Ngày 27/11, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra dự thảo các Nghị quyết, báo cáo sẽ trình tại kỳ họp thứ 4 - HĐND tỉnh khóa XVIII.
Dự cuộc thẩm tra có đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo đoàn ĐBQH, UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh cùng các Sở, ngành liên quan.
Toàn cảnh cuộc họp. |
Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ngân sách, dự kiến có 22 Nghị quyết, báo cáo sẽ trình tại Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh. Trong sáng nay, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tiến hành thẩm tra dự thảo của 9 Nghị quyết và 2 báo cáo.
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung bảng giá đất tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2024, các thành viên dự họp cơ bản đồng tình với đề xuất sửa đổi của UBND tỉnh và đặt ra một số vấn đề. Cụ thể việc điều chỉnh, bổ sung giá đất một số khu vực, loại đất đã phù hợp với khung giá đất của Chính phủ quy định và thực tiễn biến động giá đất của thị trường, nhất là khu vực thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên. Việc xác định giá đất vùng giáp ranh giữa thị trấn và vùng nông thôn, hay trên cùng tuyến đường thì như thế nào?
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình phát biểu tại cuộc họp. |
Một số thành viên dự họp cũng đề xuất UBND tỉnh và Sở Tài nguyên - Môi trường cần quan tâm nghiên cứu tăng giá đất ở khu đô thị, vừa tăng nguồn thu ngân sách, vừa giãn mật độ dân cư trong các khu đô thị ở các đợt điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng bảng giá đất cho giai đoạn tiếp theo.
Các thành viên dự họp. |
Tiếp đó, các thành viên dự họp đã góp ý đối với Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị quyết 47/2016 của HĐND tỉnh, quy định phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận, phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai, lệ phí cấp giấy chứng nhận trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết quy định mức thu, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường, phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường trên địa bàn tỉnh.
Thẩm tra báo cáo của UBND tỉnh về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh năm 2021, nhiệm vụ năm 2022, các ý kiến đề nghị bổ sung rõ thêm thông tin về tình trạng nuôi nhốt, buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn, những khó khăn trong quá quá trình xử lý tình trạng này. Ngoài việc đẩy mạnh công tác quản lý ô nhiễm thì cần quan tâm hơn đến vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước; tiếp tục quan tâm xử lý các điểm ô nhiễm do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Việc xử lý rác thải y tế trong quá trình phòng chống dịch Covid-19 vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt, các ý kiến cho rằng cần lưu ý vấn đề công nghệ khi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải.
Thẩm tra các dự thảo Nghị quyết, báo cáo thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất theo quy định; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các công trình dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh… các thành viên dự họp đánh giá: tỷ lệ chỉ khoảng 40% dự án triển khai sau khi thu hồi đất là vấn đề cần được đánh giá đầy đủ. Việc thu hồi đất trồng lúa để thực hiện dự án cũng cần phải được thẩm định kỹ càng.
Toàn cảnh cuộc họp. |
Tiếp đó, Ban Kinh tế - Ngân sách thẩm tra 2 Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022-2025; phân bổ nguồn vốn trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc qia xây dựng NTM; Thẩm tra báo cáo của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2021, nhiệm vụ năm 2022.
Các ý kiến ghi nhận, chính sách lần này đã đề cập đầu tư cho đầu ra như: bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Đề nghị đánh giá thêm chính sách HĐND tỉnh về hỗ trợ sản phẩm OCOP, sớm thực hiện chính sách hỗ trợ xi măng để nhân dân triển khai.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng: với những loại cây có múi như: cam, quýt cần xác định hỗ trợ để nâng cao chất lượng chứ không phải phát triển diện tích. Các loại hình kinh doanh dịch vụ dưới tán rừng ở tỉnh vẫn làm chưa tốt, cần chú trọng khai thác. Việc hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ tập trung gần như không thể triển khai trong thời gian qua do vướng những quy định; Cần phải có một chính sách thông thoáng, thuận lợi hơn về thủ tục, phân cấp, phân quyền rõ hơn để khuyến khích thu hút các nhà đầu tư, hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia.
Cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, các ý kiến nhận định: hạn chế lớn nhất thời gian vừa qua là các cụm công nghiệp do huyện, thị xã làm chủ đầu tư đều phát huy hiệu quả thấp. Do đó, chính sách cần phải tập trung xử lý vấn đề này. Cụ thể, cần tạo cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp, HTX có thể tham gia đầu tư hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vào sản xuất, hạn chế sử dụng nguồn đầu tư công.
Cũng trong chiều nay, các thành viên dự họp đã cho ý kiến đối với các Nghị quyết, báo cáo liên quan đến lĩnh vực tài chính gồm: công tác quyết toán, dự toán thu chi ngân sách, phương án phân bổ ngân sách; chủ trương điều chỉnh đầu tư các dự án đầu tư công.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin