Thời sự - Chính trị

Quốc hội thảo luận các dự án Luật Điện ảnh; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

14:30, 23/10/2021
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, sáng 23/10, Quốc hội làm việc tại hội trường và tại tổ để thảo luận các dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). 
Toàn cảnh k
Toàn cảnh kỳ họp tại điểm cầu Trung ương.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành phiên họp.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì.

Toàn cảnh kỳ họp tại điểm cầu Nghệ An.
Toàn cảnh kỳ họp tại điểm cầu Nghệ An.

Theo đó, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó đã kế thừa hợp lý các quy định hiện hành; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới cơ bản phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong đề nghị xây dựng luật.  

Luật Thi đua, khen thưởng sau khi sửa đổi có 8 chương và 98 điều. Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về thi đua, khen thưởng, cải cách thủ tục hành chính và  ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng.

Thảo luận tại tổ, đoàn Đại biểu tỉnh Nghệ An đồng tình và cơ bản thống nhất cao về hai dự thảo Luật (sửa đổi). Trong đó, dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) đã  tránh được bệnh thành tích, mở rộng đối tượng, phạm vi, hình thức khen thưởng.

ĐBQH Võ Thị Minh Sinh góp ý kiến vào Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi).
ĐBQH Võ Thị Minh Sinh góp ý kiến vào Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi).

Góp ý vào  dự thảo Luật, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, việc quy định một cá nhân xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ sẽ ảnh hưởng đến thi đua của cả tập thể, điều này sẽ làm triệt tiêu động lực phấn đấu của các cá nhân khác và mâu thuẫn với Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức (sửa đổi); việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế của Đảng, Nhà nước.

“Để xếp loại tập thể, đề nghị tại điểm C khoản 1 nên bỏ cụm từ ‘100 cá nhân hoàn thành nhiệm vụ được giao’, chỉ nên để ‘có trên 90 % lao động trong tập thể đạt danh hiệu tiên tiến’, để có khoảng 10 % xử lý các tình huống thực hiện trong đánh giá kết quả của cán bộ công chức”, đại biểu Võ Thị Minh Sinh góp ý thêm.

Đại biểu Thái Văn Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến.
Đại biểu Thái Văn Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến.

Còn đại biểu Thái Văn Thành (Đoàn ĐBQH Nghệ An) đề xuất, Luật không nên bổ sung thêm danh hiệu thanh niên xung phong vẻ vang, đồng thời đề xuất: “Mong muốn trong Luật có có khung tiêu chuẩn, tiêu chí để cụ thể hóa ra đặc trưng ngành nghề để đánh giá đúng công sức, sự đổi mới, sáng tạo của từng ngành”. 

Liên quan đến dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), tại tổ thảo luận, các đại biểu cũng cho rằng, Luật vẫn đang chủ yếu đề cập đến vai trò quản lý của Nhà nước. Vì vậy để tạo cú hích, cần quy định thêm việc huy động nguồn lực xã hội hóa; Cần có thêm quy định những điều kiện, tiêu chuẩn để giám sát việc nhập khẩu phim nước ngoài; bổ sung xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim.

ĐBQH Thái Thị An Chung đóng góp ý kiến vào Luật Điện ảnh (sửa đổi).
ĐBQH Thái Thị An Chung đóng góp ý kiến vào Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, “Quy định Nhà nước đầu tư trong Điều 5, điểm c, khoản 1, ‘Nhà nước đầu tư phát hành phổ biến phim’, để phục vụ một số đối tượng, nên bổ sung thêm người cao tuổi, người khuyết tật”. Về phân loại phim, theo đại biểu Thái Thị An Chung, dự thảo đưa 6 mức phân loại là không cần thiết. “Chỉ cần 3 mức phân loại: Không cho phép phổ biến, được phép phổ biến và giới hạn độ tuổi”, đại biểu Chung góp ý.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục nghe báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; các báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2021; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Mai Hương - Cảnh Toàn

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện