Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 8/12, ông Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Sở TN&MT đã đăng đàn trả lời chất vấn về nội dung công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Toàn cảnh phiên chất vấn. |
Khai thác khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 254 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, trong đó có: 61 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; 193 giấy phép do UBND tỉnh cấp. Thời gian qua các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị; UBND các xã, thị trấn đã vào cuộc xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã kiểm tra, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ nhiều phương tiện, tang vật vi phạm, khởi tố nhiều vụ án, bị can. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Sở TN&MT tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở một số loại khoáng sản như: đất san lấp, cát sỏi lòng sông, quặng thiếc, đá trắng. Trên địa bàn tỉnh có nhiều vụ mất an toàn lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản, gây thiệt hại về người, tài sản. Điển hình là khai thác đá trắng, quặng thiếc trên địa bàn huyện Quỳ Hợp; khai thác đá xây dựng ở các địa phương như Tương Dương, Yên Thành, Đô Lương...
Ông Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Sở TN&MT trả lời chất vấn về nội dung công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. |
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nói trên là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, còn có hiện tượng né tránh trong việc xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (thực tiễn cho thấy, địa phương nào cấp ủy chính quyền quan tâm triển khai thực hiện quyết liệt, thì ở đó không có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép). Do tình hình đại dịch Covid-19, một số địa bàn phải giãn cách xã hội nên các đối tượng lợi dụng để thực hiện khai thác khoáng sản trái phép. Việc kiểm soát nguồn gốc khoáng sản chưa được quan tâm đúng mức, các đơn vị không có giấy phép khai thác khoáng sản vẫn kê khai nộp thuế tài nguyên tạo ra việc hợp thức hóa khoáng sản khai thác trái phép. Một số chủ đầu tư hợp đồng với các nhà thầu mua khoáng sản không rõ nguồn gốc xuất xứ để thực hiện dự án, đặc biệt là đất san lấp, cát sỏi. Một số điểm mỏ thiếc, đá các loại có giá trị trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã được đóng cửa mỏ nhưng người dân vẫn lén lút vào mót, vét phục vụ cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Ngoài ra, còn có vụ việc khai thác đá vôi trắng có tổ chức, có quy mô lớn tại khu vực mỏ đã đóng cửa mỏ tại xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp nhưng chưa được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm, mức xử lý chưa tương xứng với hành vi vi phạm (hiện nay Công an tỉnh đã khởi tố).
Trách nhiệm chống thất thu thuế khai thác khoáng sản
Mở đầu phiên chất vấn, bà Nguyễn Thị Thuỳ An (Đại biểu huyện Anh Sơn) nêu câu hỏi: Một số cử tri cho rằng địa phương nào được thiên nhiên ưu đãi, đồng nghĩa với việc trách nhiệm quản lý lớn hơn. Tuy nhiên, công tác thanh tra kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên liên tục, nguồn nhân lực thiếu… Quan điểm, trách nhiệm chính trong việc chống thất thu thuế trong hoạt động khai thác khoáng sản thuộc về đơn vị nào?
Bà Nguyễn Thị Thuỳ An (Đại biểu huyện Anh Sơn) chất vấn: Trách nhiệm chính trong việc chống thất thu thuế trong hoạt động khai thác khoáng sản thuộc về đơn vị nào? |
Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Sở TN&MT giải trình: từ 2009 trở về trước, tỉnh chỉ đạo các ngành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc khai thác khoảng sản. Có thời điểm, cụ thể như năm 2018, Sở Tài nguyên Môi trường và Sở LĐTBXH làm trưởng các đoàn trực tiếp đến các huyện kiểm tra; đồng thời chỉ đạo các huyện tập trung kiểm tra, thanh tra các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng Covid-19 và thực hiện Nghị quyết 84 ngày 29/5/2020 của CP về nhiệm vụ giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, UBND tỉnh và các địa phương hạn chế thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành. Chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc ứng phó dịch Covid-19 trong tình hình mới, ngày 21/10/2021, Chủ tịch UBND tỉnh và ký Quyết định số 3892 về việc thành lập các đoàn liên ngành, thanh tra kiểm tra 12 doanh nghiệp có quy mô lớn, nhiều nhận định liên quan đến các hoạt động về khoáng sản như khai thác sai thiết kế, thất thu thuế,… Hiện, đoàn đã tiến hành kiểm tra 1 doanh nghiệp đầu tiên tại Quỳ Hợp, truy thu thuế hơn 1,2 tỷ đồng, trình UBND tỉnh xử phạt trên 340 triệu đồng. Đồng thời tiếp tục triển khai thanh tra tại các doanh nghiệp khác. Ngoài đối chiếu sổ sách, chứng từ theo Thông tư 17 của Bộ TNMT, UBND tỉnh còn thuê đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, uy tín để đo, kiểm tra lại sản lượng của doanh nghiệp để xử lý nghiêm theo quy định.
Các đại biểu tham dự kỳ họp. |
Về trách nhiệm chống thất thu thuế, Giám đốc Sở TN&MT thông tin, năm 2011, nguồn thu ngân sách từ khoáng sản đạt hơn 178 tỷ đồng, đến nay, 11 tháng đầu năm 2021 đạt 816 tỷ đồng, tăng 47,7%. Hàng năm nguồn thu từ khoáng sản chiếm 3-5% nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên dư luận cho rằng nguồn thu vẫn đang thất thoát, quan điểm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ và lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm việc chống thất thu ngân sách trong vấn đề khai thác khoáng sản. UBND tỉnh đã phân công, phân nhiệm rõ cho các ngành trong việc này. Ngành Thuế có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức khai thác đăng ký, kê khai nộp thuế phí tài nguyên, phí bảo vệ môi trường tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; Thực hiện thanh tra kiểm tra việc nộp thuế, phí và các khoản thu khác; Xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đã đươc quy định rất rõ tại Điều 15, Quyết định 47 của UBND tỉnh về quy chế phối hợp, phân công phân nhiệm cho các ngành. Ngoài ra, Công an tỉnh, quản lý thị trường quản lý buôn lậu, gian lận thương mại,… các địa phương ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép, ngành Tài nguyên Môi trường, Công thương, GTVT,… cung cấp thông tin; Cục hải quan hướng dẫn thực hiện tờ khai thu thuế xuất khẩu,…Khoáng sản trên địa bàn Nghệ An rất đa dạng, nhất là phục vụ cho xuất khẩu, khi đưa đến các nhà máy nghiền bột, việc kiểm soát sản lượng tính thuế bằng các biện pháp thông thường như chứng từ, trạm cân, sổ sách… để kê khai nộp thuế, kiểm soát đầu vào các nhà máy phải có hoá đơn, chứng từ, các ngành phải đối chiếu. Căn cứ Thông tư 17 của Bộ TNMT, văn bản hướng dẫn của Bộ TC, Tổng cục thuế để kiểm soát, thực hiện thanh tra kiểm tra lập chốt ngăn chặn lọt thuế. Đặc biệt ở địa bàn phức tạp như Quỳ Hợp, có 2 đoàn liên ngành lập chốt kiểm tra các xe đưa khoáng sản ra khỏi địa bàn.
Các đại biểu tham dự kỳ họp. |
Việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào của các dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư công, các doanh nghiệp, khu đô thị, năm 2017, Tổng Cục thuế đã có văn bản đề nghị Cục thuế rà soát, thanh tra kiểm tra để kiểm soát đầu vào, các hoá đơn chứng từ, mua bán sử dụng khoáng sản, cát sỏi theo Công văn 5682 ngày 11/2/2017 của Tổng Cục thuế. Mới đây UBND tỉnh đã có công văn số 8725 ngày 11/11/2021, giao Cục thuế chủ trì phối hợp Công an tỉnh, các Sở TNMT, GTVT, Xây dựng đưa ra các giải pháp ngăn chặn chống thất thu thuế trong khai thác khoáng sản. Hiện Cục thuế đang xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện. Quán triệt các địa phương thực hiện nghiêm phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. UBND tỉnh cũng đã có QĐ 4182 thực hiện quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước, thực hiện nghiêm việc ký quy chế giáp ranh giữa các địa phương trong khai thác khoáng sản. Tăng cường công tác thống kê sản lượng khoáng sản ở các doanh nghiệp. Cụ thể căn cứ vào hồ sơ, các chứng từ thực hiện nghiêm triệt để theo Thông tư 17 năm 2020 của Bộ TNMT.
Ông Trịnh Thanh Hải - Cục trưởng Cục thuế tỉnh giải trình thêm về nội dung hoạt động quản lý thuế, khai thác khoáng sản trên địa bàn. |
Làm rõ hơn về ý kiến của đại biểu Thùy An, ông Trịnh Thanh Hải - Cục trưởng Cục thuế giải trình: Trong hoạt động quản lý thuế, khai thác khoáng sản trên địa bàn, Cục hiện quản lý 294 tổ chức doanh nghiệp có khai thác khoáng sản và nộp thuế tài nguyên, bảo vệ môi trường. Năm 2020 đã nộp 869 tỷ, riêng 11 tháng năm 2021 đã nộp 1125 tỷ, gần 8% tổng thu ngân sách. Thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản thời gian qua đã có nhiều đóng góp cho ngân sách và tăng trưởng theo các năm. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều rủi ro. Thời gian qua, ngành đã triển khai tham mưu nhiều biện pháp chống thất thu thuế, đơn cử như xây dựng các định mức tiêu hao vật liệu nổi trong khai thác khoáng sản về đá, tiêu hao năng lượng trong chế biến đá, xác minh hàng hoá qua cảng, các đơn vị khác, tham mưu thành lập các đoàn liên ngành ở Quỳ Hợp, đã góp phần chống thất thu ngân sách.
Ông Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Sở TN&MT trả lời chất vấn. |
Năm 2020 triển khai 86 đoàn thanh tra, kiểm tra, truy thu hơn 25 tỷ; 11 tháng năm 2021 thực hiện 60 đoàn, truy thu 15,6 tỷ. Tuy nhiên công tác quản lý tài nguyên nói chung, thu ngân sách nói riêng đối với hoạt động khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập. Trong đó,có 2 hiện tượng: Khai thác trái phép, khai thác vượt công suất thiết kế. Hiện tượng này diễn ra các hoạt động khai thác đất đá, cát sỏi, quặng thiếc.. công suất ít khai thác nhiều. Nguyên nhân do nhu cầu thực tế về tài nguyên lớn hơn so với trữ lượng, công suất cấp phép hàng năm. Nhiều doanh nghiệp không muốn trốn thuế nhưng viết hoá đơn sẽ vi phạm quy định. Giải pháp căn cơ phải xác định được nhu cầu thực tế để cân đối quy hoạch, đáp ứng nguồn cung; Khai thác nhiều nhưng kê khai ít, kê khai thuế khác với sản lượng thực tế. Tuy phát hiện ra nhưng ngành Thuế không có đủ thẩm quyền, chức năng xác định thực tế sản lượng khai thác. Cục đã có văn bản gửi Sở TNMT, Bộ TNMT giải quyết vấn đề này để làm cơ sở xác định mức thuế phải nộp để chống thất thu ngân sách.
DN được cấp phép nhưng khai thác sai quy hoạch?
Ông Trần Minh Ngọc (Đại biểu huyện Diễn Châu) chất vấn: Trong nhiều năm qua tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông, đặc biệt sông Lam diễn ra phức tạp, hệ luỵ dẫn đến thay đổi dòng chảy, gây ra sạt lở 2 bên bờ sông, nhân dân mất đất sản xuất, Nhà nước mất thuế tài nguyên. Các đoàn thanh tra liên ngành đã có nhiều cuộc thanh kiểm tra, xử lý nhiều nhưng sau đó tình trạng tiếp tục tái diễn. Vậy giải pháp nào để chấn chỉnh tình trạng này. Trước khi cấp phép cho doanh nghiệp, việc đánh giá, khảo sát trữ lượng từng địa bàn được đánh giá như thế nào, có hay không tình trạng Doanh nghiệp được cấp phép nhưng khai thác sai quy hoạch, vượt quy định đã cấp phép?
Ông Trần Minh Ngọc (Đại biểu huyện Diễn Châu) chất vấn: Có hay không tình trạng Doanh nghiệp được cấp phép nhưng khai thác sai quy hoạch, vượt quy định đã cấp phép? |
Về vấn đề này, Giám đốc Sở TN&MT cho biết hiện toàn tỉnh có 26 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác cát sỏi trên sông Lam, ngoài ra có hiện tượng khai thác trái phép. Một bộ phận dân cư sinh sống trên chính dòng sông Lam hoạt động khai thác cát sỏi trái phép, ảnh hưởng đến dòng chảy và tình trạng sạt lở 2 bên bờ sông Lam. Các khu vực được cấp phép đều đảm bảo đúng quy hoạch khoáng sản, NTM, đảm bảo các quy định. Các doanh nghiệp khai thác chưa có khu vực nào bị sạt lở bởi các đơn vị chủ yếu được cấp phép hoạt động trên các bãi nổi. Sở cũng thường xuyên kiểm tra để có hiện tượng sạt lở sẽ xử lý ngay.
Các đại biểu tham dự kỳ họp. |
Nguyên nhân thay đổi dòng chảy và sạt lở, qua khảo sát nguyên nhân do xâm thực ngang và chuyển dòng tự nhiên làm thay đổi dòng chảy. Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép cũng góp phần gây sạt lở. Đánh giá về trữ lượng trước khi cấp phép, trên cơ sở quy hoạch khoáng sản, Sở TNMT tích cực chủ động phối hợp cùng với Sở NN&PTNT, Xây dựng, GTVT, UBND các huyện kiểm tra thực địa, rà soát các khu vực đề xuất cấp mỏ có nằm trong khu vực quy hoạch, sạt lở hay không,… từ đó lấy ý kiến cộng đồng dân cư, sau khi thống nhất Sở mới tổng hợp trình UBND tỉnh thực hiện các quy trình thủ tục cấp phép. Việc đánh giá trữ lượng được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật khoáng sản 2010, các nghị định, thông tư hướng dẫn, UBND tỉnh thành lập hội đồng thẩm định bao gồm chuyên gia, người có kinh nghiệm để quyết định vấn đề trữ lượng.
Đại biểu Chu Thế Huyền (Diễn Châu) nêu câu hỏi chất vấn. |
Cũng liên quan nội dung này, đại biểu Chu Thế Huyền (Diễn Châu) chất vấn: Thời gian qua Sở đã tích cực tham mưu, trực tiếp chỉ đạo xử lý, thành công trong quản lý tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, số liệu giữa cấp phép trữ lượng và thực tế khai thác có sự chênh lệch nhiều. Đơn cử như qua kiểm tra DN, trong quyết định cấp phép khai thác 87 nghìn tấn quặng thiếc trong 30 năm, thực tế kiểm tra công ty khai thác 104 nghìn tấn thiếc, 1 năm khai thác gấp 1,2 lần/30 năm. Khi xác định trữ lượng liên quan đến thất thoát tiền khai thác khoáng sản, thuế, khắc phục môi trường,… Giải pháp nào để giải quyết dứt điểm tình trạng này?
Về vấn đề này, ông Hoàng Quốc Việt cho biết trong quá trình khai thác, doanh nghiệp phát hiện thêm trữ lượng vượt với cấp phép ban đầu. Vì vậy các doanh nghiệp cần đăng ký kê khai bổ sung để tỉnh xem xét, tránh vấn đề thất thoát ngân sách. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các Sở, ngành tiến hành rà soát để xử lý, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng việc kê khai khớp với thực tế.
Đại biểu Trần Đình Toàn (Đô Lương) nêu câu hỏi chất vấn. |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Đình Toàn (Đô Lương), hiện nhu cầu san lấp mặt bằng lớn, người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, chi phí mua đất san lấp cao. Đã có tình trạng người dân Đô Lương phải mua đất tại các mỏ ở huyện Nghi Lộc. Việc này vừa phải trả chi phí cao, vừa làm hư hỏng đường sá, giống như “chở củi về rừng”. Giải pháp nào khắc phục những khó khăn này trong thời gian tới? ông Giám đốc Sở TN&MT thừa nhận đúng như đại biểu Toàn phản ánh, Sở đã gấp rút đẩy nhanh thủ tục cấp phép khai thác các mỏ đất để phục vụ san lấp. Hiện đã cấp phép cho 16 mỏ, hơn 24 triệu tấn; Tiến tới hoàn tất thủ tục cho các mỏ khác khai thác với hơn 30 triệu tấn. Các huyện như Đô Lương cũng có nhiều mỏ đất như Đại Sơn, Mỹ Sơn,…Hiện, Sở đang đẩy nhanh thủ tục trình UBND tỉnh để được cấp phép khai thác bổ sung.
Tạo thuận lợi cho người dân trong khai thác khoáng sản
Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Kỳ Sơn) chất vấn công tác ban hành các văn bản của Nhà nước về quản lý khai thác khoáng sản, quyết định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản của tỉnh đã đầy đủ, đồng bộ, đúng quy định, phù hợp với CCHC, quản lý nhà nước hiện nay của tỉnh chưa? Những tồn tại, bất cập và nguyên nhân?
Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Kỳ Sơn) nêu câu hỏi chất vấn. |
Ông Giám đốc Sở TN&MT giải trình, trong báo cáo đã nêu rõ từ khi thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 11 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm các Chỉ thị, Quyết định thực hiện công tác quản lý NN về khoáng sản trên địa bàn. Đây là công cụ để các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp thực hiện tốt chức năng quả lý. Bên cạnh đó, các Sở Xây dựng, Công thương đã tham mưu, trình HĐND tỉnh các quy hoạch khoáng sản, Sở Tài chính đã tham mưu bảng tính giá thuế,… Về công tác CCHC, Sở đã rà soát các thủ tục, cắt giảm tối đa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, được Liên bộ kiểm tra đánh giá cao. Tất cả hồ sơ không có chậm, mà nhanh hơn hẳn. Về mặt công vụ, Giám đốc làm gương, ngày nào dứt điểm ngày đó, để các doanh nghiệp có thời gian nhiều nhất thực hiện các thủ tục về khoáng sản.
Hơn 10 năm triển khai Luật Khoáng sản đã có những bất cập, có nhiều mâu thuẫn với Luật khác. Sở đã báo cáo Bộ sửa đổi những điều phù hợp hơn với thực tế. Về quy hoạch thực hiện từ năm 2009 - 2015, đến nay phát sinh nhiều dự án lớn khiến nhu cầu sử dụng đất, cát sỏi… tăng đột biến. Trong quá trình thực hiện quy hoạch năm 2017, trùng với thời điểm Ban Bí thư có Chỉ thị 13 về quản lý đất rừng, một số khu vực quy hoạch rà soát lại không còn phù hợp. Sở sẽ cố gắng khắc phục để tạo thuận lợi cho người dân trong khai thác khoáng sản.
Lực lượng Công an xã tham gia xử lý vi phạm khai thác khoáng sản trái phép
Đại biểu Hồ Sỹ Nguyệt (Quỳnh Lưu) nêu câu hỏi chất vấn. |
Đại biểu Hồ Sỹ Nguyệt (Quỳnh Lưu) nêu câu hỏi: Công an tỉnh và các địa phương có nhiều lượt kiểm tra xử lý vi phạm khai thác khoáng sản trái phép. Tỉnh đã hoàn thành bố trí 100% công an chính quy về công tác xã, thị trấn. Ngoài nhiệm vụ đảm bảo ANTT nói chung, đơn vị đã có giải pháp gì giao trách nhiệm cho lực lượng này ngăn chặn từ đầu hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, phòng chống thiệt hại từ hoạt động này?
Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Giám đốc Công an tỉnh giải trình câu hỏi đại biểu nêu. |
Về nội dung này, Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Giám đốc Công an tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 2.000 cán bộ bố trí về 428 xã trên địa bàn toàn tỉnh. Gần 3 năm triển khai, tình hình phạm pháp ở cơ sở giảm đi nhiều. Liên quan đến vấn đề khai thác khoáng sản, lực lượng công an xã đã tham gia phát hiện 238 vụ, với hơn 250 đối tượng, qua đó thấy được sự vào cuộc của lực lượng công an xã trong khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên lực lượng công an xã chỉ thực hiện ở một số hành vi trong thẩm quyền. Về giải pháp, đã giao cho lực lượng công an xã thống kê toàn tỉnh có bao nhiêu điểm mỏ, bến bãi tập kết… trái phép, giao cho Trưởng công an các xã, thị trấn tham mưu cấp uỷ chính quyền giải quyết. Nếu để xảy ra vụ việc đã được thống kê giao nhiệm vụ, Trưởng công an các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trong thẩm quyền.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở TN&MT. |
Phiên chất vấn Giám đốc Sở TN&MT diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, khách quan, có trọng tâm, trọng điểm
Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở TN&MT, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình khẳng định đây là 1 vấn đề nóng mang tính thời sự được đông đảo cử tri, nhân dân và doanh nghiệp trong toàn tỉnh quan tâm. Phiên chất vấn này đã có 10 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn liên quan đến công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khoáng sản, ông Giám đốc Sở TN&MT, Giám đốc Công an tỉnh, Cục thuế đã trao đổi, giải trình, trả lời các câu hỏi của đại biểu. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi và cơ bản đi thẳng và bám vào nội dung, có trọng tâm, trọng điểm và thẳng thắn, khách quan, xây dựng, trách nhiệm cao với cử tri. Các câu hỏi đại biểu nêu đúng và trúng, ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề, các ông Giám đốc Sở TNMT, Giám đốc Công an tỉnh, Cục trưởng Cục thuế nắm chắc tình hình thực trạng lĩnh vực mình quản lý, trả lời đầy đủ thẳng thắn cơ bản thỏa đáng các vấn đề mà đại biểu nêu và đề xuất nhiều giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này trong thời gian tới.
Toàn cảnh kỳ họp. |
Để làm tốt công tác quản lý khoáng sản trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Sở TN&MT chủ trì phối hợp với các Sở ban ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện 1 số nội dung: tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo các kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý Nhà nước về khoáng sản đến tất cả các cấp các ngành, địa phương trong toàn tỉnh. Cùng với đó, rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định liên quan phù hợp với thực tế đối với các loại khoáng sản chưa được cấp phép khai thác. Đồng thời ra soát tổng thể các loại khoáng sản đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh; Tập trung vào các loại khoáng sản phù hợp nhu cầu phát triển của tỉnh như đất san lấp cát sỏi, xây dựng đồng thời bổ sung cấp phép các loại khoáng sản có giá trị lớn như quặng thiếc, đá trắng và các loại khoáng sản quý hiếm khác; Tiếp tục đẩy mạnh CCHC và khai thác khoáng sản theo hướng phân cấp cho địa phương rút ngắn và xử lý nhanh nhất, thuận tiện nhất thủ tục hành chính về hoạt động khoáng sản cho nhân dân và doanh nghiệp, Đẩy nhanh tiến độ cấp đất rừng sang mục đích khác để phục vụ cho các dự án khác.. Đối với các khu vực đã được khai thác tổ chức đấu giá thì cần khẩn trương đôn đốc các doanh nghiệp trúng thầu làm thủ tục để cấp phép khai thác và cung cấp trong thời gian sớm nhất để phục vụ thu hút đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, đối với việc khai thác các khối lượng san lấp đất có quy mô nhỏ cần nghiên cứu để phân cấp cho huyện quản lý nội dung này như xây nhà, cải tạo vườn; Đề nghị ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong việc kiểm soát hoạt động khoáng sản. Đề nghị đẩy mạnh công tác thanh tra kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản; Tăng cường sự phối hợp công tác giữa các ban ngành, địa phương trong hoạt động khoáng sản nhất là Sở TNMT-Cục thuế- Công an tỉnh, ngành VHTT và các địa phương; Chú trọng quan tâm hoạt động khai thác cát sỏi trên sông, chú trọng công tác bảo vệ khoáng sản chưa được khai thác thuộc trách nhiệm của UBND các xã; tăng cường các biện pháp chống thất thu ngân sách; bảo đảm ANTT trên địa bàn.
Trong kế hoạch năm 2022, 6 tháng cuối năm HĐND tỉnh sẽ triển khai 1 Đoàn giám sát chuyên đề về công tác khoáng sản tại tất cả địa phương, có sự vào cuộc của tất cả các tổ đại biểu HĐND tỉnh. Vì vậy, đề nghị đại biểu HĐND tỉnh, các tổ đại biểu HĐND tỉnh tăng cường, giám sát việc thực hiện lời hứa của ông Giám đốc Sở TNMT và các sở ban ngành liên quan tại phiên chất vấn này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin