Thời sự - Chính trị

Quốc hội nghe dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

19:19, 29/10/2021
Chiều 29/10, tiếp tục phiên làm việc của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Với dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chính phủ nhận định thời gian tới, bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, còn có thể kéo dài và có những yếu tố bất định, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại điểm cầu Nghệ An.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại điểm cầu Nghệ An.

Trước bối cảnh đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên 5 quan điểm, đề xuất 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; Đồng thời, cũng xác định 130 nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương gắn với việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về hai nội dung trên. Đoàn đại biểu Nghệ An cơ bản thống nhất với các nội dung Chính phủ trình và các báo cáo thẩm tra. Đại biểu Thái Văn Thành đánh giá: Mục tiêu tổng quát về cơ cấu lại nền kinh tế đã thể hiện rất rõ quan điểm cân đối giữa phát triển bền vững với bảo vệ môi trường. Theo đó, Chính phủ nên tiếp tục hoàn thiện cải cách, đổi mới thể chế; Quan tâm, quyết liệt tạo điều kiện để các địa phương có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đột phá.

Đại biểu Thái Văn Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận.

Ý kiến đại biểu cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân, hạn chế khiến 5 mục tiêu chưa hoàn thành. Thực tế, thời gian vừa qua tỷ lệ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài rất hạn chế. Nguyên nhân ngoài ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, các thủ tục còn rườm rà, phức tạp. Vì vậy, trong giải pháp cơ cấu đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cần lưu ý tháo gỡ những bất cập, hạn chế này.


Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: Cần tháo gỡ khó khăn về giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài
Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: Cần tháo gỡ khó khăn về giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài.

Thảo luận về quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), ý kiến các đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị trong nội dung sửa đổi quy hoạch sử dụng đất Khu Kinh tế ven biển và Khu Kinh tế cửa khẩu cần bổ sung diện tích tăng thêm của KKT Đông Nam và cửa khẩu Thanh Thủy Nghệ An.

Các đại biểu cho rằng cần làm rõ vấn đề: Người dân dù thiếu đất sản xuất nhưng các nông, lâm trường vẫn quản lý quỹ đất lớn nhưng sử dụng hiệu quả không cao. Đặc biệt, cần quan tâm giải quyết bài toán ở các địa phương miền núi có độ che phủ rừng cao từ 70-80% nhưng đất sản xuất cho người dân lại rất ít, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Đại biểu Vi Văn Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
Đại biểu Vi Văn Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu ý kiến tại phiên thảo luận.

Vấn đề lãng phí trong sử dụng đất cũng được các đại biểu đoàn Nghệ An đề cập. Đó là tình trạng sau thu hồi đất là hàng loạt các dự án treo. Đi cùng với đó là những bất cập về tiến độ bồi thường cho người dân mất đất cho dự án. Việc minh bạch trong quỹ đất dành cho các công trình văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng hay đất dành cho các dự án thương mại dịch vụ cũng cần được làm rõ. “Trong quản lý sử dụng đất của một số dự án đầu tư xây dựng dự án công trình văn hoá tâm linh trong thời gian qua, xuất hiện tình trạng các dự án sử dụng diện tích đất lớn, nhưng chưa tách bạch đâu là công trình văn hoá tâm linh, đâu là đất cho thương mại dịch vụ. Vấn đề này cần phải được làm rõ”, ý kiến của đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Ngày mai (30/10), Quốc hội tiếp tục làm việc trực tuyến để tiến hành thảo luận về 2 nội dung này.

Xuân Hướng - Cảnh Toàn

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện