Thời sự - Chính trị

Đã đến lúc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia?

15:43, 11/11/2021
Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 11/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 theo hướng linh hoạt.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài, gây tâm lý bất an cho xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập của học sinh, sinh viên.

“Có thể đến lúc chúng ta bỏ kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia toàn quốc như vừa qua Bộ đã áp dụng cho một số tỉnh, thành bị Covid-19. Cùng trong một quốc gia mà nơi tổ chức thi nơi thì không sẽ không có sự công bằng cho học sinh trong cả nước. Đồng thời, gây rất khó khăn cho các trường đại học phải tuyển sinh nhiều đợt. Xin Bộ trưởng chia sẻ vấn đề này?”, đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu ý kiến. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: quochoi.vn)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: quochoi.vn)

Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học vừa qua do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên kỳ thi THPT Quốc gia phải tổ chức làm nhiều đợt và có một nhóm gồm hơn 2.000 học sinh ở TP.HCM đã xin phép được đặc cách.

Đối với kiến nghị bỏ kỳ thi THPT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, kỳ thi THPT Quốc gia đã được Luật hóa. Bộ là đơn vị thực hiện theo quy định của luật. Kỳ thi cũng có nhiều tác động trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh. Hiện tại đây vẫn là một trong các căn cứ để tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng.

“Về kỳ thi năm 2021-2022 sắp tới, Bộ GD&ĐT cũng đang lên phương án cho một hình thức thi linh hoạt hơn trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Căn cứ vào tình hình của đơn vị của các tỉnh, thành nhóm tỉnh, thành để có thể có một lịch thi, thậm chí còn linh hoạt hơn cả năm 2021”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết thêm.

“Bộ GD&ĐT đang xây dựng ngân hàng đề lớn hơn, đủ đáp ứng việc tổ chức thi linh hoạt, nhiều đợt hơn, thậm chí có thể mỗi địa phương một kế hoạch thi. Nhưng như thế công tác tổ chức thi sẽ có nhiều khó khăn, tốt nhất vẫn là tổ chức một đợt thi hoặc một nhóm địa phương một đợt”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Các trường phải cam kết sinh viên có việc làm khi ra trường?

Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng nêu ý kiến nhiều trường đại học đào tạo tràn lan, tranh thủ thu hút sinh viên để có chi phí. Sinh viên ra trường phải giấu bằng cấp để tìm việc hoặc việc làm trái với ngành học. Nên chăng, các trường phải cam kết sinh viên có việc làm khi ra trường?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, khó để các trường đại học cam kết việc làm cho sinh viên. Các trường đại học đã phối hợp nhà tuyển dụng, doanh nghiệp để dự báo nhân lực, cùng đào tạo nhưng quyền tuyển dụng là trong tay doanh nghiệp.

“Quyền tuyển dụng không nằm trong tay nhà trường. Cũng hiếm doanh nghiệp nào dám đặt bút ký cam kết sử dụng bao nhiêu sinh viên, nhân lực của một trường. Yêu cầu tất cả các trường ký cam kết bảo đảm việc làm cho sinh viên là khó khả thi, rất khó”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện