến nay, cơ bản đã hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Các địa phương và cơ sở, nhất là các tỉnh thành và một số Bộ đã tiến hành rà soát, xắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới này.
"Riêng 2020, chúng ta đã giảm từ 1.996 cơ sở giáo dục nghề nghiệp xuống 1.090 cơ sở; giảm 77 cơ sở công lập. Như vậy, chúng ta đã hoàn thành trước năm 2021 theo kế hoạch", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Ảnh minh họa. |
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, riêng với giáo dục nghề nghiệp, Diễn đàn Kinh tế thế giới từ chỗ không xếp hạng nay đã xếp hạng Việt Nam ở hạng 90/158 quốc gia. Chỉ số xếp hạng này tăng 10 bậc so với 2019.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Chúng ta kiên quyết giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp yếu kém, hoạt động 3 năm liền không có hiệu quả. Đồng thời sát nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cùng chức năng, nhiệm vụ và chương trình đào tạo. Tại các thành phố, duy trì 1-2 trường đào tạo và các trường này đào tạo đa ngành và đa hệ".
Ông Đào Ngọc Dung tin tưởng, với cách làm sáng tạo quy hoạch tổng thể giáo dục nghề nghiệp hoàn toàn khả thi, đồng thời khuyến khích thành lập cơ sở giáo dục tư thục có vốn đầu tư nước ngoài, gắn với sử dụng nhân lực cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo Luật Lao động sửa đổi năm 2019.
Bộ LĐTB&XH đặt mục tiêu tới 2030, Việt Nam đạt trình độ đào tạo nghề tiên tiến, trong đó có 100 trường chất lượng cao, 15 trường đáp ứng thị trường G20; 50 trường đáp ứng tiêu chuẩn ASEAN và quy mô tuyển sinh tăng gấp 3 lần hiện nay./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin