Chính sách đặc thù tạo động lực thúc đẩy đột phá, tăng tính chủ động trong thu hút đầu tư, huy động nguồn lực phát triển của địa phương

14:50, 22/10/2021
Góp ý vào dự thảo các Nghị quyết, các ý kiến thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội Nghệ An đều khẳng định tính cần thiết phải ban hành Nghị quyết về chính sách đặc thù đối với địa phương. Việc chọn thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù sẽ là động lực thúc đẩy đột phá cho vùng, nhất là việc sẽ phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho các địa phương trong việc thu hút đầu tư, huy động nguồn lực phát triển.

Tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sáng 22/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.

Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An.
Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An.

Dự thảo các Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng dựa trên 5 quan điểm. Cụ thể, phù hợp với đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển của các địa phương đã được nêu tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Với tỉnh Nghệ An, dự thảo Nghị quyết quy định: Tỉnh được nâng mức trần tổng mức dư nợ vay từ 20% như hiện nay lên không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Dự thảo Nghị quyết cũng quy định bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu, để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế. Ảnh: Quochoi.vn

Chính sách trên cho phép tỉnh Nghệ An được hưởng tăng thu từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu, khuyến khích, tạo động lực cho địa phương thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; đồng thời, tạo nguồn lực bổ sung cần thiết cho tỉnh Nghệ An chủ động đầu tư thực hiện các dự án quan trọng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo ra động lực mới cho phát triển của địa phương.

Cùng với đó, Nghệ An được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.

Đại biểu Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phát biểu thảo luận.
Đại biểu Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phát biểu thảo luận.

Để thực hiện việc phân cấp, phân quyền, tạo chủ động cho địa phương trong quá trình triển khai chuyển mục đích sử dụng đất, Chính phủ kiến nghị giao Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An xem xét, quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ đầu nguồn với quy mô dưới 50ha, đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 50ha. Đây là giải pháp tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về nguồn lực đất đai, từ đó tạo môi trường thông thoáng cho địa phương để thu hút các dự án đầu tư động lực trên địa bàn tỉnh.

Nội dung cuối cùng của dự thảo Nghị quyết cũng quy định: Trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận.

Dự thảo Nghị quyết này nếu được thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ năm 2022 và được thực hiện trong 5 năm.

ại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận.
ại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận.

Góp ý vào dự thảo các Nghị quyết, các ý kiến thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội Nghệ An đều khẳng định tính cần thiết phải ban hành Nghị quyết. Đây cũng là cụ thể hóa tinh thần đổi mới, sáng tạo, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp. Việc chọn thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù ở 4 địa phương cũng sẽ là động lực thúc đẩy đột phá cho vùng, nhất là việc sẽ phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho các địa phương trong việc thu hút đầu tư, huy động nguồn lực phát triển.

Xuân Hướng - Cảnh Toàn

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện