Nội dung công điện nêu rõ:
Thời gian qua, tình hình cháy, nổ tại các địa phương trên cả nước diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra; một số vụ gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản. Tại Nghệ An, trong 10 tháng đầu năm 2020 (từ ngày 15/12/2019 đến 31/10/2020), đã xảy ra 55 vụ cháy, trong đó 22 vụ cháy nhà dân; 12 vụ cháy cơ sở sản xuất, kinh doanh; 3 vụ cháy chợ; 8 vụ cháy phương tiên giao thông... Các vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người, nhưng đã gây ra thiệt hại lớn về tài sản và làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Ngoài ra, đã xảy ra 21 vụ cháy rừng, nhiều vụ cháy thảm thực vật, thiêu rụi hơn 40 ha rừng, tác động xấu đến môi trường sinh thái.
Nguyên nhân để xảy ra cháy chủ yếu do công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở một số đơn vị, địa phương còn tồn tại, hạn chế; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và chủ hộ gia đình chưa quan tâm đúng mức đến công tác đảm bảo an toàn PCCC; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC của nhiều người dân còn hạn chế; lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động chưa thực sự hiệu quả, còn lúng túng trong xử lý khi xảy ra cháy; phương tiện chữa cháy chưa đáp ứng được yêu cầu công tác chữa cháy trong tình hình mới.
Thời gian tới, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh, lưu trữ hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và các lễ, hội đầu Xuân 2021 tăng cao; nhiều hạng mục có nguy cơ xảy ra cháy, nhiều máy móc, thiết bị tiêu thụ điện năng lớn dễ chập điện, gây cháy; thời tiết khí hậu hanh khô trong những tháng cuối năm sẽ kéo theo nguy cơ mất an toàn về PCCC...
Để chủ động công tác phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế đến tối đa số vụ cháy, nổ lớn và thiệt hại do cháy, nổ gây ra; góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã
- Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH); trong đó trọng tâm tiếp tục công tác triển khai thực hiện Kế hoạch số 472/KH-UBND ngày 21/8/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về triển khai thực hiện Quyết định số 630/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
- Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trong tổ chức thực hiện công tác PCCC và CNCH; triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp về PCCC và CNCH; chịu trách nhiệm về việc bảo đảm an toàn PCCC tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC tại đơn vị, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp; phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Tích cực phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng đóng quân trên địa bàn để chữa cháy kịp thời, hiệu quả khi xảy ra cháy, nổ; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, sớm khắc phục hậu quả, ổn định tình hình trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra công tác thường trực của lực lượng dân phòng và các điều kiện phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ.
- Ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tăng cường công tác bảo đảm an toàn PCCC, tổ chức ký cam kết, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC, chủ động phòng ngừa không để xảy ra cháy, nổ lớn. Yêu cầu các cơ sở, cụm dân cư tăng cường lực lượng bảo vệ, tuần tra canh gác đảm bảo an toàn PCCC trong mùa hanh khô, dịp lễ, hội và Tết Nguyên đán 2021. Các địa phương tổ chức lễ, hội đầu năm phải tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn PCCC tại chỗ, như: Tuyên truyền các nội quy PCCC; tổ chức lực lượng, trang bị phương tiện và huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng tại chỗ; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy, đặc biệt lưu ý phương án chữa cháy tại các bãi đỗ xe, phương án cứu nạn, cứu hộ nơi tập trung đông người.
2. Công an tỉnh
- Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp tuyên truyền phù hợp với yêu cầu thực tiễn, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về PCCC, đặc biệt đối với việc sử dụng gas, điện, hóa chất, sắp xếp, lưu trữ hàng hóa, trang bị phương tiện PCCC, thoát nạn, thoát hiểm; tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ tại loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, các khu công nghiệp, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, khu di tích văn hóa, chung cư, nhà cao tầng...
- Tổ chức kiểm tra, phúc tra đối với các cơ sở còn tồn tại, vi phạm về an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các chuyên đề như: nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở hóa chất, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (Gas), Khu Công nghiệp, Khu di tích văn hóa, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư... để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở cố tình không thực hiện các kiến nghị về đảm bảo an toàn PCCC.
- Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động rà soát, xây dựng, bổ sung, điều chỉnh phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp thực tế đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; đặc biệt đối với phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các công trình trọng điểm, cơ sở nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao, có sự phối hợp, huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia. Duy trì nghiêm túc chế độ thường trực chiến đấu 24/24 giờ; bảo đảm sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu chữa kịp thời, hiệu quả khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
- Chỉ đạo nhanh chóng điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nổ theo quy định của pháp luật; rút kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra, cháy, nổ.
- Tăng cường công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC Công an các cấp và lực lượng khác theo quy định.
3. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, phối hợp Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng các tin, bài, phóng sự, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet, các trang mạng xã hội... về phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật, kỹ năng PCCC và CNCH.
4. Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An phối hợp với Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường xây dựng chuyên mục về PCCC, tăng cường thời lượng phát sóng, phát thanh, đưa tin về công tác PCCC trong mùa hanh khô, dịp lễ, hội và Tết Nguyên đán năm 2021; trong đó chú trọng xây dựng các phóng sự, bài viết phản ánh các hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, các vi phạm nghiêm trọng về PCCC của các cơ sở, cá nhân có liên quan để nâng cao tính giáo dục, phòng ngừa. Thông báo, cảnh báo kịp thời những cơ sở, địa bàn có nguy cơ cao cháy, nổ để cán bộ và nhân dân biết, có biện pháp phòng ngừa, khắc phục.
5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Phối hợp Công an tỉnh và cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các biện pháp, phương án PCCC và CNCH tại các cơ sở, đơn vị quốc phòng hoạt động trên địa bàn tỉnh; huy động lực lượng tham gia chữa cháy khi có yêu cầu.
6. Sở Công Thương: Chú trọng công tác quản lý nhà nước về điện, phối hợp Công an tỉnh trong việc tuyên truyền, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, người dân sử dụng an toàn điện và các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trong phạm vi quản lý.
7. Sở Xây dựng phối hợp Công an tỉnh tiếp tục thực hiện Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT/BXD-BCA ngày 10/4/2009 của Bộ Xây dựng - Bộ Công an về hướng thực hiện việc cấp nước phòng cháy, chữa cháy tại đô thị và khu công nghiệp; chủ trì, phối hợp Công an tỉnh kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý hệ thống phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh; tham mưu, thực hiện các tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước về cấp nước chữa cháy và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xâm phạm bến, bãi lấy nước cho xe chữa cháy.
8. Công ty Điện lực Nghệ An, Truyền tải điện Nghệ An
- Thường xuyên tuyên truyền về an toàn PCCC trong sử dụng điện trên phương tiện thông tin đại chúng; đưa nội dung khuyến cáo về PCCC điện trên trang thông tin của ngành điện hoặc kết hợp nhắn tin trong thông báo kinh phí sử dụng điện của các hộ dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra hệ thống, mạng lưới điện để phòng ngừa nguy cơ gây mất an toàn về PCCC từ hệ thống, thiết bị điện. Phối hợp lực lượng Công an xử lý các vụ việc liên quan khi xảy ra cháy.
9. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra an toàn PCCC rừng; thường xuyên phối hợp UBND các huyện, thành phố, thị xã, cơ quan, đơn vị có liên quan xác định và cảnh báo sớm các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy để chủ động phòng ngừa; hướng dẫn cho cán bộ và nhân dân thực tập phương án, biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn PCCC rừng.
10. Sở Văn hóa và Thể thao: Chỉ đạo các Ban quản lý khu di tích thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nội quy ra, vào khu di tích, việc sử dụng các phương tiện, công cụ dễ gây cháy tại các khu di tích (thiết bị điện, thắp hương, đốt vàng mã...), đặc biệt chú ý tại Khu di tích Kim Liên, Khu di tích cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Đền Chung Sơn, Khu Mộ bà Hoàng Thị Loan, Đền thờ Vua Mai Hắc Đế, Đền thờ Vua Quang Trung, Đền Ông Hoàng Mười...
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội người cao tuổi tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh... phối hợp các sở, ban, ngành cấp tỉnh và chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, người lao động và nhân dân thực hiện tốt công tác PCCC; phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Công điện này./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin