Sáng 2/4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi Quốc hội bầu được Thủ tướng mới. Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ bầu tân Thủ tướng Chính phủ vào ngày 5/4. Như vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ là người đứng đầu Chính phủ cho đến khi chuyển giao cho Thủ tướng kế nhiệm.
Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng tập thể Chính phủ đối mặt và vượt qua khá ngoạn mục những sóng gió, biến động cả ở trong và ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức năm 2016. (Ảnh: VGP) |
Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động
Ngày 7/4/2016, tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ với tỷ lệ 90% ủng hộ. Tuyên thệ trước Quốc hội, Thủ tướng hứa sẽ ra sức hoàn thành nhiệm vụ, quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, kỷ cương. Và rồi 5 năm sau, tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, đánh giá về công tác nhiệm kỳ của Chính phủ cũng như cá nhân Thủ tướng, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự hài lòng bởi “Thủ tướng đã nói đi đôi với làm. Người đứng đầu đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới địa phương với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 lần đầu tiên gặp phải, Thủ tướng với trọng trách của người đứng đầu Chính phủ luôn kiên định tinh thần “hành động”, chìa khóa để tập thể Chính phủ và Thủ tướng tìm ra lời giải cho những khó khăn, vướng mắc trong nhiệm kỳ.
Thủ tướng đối thoại với công nhân miền Trung tháng 4/2017. |
Nhìn nhận vai trò người đứng đầu Chính phủ, tại hội trường cũng như bên hành lang kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đánh giá cao những thành quả của đất nước, trong đó có vai trò của Thủ tướng.
Đại biểu Dương Quốc Anh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội điểm lại bối cảnh đất nước đối diện nhiều khó khăn, thách thức từ sự cố môi trường Fomosa, thiên tai và đặc biệt đại dịch Covid-19 cũng như nhiều tồn tại từ nhiệm kỳ trước, song hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực sự thể hiện một Chính phủ kiến tạo, năng động và vì dân. Những đổi mới, thay đổi và con số về tăng trưởng kinh tế, cải cách thủ tục hành chính, xử lý những vấn đề cấp bách đã thể hiện rõ điều đó.
"Tôi cảm nhận ở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sự quyết liệt, ông đã nói là làm, đã đặt vấn đề lên bàn là giải quyết. Đó cũng là bản lĩnh của người đứng đầu đã giúp cho chúng ta vượt qua được những khó khăn, thử thách vừa qua" - đại biểu Triệu Thế Hùng, đoàn Lâm Đồng chia sẻ. Ông Hùng cho rằng, Thủ tướng là một người có khát vọng đổi mới, khát vọng sáng tạo, khát vọng đưa đất nước phát triển đi lên…Quyết tâm, quyết liệt, kiên trì để thực hiện khát vọng đó, với phương châm chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ nhân dân.
Thủ tướng tiếp xúc cử tri Hải Phòng tháng 11/2020. (Ảnh: TTXVN) |
“Bám sát thực tiễn, sâu sát cơ sở và đời sống người dân” là cảm nhận của đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn Quảng Trị, bởi lẽ, trong nhiệm kỳ qua, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển”, không kể nắng, mưa, ngày lễ... Những lúc gian khổ, khó khăn đều có sự hiện diện của người đứng đầu Chính phủ và Thủ tướng đã gần như dành trọn cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật để làm việc, để về cơ sở, về các địa phương giải quyết những điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ cho việc điều hành của Chính phủ thông suốt.
“Với tôi thì Thủ tướng còn là con người rất dung dị, dễ gần và đáng mến" - ông Thắng cảm nhận.
Tại phiên họp 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2/2021), bà Nguyễn Thị Kim Ngân (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) đã nêu lên những đánh giá ngắn gọn mà sâu sắc trong 5 năm Quốc hội giám sát hoạt động của Chính phủ “đây là nhiệm kỳ rất thành công, tôi không dám nói là thành công nhất trong các nhiệm kỳ. Nói vậy bởi trong điều kiện, hoàn cảnh có nhiều khó khăn, phức tạp, đặc biệt là cuối nhiệm kỳ, nhưng Chính phủ đã vững vàng chèo lái để đạt được những kết quả rất có ý nghĩa. Thành công trong điều kiện khó khăn thì sự thành công đó càng có ý nghĩa quan trọng”.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Dấu ấn nhiệm kỳ mà chúng ta thấy rõ nhất là một Chính phủ rất năng động, sáng tạo, tích cực, chủ động trong công tác quản lý, điều hành của mình. Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ. Càng ngày, Chính phủ càng thể hiện sự tôn trọng Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, hoạt động của Quốc hội”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các chuyên gia kinh tế. |
Nợ công giảm từ 64,5% GDP xuống còn 55,3% GDP
Giữ được đà tăng trưởng cao, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là những dấu ấn kinh tế nổi bật trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
GDP năm 2020 tăng 2,91%, Việt Nam là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%; bình quân 2016 - 2020 đạt 5,99%, cao hơn 5,91% của giai đoạn 2011-2015, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Năm 2020, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD. Trong 5 năm qua, chúng ta đã cùng nhau tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.
Nhờ siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN gắn với triển khai kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm; cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển, bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 3,45%. Nợ công giảm từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,3% GDP và được cơ cấu lại bền vững, an toàn hơn, chuyển dần từ vay nước ngoài sang vay trong nước với kỳ hạn dài hơn và chi phí thấp hơn. Đồng thời, thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân.
Thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tự tin khẳng định, nhờ có được tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong 4 năm tăng trưởng cao 2016-2019, chính là “của để dành” góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân vượt qua khó khăn vừa qua của dịch Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Quốc phòng. (Ảnh: TTXVN) |
Vai trò và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng vững chắc
Những thành quả Việt Nam đạt được đã giúp cho vai trò, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng vững chắc. Theo đánh giá của nhiều tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế, xếp hạng của Việt Nam ngày càng được nâng lên. Ngày 18/3/2021, tổ chức Moody’s đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên mức “tích cực”, cho thấy nền tảng vĩ mô của Việt Nam là khá chắc chắn và tiếp tục được cải thiện ngay cả trong dịch Covid-19. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá nước ta tăng 2 bậc về môi trường kinh doanh và 10 bậc về năng lực cạnh tranh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tại Hà Nội tháng 10/2020. |
Trên cơ sở những kết quả đạt được thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế cũng có đánh giá đầy triển vọng về mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021. Ngân hàng HSBC dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7%; tổ chức tài chính Fitch Solutions dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 6,5% trong giai đoạn 2021-2026. Trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 3/2021, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% với tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ ở dưới mức 4%.
Trang MoneyWeek của Anh đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường triển vọng nhất châu Á thời gian tới. Quỹ Di sản cho rằng, Việt Nam sẽ lần đầu bước vào nhóm các nền kinh tế “tự do trung bình”, đứng thứ 90/178 nền kinh tế (tăng 15 bậc so với năm 2020) và 17/40 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021 (WHR) của Liên Hợp Quốc, Việt Nam tăng 4 bậc trong bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới (từ thứ 83 lên 79). Trong bảng xếp hạng “Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc” (HPI) do New Economics Foundation công bố, Việt Nam đứng đầu châu Á và đứng thứ 5 thế giới.
Vị thế và uy tín trên mà Việt Nam có được in đậm dấu ấn của người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ Chính phủ. (Ảnh: VGP) |
Trăn trở của Thủ tướng gửi đến nhiệm kỳ sau
Những thành quả có được của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 là một “di sản quý” cho chính phủ và người đứng đầu Chính phủ kế nhiệm. Tuy nhiên, với vai trò là người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ qua, trong báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận khách quan về những món “nợ” gửi đến nhiệm kỳ sau.
Trong báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ đã tự “soi lại mình” và thẳng thắn nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Trong đó, tình trạng đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; xin bổ sung, xin lùi, xin rút dự án luật vẫn chưa được khắc phục triệt để. Một số vướng mắc chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời... Công tác quy hoạch, hạ tầng, quản lý đất đai, đô thị ở một số nơi còn bị buông lỏng. Chất lượng công tác lập, phê duyệt quy hoạch còn nhiều lúng túng, hạn chế…
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, bộ máy hành chính nhà nước chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. Trật tự xã hội, tình trạng thông tin xấu độc trên mạng xã hội, internet, thuê bao ảo, lừa đảo, tin nhắn rác chưa được xử lý triệt để. Một số địa bàn còn tiềm ẩn điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự, tội phạm hình sự, ma tuý. Tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp.
Dẫu phía trước còn rất nhiều thử thách đặt ra cho Chính phủ khóa mới, song với những nỗ lực của cá nhân người đứng đầu và tập thể Chính phủ, nhân dân ghi nhận những đóng góp to lớn đó. Chỉ nhìn vào những thử thách nghiệt ngã của thiên tai, dịch bệnh trong năm 2020 vừa qua, mỗi người dân đều thấy được, nếu Chính phủ không sát sao, quyết liệt, người đứng đầu Chính phủ chỉ cần chậm một bước thì không biết hậu quả sẽ khôn lường ra sao. Khi thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng và “cuộc sống bình thường ở Việt Nam là niềm mơ ước của nhiều nước trên thế giới” - chỉ thế thôi cũng đủ để người dân tự hào về đất nước của mình, tự hào về những người cầm lái vững vàng, trong đó có cá nhân người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Bởi vậy, không quá khi nói rằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công lớn trong việc đưa "con tàu Việt Nam vượt qua hải trình dồn dập bão tố"./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin