Tờ trình này vừa được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc ký gửi Chính phủ, theo đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Với dự kiến mua 150 triệu liều vaccine cho khoảng 75 triệu người của Bộ Y tế, Bộ Tài chính ước cần khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó 21.000 tỷ là phí vaccine, còn lại là vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng. Để mua vaccine, ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.
Nhưng khi dịch kéo dài, nhu cầu vaccine hàng năm tăng cao, kinh phí lớn, Bộ Tài chính đánh giá "khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân" nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước.
Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM kiểm tra lọ vaccine AstraZeneca trước khi bắt đầu tiêm chủng ngày 8/3. |
Theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, kinh phí mua vaccine gồm nguồn ngân sách nhà nước, nguồn viện trợ, tài trợ, của các tổ chức, cá nhân và do các tổ chức, cá nhân tiêm vaccine tự nguyện chi trả.
Do đó, Bộ Tài chính cho biết việc thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác. Việc này sẽ đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vaccine để triển khai tiêm chủng trên diện rộng.
Quỹ được vận động quyên góp từ các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác và không vì mục đích lợi nhuận. Hoạt động tài chính của quỹ sẽ chịu thanh, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán Nhà nước. Quỹ sẽ thực hiện chế độ báo cáo kế toán, quyết toán, công khai tài chính theo quy định của Luật Kế toán và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Việt Nam triển khai tiêm vaccine Covid-19 từ 8/3 cho các nhóm ưu tiên. Hiện, cả nước tổng cộng đã tiêm cho 977.032 người. Hiện nay các địa phương, đơn vị đang tiếp tục khẩn trương triển khai chương trình tiêm này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin