Bội chi 372.900 tỷ đồng
Sáng 13/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Qua đó, tổng số thu ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định là 1.411.700 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước 1.784.600 tỷ đồng; và mức bội chi 372.900 tỷ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Nghị quyết cũng bổ sung 40,322 tỷ đồng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 từ nguồn viện trợ nước ngoài không hoàn lại của Ngân hàng phát triển châu Á; đồng thời bổ sung 40,322 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên năm 2021 từ nguồn viện trợ này cho ngân sách tỉnh Quảng Nam để thực hiện Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hội An.
"Trước mắt trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ xin Quốc hội cho phép chưa nâng lương cho người có thu nhập thấp, mới đi làm, người hoạt động chuyên trách xã, phường; đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân đối nguồn lực, sớm thực hiện cải cách tiền lương, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương, nhất là đối tượng có mức lương thấp", ông Nguyễn Phú Cường.
Trường hợp đã sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch COVID-19 và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2021 và năm 2022.
Nghị quyết cũng cho phép chuyển nguồn 16.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 sang kế hoạch năm 2022 để phân bổ và giao kế hoạch đầu tư cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Nghị quyết cho phép lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995. Tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp.
Quốc hội cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán dành để cải cách chính sách tiền lương, bao gồm: thu tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới…
Chưa nâng lương trong năm 2022
Báo cáo tiếp thu giải trình trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với việc lùi thời điểm cải cách tiền lương. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc nâng lương cho người mới đi làm, nâng mức hỗ trợ cho người hoạt động chuyên trách ở xã, tổ, thôn, bản.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH và để thực hiện Kết luận của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, cải cách tiền lương là chủ trương lớn, mang tính đột phá, đã được quy định trong Nghị quyết 27 của Bộ chính trị. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng phương án, chuẩn bị nguồn lực, sớm trình Quốc hội quyết định việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm thích hợp.
Cũng theo ông Cường, thời gian qua, dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ tới tình hình kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp, mới đi làm, người hoạt động chuyên trách xã, phường. Tuy nhiên hiện nay thu ngân sách nhà nước khó khăn, chi ngân sách tăng cao, đặc biệt là chi cho phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế đang là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết.
“Vì vậy, trước mắt trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ xin Quốc hội cho phép chưa nâng lương cho người có thu nhập thấp, mới đi làm, người hoạt động chuyên trách xã, phường; đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân đối nguồn lực, sớm thực hiện cải cách tiền lương, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương, nhất là đối tượng có mức lương thấp”, ông Cường cho hay.
Báo cáo giải trình cũng nêu rõ, một số ý kiến đề nghị cân nhắc không nên quy định phải cam kết đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương tại khoản 2 Điều 2. Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện nay nguồn thực hiện cải cách tiền lương không đủ, phải xin lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương so với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.
Do đó, để bảo đảm khả thi và tích lũy đủ nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương, đề nghị Quốc hội chỉ cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho chi phòng, chống dịch sau khi đã cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương.
Cùng với đó, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung khoản 1 Điều 3: “Ưu tiên điều chỉnh lương hưu của người nghỉ hưu trước năm 1995 và điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Giao Chính phủ báo cáo chi tiết phương án điều chỉnh”.
Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường nêu, Kết luận số 20 của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2021-2022 đã cho phép lùi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 và chỉ thực hiện tăng lương hưu cho người về hưu trước năm 1995, không quy định đối tượng người có công với cách mạng. Đồng thời, Chính phủ chưa có báo cáo đánh giá tác động khi thực hiện việc điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi cho đối tượng này. Từ thực tế đó, Ủy ban Thường vụ đề nghị cho phép thực hiện như Kết luận 20.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin