Quốc hội thông qua chơ chế đặc thù tỉnh Nghệ An với tỷ lệ 86,17% biểu quyết. |
Căn cứ dự toán năm 2021, Nghệ An có hạn mức dư nợ vay tối đa là 20%, tương ứng với 2.062 tỷ đồng để phục vụ cho đầu tư phát triển. Nhưng áp dụng theo cơ chế, chính sách đặc thù vừa được thông qua, từ năm 2022, hạn mức vay của tỉnh sẽ được nâng lên tới 40%. Dư nợ vay tối đa lúc đó sẽ đạt trên 4.100 tỷ đồng. Đây là nguồn lực huy động đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh.
Trao đổi với phóng viên, đại biểu Nguyễn Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết: “Điều đặc biệt ở đây là tỉnh Nghệ An có quyền huy động các nguồn lực ở trong nước từ các tổ chức tài chính và các tổ chức khác, còn vốn nước ngoài thì phải vay qua Chính phủ. Tức là tạo sự chủ động cho các địa phương nhưng cũng tránh được tình trạng vay tràn lan và kiểm soát nguồn vay từ nước ngoài”.
Đại biểu Trần Đức Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: internet |
Cùng với mức trần dư nợ vay được nâng lên, hàng năm, Nghệ An sẽ được ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu kèm theo một số điều kiện cụ thể; được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số…Với các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù cho Nghệ An lần này thực sự ý nghĩa bởi thủ tục, thời gian đầu tư sẽ được rút ngắn khi tỉnh được giao thêm quyền tự quyết trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp.
Nói về chính sách này, ông Trần Anh Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An chia sẻ: "Quốc hội đã giao cho HĐND tỉnh tính tự quyết trong vấn đề điều chỉnh đất đai từ đất rừng, đất lúa để phục vụ thu hút đầu tư…Đây là cơ sở để giải quyết nhanh nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trước đây phải trình bộ, ngành, thủ tướng nên rất mất thời gian. Với doanh nghiệp, cho doanh nghiệp thời gian là cho vàng”.
Một đặc điểm dễ nhận thấy, ở 6 nội dung trong Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù cho Nghệ An đều hướng về thực tế nhu cầu phát triển, khơi dậy sức dân, động viên doanh nghiệp, nhà đầu tư để tạo được nguồn lực mạnh mẽ. Ngay cả những phần kinh phí tăng thêm của tỉnh ngoài việc tạo điều kiện để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thì đây cũng sẽ là nguồn lực để chi cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Với cơ chế, chính sách đặc thù riêng, Nghệ An sẽ có thêm nguồn lực, tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội. |
“Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết này thì Nghệ An phải như thế nào để tận dụng được những cơ chế, chính sách đặc thù đó để thực sự tự mình tạo ra bước đột phá. Dù cơ chế đặc thù đến đâu thì nó cũng là chỉ tạo ra cơ hội, còn tạo được bước đột phá hay không là tỉnh Nghệ An, lãnh đạo tỉnh quyết định. Vì thế tôi rất mong tới đây tỉnh sẽ đưa ra được những quyết định để tận dụng tối đa cơ hội này”, ông Trương Công Anh ở phường Hà Huy Tập, Tp Vinh, Nghệ An chi sẻ.
Hơn 8 năm trước, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Tuy vậy, Nghệ An đến nay vẫn chưa thể phát triển đạt được kỳ vọng như đã đặt ra. Thành phố Vinh phát triển vẫn chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là khu vực miền Tây…Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Nghệ An chính là một bước thể chế hóa Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Đồng thời, thể chế hóa đường lối, quan điểm tại Đại hội 13 của Đảng theo hướng phân cấp cho các địa phương có sự chủ động trong phát triển kinh tế xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin