Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 29/10 tại điểm cầu Nghệ An. |
Các đại biểu đã có nhiều ý kiến về từng nhóm chính sách, điều khoản cụ thể trong dự thảo luật; đặc biệt liên quan đến bảo hiểm vi mô. Đây là loại hình bảo hiểm dành cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản trước những rủi ro có thể xảy ra.
Các đại biểu nhận định: Bảo hiểm vi mô giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, việc triển khai ở nước ta chưa thực sự phát triển, hiện mới chỉ có khoảng 200.000 hợp đồng. Nguyên nhân là do sản phẩm chủ yếu hướng đến đối tượng khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận. Trong khi đó, chi phí triển khai thường lớn hơn các sản phẩm thông thường nhưng rủi ro nhiều hơn, nên đa số doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm chưa muốn cung cấp bảo hiểm vi mô và thực tế vẫn còn khoảng trống chính sách và pháp luật về bảo hiểm vi mô. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ yêu cầu lợi nhuận, phi lợi nhuận của bảo hiểm vi mô; đồng thời đánh giá kỹ tác động về kinh tế, chi phí, lợi ích của loại hình bảo hiểm này; bổ sung đầy đủ quy định; làm rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm vi mô và bảo hiểm thông thường và xác định vai trò các tổ chức tham gia.
Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy rằng, chính phủ nhiều nước coi phát triển bảo hiểm vi mô là một trong các giải pháp để cải thiện cuộc sống người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp.
Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). |
Kỳ vọng và tiềm năng của sản phẩm bảo hiểm vi mô lớn, song thiết kế trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), nội dung đề cập về bảo hiểm vi mô còn mỏng, chỉ có 1 chương gồm 2 điều với các quy định khung. Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị cần quan tâm phát triển hệ thống tổ chức, chương trình, dự án bảo hiểm vi mô hoạt động an toàn, bền vững, hướng tới mục tiêu người nghèo, người cận nghèo, người thu nhập thấp, phù hợp với mục tiêu, chủ trương của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Để các quy định khả thi, đại biểu cũng đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần tham vấn, lấy ý kiến, đối thoại trực tiếp với các công ty bảo hiểm, các tổ chức chính trị - xã hội có nhu cầu tham gia kinh doanh bảo hiểm vi mô để tìm hiểu, phân tích, nhu cầu, khó khăn, rào cản trong thực hiện các sản phẩm bảo hiểm vi mô; từ đó xây dựng khung pháp lý phù hợp sát với thực tiễn. Nếu không xác định tính đặc thù của sản phẩm này so với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường thì các quy định sẽ rất khó khả thi.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng thảo luận nhiều nội dung liên quan đến các quy định mới bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm và khắc phục những bất cập hiện nay; về hợp đồng bảo hiểm; các loại bảo hiểm bắt buộc; chống trục lợi, gian lận trong kinh doanh bảo hiểm; chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin