Toàn cảnh phiên họp. |
Tại phiên họp, BTV Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến về 1 năm triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định 827 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2023, theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị. Căn cứ nhiệm vụ được giao, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện có 12 nhiệm vụ trọng tâm trên các ngành, lĩnh vực, với 23 nội dung. Đến nay, nhìn chung các nhiệm vụ được triển khai nghiêm túc và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, theo đánh giá thành phố Vinh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra.
Đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh phát biểu tại cuộc làm việc. |
Trao đổi những nội dung liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: các ngành cùng với thành phố Vinh cần rà soát để lựa chọn những dự án thực sự có điều kiện thuận lợi, kêu gọi thu hút đầu tư vì nguồn vốn này phụ thuộc vào nhà đầu tư; Đồng thời khẳng định UBND tỉnh và các ngành sẽ tập trung chỉ đạo để trong 2 năm còn lại thực hiện Quyết định số 827 đạt được kết quả cao nhất.
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Thái Thanh Quý đánh giá cao quá trình chuẩn bị, cũng như cách tiếp cận, triển khai của thành phố Vinh. Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất của TP. Vinh, Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành được phân công chủ trì rà soát, chuẩn bị lại để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Nhấn mạnh Kế hoạch số 634 đã chỉ rõ 15 nội dung liên quan đến các sở, ngành, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý lưu ý, phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng, có bước cụ thể ở các Sở, ngành với quan điểm có tư duy, cách tiếp cận tạo điều kiện cho thành phố phát triển, vì đây là một trong những nhiệm vụ cốt lõi trong Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị và trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, các Sở, ngành cần mạnh dạn, tin tưởng phân cấp, phân quyền ở phạm vi mà thành phố có thể đảm đương. Đồng thời, thành phố Vinh cần chủ động đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh nội dung này để giao các sở ngành phân cấp, phần quyền cho địa phương.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu kết luận nội dung về thành phố Vinh. |
Cuộc họp đã nghe và cho ý kiến đối với đề án xây dựng và phát triển đô thị Đô Lương đạt đô thị loại 4, trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ. Đây là mục tiêu đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định.
Có 8 nhóm giải pháp cụ thể đã được đưa ra. Đô Lương phấn đấu đạt đô thị loại IV trước năm 2025, trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ trước năm 2030, huyện đề xuất cho phép được để lại tiền sử dụng đất 100% ngân sách huyện đối với một số khu quy hoạch đất ở để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đầu tư nguồn lực xây dựng một số tuyến đường trục chính, cơ sở hạ tầng thiết yếu, trọng điểm trên địa bàn cùng một số chính sách khác.
Đô Lương phấn đấu đạt đô thị loại IV trước năm 2025, trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ trước năm 2030. Ảnh: internet. |
Về nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý yêu cầu cả tỉnh và huyện Đô Lương phải có quyết tâm chính trị cao để thực hiện đề án. Đống chí nhấn mạnh: địa phương phải tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, nhân dân. Đặc biệt chú trọng chất lượng, tầm nhìn quy hoạch;Hết sức chuẩn bị hạ tầng đô thị, giao thông, văn hóa, y tế, giáo dục, cấp nước, xử lý môi trường…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương giao Ban cán sự UBND tỉnh xây dựng cơ chế, nguồn lực đầu tư đủ mạnh để hỗ trợ Đô Lương xây dựng thành công đề án. Tỉnh cũng sẽ có trách nhiệm kêu gọi các nguồn lực đầu tư từ xã hội hóa để giúp địa phương.
Cũng trong sáng nay, BTV Tỉnh ủy đã cho ý kiến đối với đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp. |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: mặc dù đã có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Vẫn còn khúc mắc ở các Sở, ngành… Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các ngành phải rà soát lại các vấn đề của ngành mình; Bảo vệ lợi ích ngành mình, sợ trách nhiệm… là những vấn đề cần phải quyết liệt thay đổi.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong xử lý, quản lý công việc phải thực hiện quyết liệt hơn nữa. Mục tiêu hướng đến là công khai, minh bạch, đơn giản tối đa thủ tục hành chính. Bước sang năm 2022, người đứng đầu UBND tỉnh đề nghị BTV Tỉnh ủy ủng hộ khi Chủ tịch UBND tỉnh xử lý những người đứng đầu các Sở, ngành thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai sót…
Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý yêu cầu thời gian tới phải tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát các chuyên đề về thủ tục hành chính, quản lý đất đai… Theo đó, bất kỳ chỗ nào phát hiện khó khăn, vướng mắc, nhức nhối đều phải vào cuộc để làm rõ và xử lý trách nhiệm. Đồng thời, nội dung chuyển đổi số từ năm 2022 phải quyết liệt thực hiện, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin làm công cụ quản lý để công tác cải cách hành chính ngày càng thực chất, hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu tại phiên họp. |
Trong chiều nay, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025. Sau 5 năm thực hiện, 100% chỉ tiêu đặt ra đều đạt và vượt. Điển hình như Chỉ số TFP (Năng suất các nhân tố tổng hợp) vượt 67,7%; số đối tượng đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp vượt 33,6%; nguồn kinh phí xã hội hoá cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN ngoài ngân sách Nhà nước vượt 15% so với trước khi có nghị quyết. Nhìn chung, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu kết luận nội dung làm việc tại phiên họp. |
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý đánh giá, qua quá trình 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06 có nhiều đổi mới trong cách làm và tiếp cận vấn đề, mang lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, cách tư duy và tiếp cận nguồn lực phát triển KH&CN đã chuyển từ tâm thế dựa vào nguồn lực Nhà nước sang chủ yếu tập trung vào nguồn lực của xã hội hoá, đây là cách tiếp cận rất hay. Đồng thời, khởi động được các quỹ và hệ sinh thái khởi nghiệp do Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đặc biệt là với cộng đồng doanh nghiệp đã khẳng định sự tư duy tiếp cận vấn đề khoa học ứng dụng phải từ cộng đồng doanh nghiệp là hoàn toàn phù hợp.
Trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý đề nghị bên cạnh tăng cường hợp tác KH&CN giữa các đơn vị trong tỉnh thì cần đẩy mạnh hợp tác giữa ngành KH&CN tỉnh với các cơ sở nghiên cứu khác trong và ngoài nước; các tổ chức quốc tế để xây dựng mối quan hệ, tiến tới ký kết, thoả thuận các chương trình, dự án đầu tư nghiên cứu KH&CN vào Nghệ An. Cùng với đó, tỉnh cần tiếp tục thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nghiên cứu thêm để phát huy khoa học xã hội và nhân văn bên cạnh nghiên cứu KH&CN ứng dụng vào sản xuất.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin