Thời sự - Chính trị

Quốc hội tăng thẩm quyền cho công an xã

08:05, 13/11/2021
Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm.

Chiều 12-11, Quốc hội (QH) đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS khi được 466/469 đại biểu (ĐB) QH biểu quyết tán thành. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-12-2021.

Công an xã xác minh tin báo tội phạm

Theo luật vừa được QH thông qua, công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS. Ảnh: Quochoi.vn
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS. Ảnh: Quochoi.vn

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH cho rằng trên cơ sở quy định của Luật Công an nhân dân 2018, Bộ Công an đã cơ bản hoàn thành việc triển khai đề án bố trí lực lượng công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã. Đến nay, các cơ quan chức năng đều đánh giá lực lượng công an xã có đủ năng lực, điều kiện để thực hiện trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm nếu được giao nhiệm vụ.
“Việc giao thêm trách nhiệm cho công an xã nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xử lý kịp thời, nhanh chóng các vụ việc ngay tại địa bàn cơ sở, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết quan điểm của UBTVQH.

“Tạm đình chỉ” vì lý do bất khả kháng

Đáng chú ý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS vừa được QH thông qua đã bổ sung căn cứ “tạm đình chỉ” vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.

Về việc này, UBTVQH cho rằng đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra, truy tố. Đặc biệt là những hoạt động phải tiến hành trực tiếp tại thực địa như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét nơi ở, nơi làm việc...

“Việc giao thêm trách nhiệm cho công an xã trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm sẽ không tháo gỡ hết những khó khăn này” - bà Nga nói.

Do vậy, UBTVQH nhận định việc bổ sung điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 và điểm d khoản 1 Điều 247 của BLTTHS để bổ sung căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” là cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho hay quá trình thảo luận, một số ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh trong giai đoạn xét xử. Đồng tình với nhận định của ĐB, tuy nhiên UBTVQH cho rằng dự thảo Nghị quyết về phiên tòa trực tuyến vừa được QH thông qua đã được tiếp thu theo hướng bảo đảm khả thi, cố gắng tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xét xử.

Sửa luật để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

Liên quan đến việc sửa đổi quy định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại và căn cứ không khởi tố vụ án hình sự (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 của BLTTHS), bà Lê Thị Nga cho hay đây là vấn đề các ĐBQH còn có ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành dự thảo Luật về sửa đổi quy định đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Loại ý kiến thứ hai đề nghị chỉ sửa đổi quy định đối với nhãn hiệu, không sửa đổi về chỉ dẫn địa lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay để bảo đảm thận trọng, UBTVQH đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và đại diện lãnh đạo các cơ quan có liên quan. Qua thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt, UBTVQH cho rằng việc sửa đổi khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157 của BLTTHS theo hướng cho phép cơ quan có thẩm quyền chủ động khởi tố (không cần yêu cầu khởi tố của bị hại) đối với hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý là cần thiết.

Điều này vừa nhằm tăng cường bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam, vừa bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người tiêu dùng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và góp phần phát triển kinh tế.

Theo Quy định 18.30 của Hiệp định CPTPP về công nhận chỉ dẫn địa lý, “các bên thừa nhận rằng chỉ dẫn địa lý có thể được bảo hộ thông qua hệ thống nhãn hiệu hoặc một hệ thống riêng hoặc các biện pháp pháp lý khác”. Do vậy, việc sửa đổi quy định đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý bảo đảm thống nhất về chính sách hình sự và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Việc sửa đổi này không làm ảnh hưởng đến quyền yêu cầu khởi tố, cũng không gây áp lực công việc với các cơ quan tiến hành tố tụng, mà còn thúc đẩy quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thống nhất với chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Trách nhiệm của công an xã

Ở điều khoản thi hành của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS, QH đã sửa đổi, bổ sung Điều 44 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định về trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an.

Theo đó, công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Trường hợp công an xã, phường, thị trấn, đồn công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện