Sáng nay (22/3), tại Nhà Quốc hội, đã diễn ra phiên họp thứ 4, Hội đồng Bầu cử quốc gia. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia chủ trì phiên họp.
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia trình bày Báo cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia. |
Theo báo cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia do Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, thống kê sơ bộ, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã nhận được 1.136 hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 7.495 hồ sơ của người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Tính đến hết ngày 19/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã hoàn thành việc tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.084 người, trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử, đạt tỉ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu.
Trên cơ sở chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử đã được triển khai rộng khắp trong cả nước với nhiều hoạt động, nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Ở Trung ương Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã chỉ đạo xây dựng Trang thông tin điện tử của Hội đồng Bầu cử Quốc gia; tổ chức Trung tâm Báo chí tại Nhà Quốc hội. Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông bám sát nội dung.
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bộ đã sớm ban hành kế hoạch truyền thông tổng thể về bầu cử.
Cụ thể, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ tổ chức tập huấn cho các phóng viên thành 2 đợt, đợt 1 vào cuối tháng 3, đợt 2 vào tháng 4. Tổ chức hướng dẫn hệ thống loa phường, xã tuyên truyền bầu cử sao cho phù hợp với từng vùng miền.
Đối với các cơ quan báo chí, sau phiên họp thứ 3 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, số lượng tin bài tăng 2,5 lần so với trước, trung bình 1 ngày có khoảng 200 tin, bài về bầu cử. Trực 24/24 giám sát, xử lý thông tin chống phá bầu cử trên không gian mạng. Có phương án nhắn tin thuê bao di động động viên cử tri đi bầu cử. Huy động mạng xã hội Việt Nam tham gia tuyên truyền về bầu cử, vì các mạng xã hội hiện nay có khoảng 90 triệu tài khoản, trở thành kênh tuyên truyền rất hiệu quả.
Công tác chuẩn bị để đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử trong toàn quốc đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ. Trong đó, đã triển khai việc tổ chức nắm tình hình, dự báo các phương án đối phó; phòng, chống âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đối với cuộc bầu cử; các biện pháp phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội có liên quan trước, trong và sau cuộc bầu cử; biện pháp phòng, chống và ngăn ngừa khả năng lây lan của dịch Covid-19. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chủ động, giải quyết các vấn đề bức xúc không để diễn biến phức tạp tập trung đông người, các thế lực thù địch, phản động, đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng kích động, gây rối an ninh, trật tự, phá hoại bầu cử.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo. |
Trong thời gian tới, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ thực hiện việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử; phân bổ ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở Trung ương về ứng cử tại các địa phương; tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn; công bố danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; rà soát danh sách cử tri, niêm yết danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; tiếp tục công tác kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử…
Tại phiên họp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã thông qua các Nghị quyết hướng dẫn xử lý trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu HĐND vì lý do bất khả kháng và Nghị quyết nguyên tắc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở Trung ương về ứng cử tại địa phương.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho rằng, cho đến nay, công tác tổ chức bầu cử trong phạm vi cả nước đã và được triển khai đúng pháp luật, đảm bảo theo tiến độ đề ra, chưa phát sinh vấn đề nào ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Qua 5 đoàn kiểm tra, giám sát của Hội đồng Bầu cử Quốc gia tại các địa phương cho thấy, các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai các nội dung công việc chuẩn bị bầu cử theo đúng kế hoạch, chỉ đạo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý các công việc sẽ phải thực hiện trong thời gian tới, đó là xây dựng kịch bản phòng chống dịch, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức các biện pháp cách ly nếu có dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho người dân, kể cả những người đang cách ly. Ngoài việc xây dựng kịch bản về dịch bệnh cần có kịch bản về phòng chống thiên tai xảy ra trong thời điểm bầu cử.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc chỉ đạo thành lập các tổ bầu cử và tập huấn bầu cử cũng như chỉ đạo những giải quyết khiếu nại, tố cáo đang được triển khai, sắp tới cần được quan tâm hơn, nhất là sau khi tiến hành hiệp thương lần 3, lúc đó sẽ nảy sinh những khiếu nại tố cáo, cần phải chú ý thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Về những địa phương bầu cử sớm, Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cần thông báo các địa phương có nhu cầu bầu cử sớm để đăng ký. Theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, việc này do Hội đồng Bầu cử Quốc gia quyết định. Còn khi bầu cử rồi nếu thiếu, các địa phương sẽ báo cáo lên Hội đồng Bầu cử Quốc gia để quyết định.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, về kê khai tài sản, Văn phòng của Hội đồng Bầu cử Quốc gia cần xin ý kiến các cơ quan trao đổi cụ thể, thận trọng. Vì theo Hiến pháp quy định quyền bí mật tài sản cá nhân phải được bảo vệ, nên việc hướng dẫn công khai ra sao phải đúng theo luật định. Bộ phận tiếp nhận cần xem xét, tài sản này có gì mờ ám hay không? Bên cạnh đó, các địa phương cần thực hiện tốt việc các ứng cử viên lấy ý kiến nơi cư trú, công tác, còn người tự ứng cử không phải lấy ý kiến nơi công tác.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, công tác tuyên truyền thời gian qua đã được thực hiện rất tốt, vì thế nơi nào có sáng kiến có hiệu quả thì áp dụng cho các địa phương trong cả nước thực hiện theo. Sau Hiệp thương lần 3, mật độ tuyên truyền cần phải được tăng cường hơn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác học tập về bầu cử, đảm bảo an ninh, y tế, quốc phòng phòng chống cháy nổ, đề phòng sự phá hoại của các thế lực thù địch chống phá, kiên quyết không để những phần tử xấu lôi kéo quần chúng làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát để báo cáo Hội đồng Bầu cử Quốc gia, chuẩn bị các đợt kiểm tra, giám sát tiếp theo; các tiểu ban tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện các báo cáo; sau phiên họp này, Chính phủ, các cơ quan, ban ngành chủ động trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết sớm những vấn đề còn chưa rõ đến các tỉnh, thành phố để thực hiện tốt công tác chuẩn bị bầu cử./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin