Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiều cán bộ chủ chốt không tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư, do đó về mặt nguyên tắc, những người này không tiếp tục giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo, đòi hỏi phải sớm kiện toàn các chức danh nhằm đảm bảo bộ máy hoạt động liên tục và thông suốt.
Chính vì vậy, kỳ họp thứ 11- kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV phải kiện toàn hàng loạt chức danh chủ chốt của Nhà nước, gồm: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và một số chức danh lãnh đạo bộ máy Nhà nước. Tổng cộng khoảng 25 chức danh sẽ được bầu và phê chuẩn.
Ngày 7/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức. |
Riêng với 3 chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp 11, Quốc hội tiến hành kiện toàn theo tinh thần chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Những người được bầu vào 3 chức danh trên phải thực hiện nghi lễ tuyên thệ trước Quốc hội.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lý giải: “Theo quy định của Hiến pháp, có một số chức danh phải tuyên thệ sau khi được bầu và kỳ họp lần này là tuyên thệ thuộc khóa XIV. Đến đầu nhiệm kỳ sau có thể bầu lại người đó, có thể bầu người khác, nhưng đương nhiên là người nào được bầu vào chức danh đó thì vẫn phải tuyên thệ. Quốc hội có nhiệm kỳ 5 năm và kiện toàn đợt này là thẩm quyền của Quốc hội khóa XIV. Đến tháng 7 này, chúng ta có Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục hoàn thiện công tác kiện toàn bộ máy.”
Hiến pháp 2013, Luật tổ chức Quốc hội 2014 quy định 4 chức danh bắt buộc phải tuyên thệ sau khi được Quốc hội bầu, bao gồm: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Theo dự kiến, vào tháng 7 tới, sau khi Quốc hội khoá XV đi vào hoạt động, tại Kỳ họp thứ nhất sẽ tiến hành kiện toàn nhân sự.
Vấn đề này đã từng xuất hiện ở khóa trước, tại Kỳ họp thứ 11 (kỳ họp cuối cùng), Quốc hội khóa XIII cũng đã kiện toàn một số chức danh sau Đại hội XII của Đảng. Theo đó, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII ( 3/2016), sau khi được Quốc hội bầu, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện nghi lễ tuyên thệ trước Quốc hội theo Hiến pháp 2013.
Tới Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV (7/2016), cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục được bầu và thực hiện nghi lễ tuyên thệ trước Quốc hội khóa XIV.
Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho biết: “Vấn đề không phải là tuyên thệ một lần hay hai lần. Trong một nhiệm kỳ, khi được bầu sẽ chỉ tuyên thệ một lần. Nhưng hiện nay là bầu bổ sung của nhiệm kỳ khoá XIV thì phải tuyên thệ một lần của khoá XIV, sang nhiệm kỳ khoá XV nếu tiếp tục được bầu thì sẽ phải tuyên thệ một lần nữa trước Quốc hội khóa XV.”
Lễ tuyên thệ diễn ra tại phòng họp Diên Hồng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội hoặc Tổng thư ký Quốc hội. Nhạc lễ được chọn là “Tiến bước dưới quân kỳ” lúc người tuyên thệ đi lê làm lễ và “Vì nhân dân quên mình” khi đi xuống. Nội dung quy định lãnh đạo phải đặt tay trái lên quyển Hiến pháp 2013, đọc lời “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Kể từ khoá XIII trở lại đây, công tác kiện toàn các chức danh lãnh đạo được triển khai từ rất sớm, giúp cho công tác chỉ đạo, lãnh đạo được liên tục và thông suốt, đặc biệt không để khoảng chống quyền lực quá lớn xảy ra khi phải chờ tới kỳ họp đầu tiên của quốc hội khoá mới, mới bầu chính thức. Việc làm này cũng nhằm sớm triển khai, đưa Nghị quyết của Đảng vào trong cuộc sống./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin