Nhiều bất cập trong giải quyết việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

19:17, 08/12/2021
Tiếp tục kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, chiều 8/12, ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đăng đàn trả lời chất vấn về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Toàn cảnh phiên chất vấn.
Toàn cảnh phiên chất vấn.

12/12 chính sách được triển khai thực hiện

Giải trình về vấn đề này, ông Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đợt dịch Covid- 19 lần thứ tư đã tác động sâu rộng đến các hoạt động kinh tế- xã hội, tạo áp lực rất lớn đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Số lượng người lao động bị mất việc, tạm ngừng việc tăng lên đáng kể. Trước tình hình đó, để triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách mới của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Chỉ thị, Đề án, Nghị quyết, Kế hoạch, chương trình… kịp thời nhằm ứng phó với dịch bệnh, phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng, tác động sâu bởi đại dịch, bao gồm cả người dân, người lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động, những đối tượng yếu thế, phụ nữ mang thai, trẻ em mồ côi cha, mẹ vì đại dịch,... cũng như những ngành, nghề bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, vì vậy, các chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, đạt kết quả quan trọng. Tính đến ngày 26/11/2021, 12/12 chính sách đều đã được tỉnh triển khai thực hiện. Nổi bật như Chính sách hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; Hỗ trợ trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Hỗ trợ gạo cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid- 19...

Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Tiến độ thực hiện tại một số địa phương, cơ sở còn chậm

Tuy việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 22/2021/QĐ-UBND trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, nhưng tiến độ thực hiện tại một số địa phương cơ sở chậm. Một số nội dung tại Quyết định 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ khó thực hiện như chính sách: “hỗ trợ đối với hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh”, chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động… Việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 116/NQ- CP của Chính phủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chưa thực hiện được.

Các đại biểu dự phiên chất vấn.
Các đại biểu dự phiên chất vấn.

Từ đầu đợt dịch đến nay, toàn tỉnh có gần 100.000 người từ vùng có dịch Covid-19 đã về địa phương, trong đó, số người trong độ tuổi lao động gần 76.000 người, chiếm 75.89% trên tổng số công dân trở về quê. Trong số đó có hơn 45 nghìn người có nhu cầu giải quyết việc làm. Qua rà soát, hiện nay nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh lớn hơn nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhưng vấn đề là người lao động có đăng ký việc làm không và doanh nghiệp có tiếp nhận được không. Đây là bài toán cần kết nối cung- cầu lao động còn gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp lớn (may mặc, dày da, linh kiện điện tử...) tuyển không đủ lao động cần cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Số công dân và lực lượng lao động trở về địa phương rất lớn, có cả lao động chính thức làm việc trong các doanh nghiệp và lao động tự do thuộc khu vực phi chính thức, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông; chủ yếu là lao động ở khu vực nông thôn, miền núi, phần lớn có đất nông nghiệp, gia đình có nghề phụ và sinh sống ổn định tại quê. Một bộ phận người lao động, nhất là lao động từ các vùng có dịch trở về địa phương có tâm lý lựa chọn ngành nghề, việc làm, ngại dịch Covid-19 nên chưa có nguyện vọng đi làm trở lại ở các tỉnh phía Nam. Vì vậy, việc kết nối cung- cầu lao động kết quả chưa cao.

Đại biểu Phan Thị Minh Lý (Yên Thành) đặt câu hỏi.

Về vấn đề này, Đại biểu Phan Thị Minh Lý (Yên Thành) đặt câu hỏi: Trong Quyết định 22 hỗ trợ lao động không có giao kết hợp động nhưng chỉ hỗ trợ cho nhóm người làm việc ở tàu, bến cảng, chợ, còn một số lao động hành nghề bốc vác, hành nghề bằng xe thô sơ không được hỗ trợ. Sắp tới ngành có phương án nào khắc phục đảm bảo công bằng trong chính sách hỗ trợ, có điều chỉnh bổ sung để phù hợp với thực tế hơn không?

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở LĐTBXH Đoàn Hồng Vũ cho biết: Quyết định 22 ban hành sớm, ngay đầu tháng 8/2021, trải qua 9 bước rà soát, xin ý kiến, thẩm định kỹ lưỡng. Trong bối cảnh tỉnh còn gặp khó khăn, những cũng đã đề ra hỗ trợ 45.000 lao động với 67 tỷ đồng, nên phải chọn lọc những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Bên cạnh đó, tiếp thu cân nhắc của Trung ương trong Nghị quyết 42, đối chiếu với các tỉnh cùng khu vực, ngân sách các cấp có hạn nên sẽ nghiên cứu đợt sau để bổ sung đối tượng đầy đủ hơn, để hỗ trợ tốt hơn cho người dân.

Đại biểu Hồ Thu Trang (TX Hoàng Mai) chất vấn lãnh đạo ngành LĐTBXH

Cùng đặt câu hỏi về chính sách hỗ trợ cho lao động và người sử dụng lao động, đại biểu Hồ Thu Trang (TX Hoàng Mai) chất vấn: Việc thực hiện chính sách người lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập chưa thực hiện được. Nguyên nhân chính vấn đề này là gì, hướng xử lý thời gian tới?

Về vấn đề này, người đứng đầu Sở LĐTBXH cho biết, Nghị quyết 116 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động, trong đó các đơn vị công lập đảm bảo chi thường xuyên một phần, người lao động được hỗ trợ ở 6 mức khác nhau. Tuy nhiên việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Quy định mới quy định: Nhóm sử dụng 100% ngân sách không được hỗ trợ; nhóm được ngân sách hỗ trợ 1 phần được xem xét; nhóm tự trang trải 100% chi phí hoạt động được hỗ trợ. Trong quy định hỗ trợ cho các đơn vị công lập tự chủ, không phê duyệt mức cụ thể. Theo hướng dẫn của Bộ và Sở Tài chính, các đơn vị đã phê duyệt được kéo dài hết năm 2021. Số đơn vị sự nghiêp công lập đã phê duyệt tự chủ, chỉ có nhóm tự chủ 100% được thực hiện ngay. Theo cơ quan BHXH báo cáo, năm 2020 đã giải quyết cho 68 đơn vị, 9.494 lao động với số tiền được hưởng là 24 tỷ đồng. Còn hơn 900 đơn vị sự nghiệp được đảm bảo 1 phần chi thường xuyên với 36.463 lao động, dự kiến chi 112 tỷ chưa thực hiện được. Đến năm 2021, tiếp tục thực hiện theo Nghị định 61 về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, xem xét phê duyệt lại. Đây chính là chỗ vướng mắc nên chưa thể triển khai hỗ trợ. Hiện Bộ LĐTBXH cũng chưa có hướng dẫn để tháo gỡ.

Nhiều bất cập trong quyết việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

Đại biểu Hồ Văn Đàm (Quỳnh Lưu) đặt câu hỏi: Những năm gần đây, các Khu công nghiệp trên địa bản tỉnh phát triển mạnh, trong đó có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào tỉnh. Nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp lớn. Ngành LĐTBXH đã có giải pháp gì hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề người lao động?

Đại biểu Hồ Văn
Đại biểu Hồ Văn Đàm (Quỳnh Lưu) đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hồ Văn Đàm, Giám đốc Sở LĐTBXH Đoàn Hồng Vũ cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh nhiều doanh nghiệp thiếu lao động nhưng việc tuyển dụng gặp khó khăn, nhất là trong giai đoạn phục hồi sản xuất do ảnh hưởng dịch Covid-19. Theo khảo sát, hiện có hơn 260 doanh nghiệp cần tuyển khoảng 29.000 lao động. Trên địa bàn Nghệ An, mỗi năm lực lượng lao động được tuyển dụng bổ sung khoảng 42.000, một số lao động trở về quê sẵn sàng làm việc khoảng 5.000. Tổng số lao động dao động khoảng 47.000-50.000 lao động. Tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp không tuyển được, nguyên nhân chính do cung - cầu chưa gặp nhau.

Doanh nghiệp cần tuyển những vị trí, tay nghề với mức lương như vậy, người lao động lại tìm kiếm việc làm với vị trí, tay nghề, mức lương phù hợp với nhu cầu của mình. Đây là sự dịch chuyển phát sinh bình thường của thị trường lao động. Khi doanh nghiệp đầu tư đã có tính toán đến nguồn lao động của Nghệ An nhưng chưa có phương án kỹ về vị trí việc làm và lực lượng lao động bố trí ở đâu.

Các đại biểu dự phiên chất vấn.
Các đại biểu dự phiên chất vấn.

Theo khảo sát, 65% lao động đã qua đào tạo nhưng thực chất tay nghề chỉ đạt khoảng 25%. Về vấn đề này, Sở đã tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các đề án, kế hoạch, triển khai việc làm đào tạo nghề để người lao động tìm được việc làm, doanh nghiệp tìm được lao động; kết nối giữa lao động và doanh nghiệp trong số việc làm trống gặp nhau. Sở đã rà soát qua huyện, xã để nắm bắt nhu cầu thực tế, trên cơ sở thông báo các doanh nghiệp gửi đến lao động; qua các phiên giao dịch online, hội chợ để thông tin người lao động. Sở cũng đã kết nối 18.000 lao động nhưng so với lực lượng có sẵn và nhu cầu vẫn là bài toán khó. Hiện có khoảng 30.000 lao động chưa sẵn sàng làm việc, hơn 26.000 chưa kết nối được, chủ yếu tự tạo việc làm.

Chất vấn liên quan đến vấn đề nguồn lao động, đại biểu Lục Thị Liên (Con Cuông) đặt câu hỏi: Qua báo cáo giải trình, trung bình mỗi năm tỉnh giải quyết từ 37.000-38.000 lao động mỗi năm, thực tế hơn 70% lao động trở về quê không có tay nghề. Quan điểm của lãnh đạo ngành trong vấn đề chất lượng việc làm và tương quan trong vấn đề giải quyết việc làm như thế nào? Giải pháp trong việc nâng cao chất việc làm cho lao động trong tỉnh thời gian tới như thế nào?

Đại biểu Lục Thị Liên (Con Cuông) đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, ông Đoàn Hồng vũ cho biết, giai đoạn vừa rồi, tỉnh đã giải quyết gần 38.000 việc làm mới. Do lao động trở về quê nhiều, trên địa bàn tỉnh nhiều khu công nghiệp được mở ra, nhiều nhà máy xây dựng mới trong và ngoài KCN, lực lượng lao động sẽ được tính toán lại để tăng số lao động làm việc tại địa phương, giảm lao động làm việc ở các tỉnh.

5 năm qua, lao động trong tỉnh khoảng 36,7%, ngoài tỉnh 29,1%, xuất khẩu lao động 34,2%. Thời gian tới, tỉnh phấn đấu mỗi năm giải quyết bình quân 42.000 lao động, cao hơn mức mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra. Để giải quyết việc này sẽ tăng lao động trong tỉnh lên 66,2%, lao động đi ngoài tỉnh giảm còn 6,4%, xuất khẩu lao động giảm còn 27.4%. Số liệu này tính toán bao gồm cả lao động trở về quê.

Tuy nhiên mức độ hấp dẫn còn tuỳ thuộc vào doanh nghiệp. Theo khảo sát, mức lương ở Nghệ An hiện dao động từ 900 nghìn đến 8 triệu đồng, ở ngoài tỉnh từ 9 trăm nghìn đến 12 triệu đồng.

“Đã là thị trường lao động, người dân có quyền lựa chọn, quay lại doanh nghiệp cũ, tìm đến những nơi có thu nhập cao hơn, có lợi hơn”, ông Đoàn Hồng Vũ nhấn mạnh.

Toàn cảnh phiên chất vấn.
Toàn cảnh phiên chất vấn.

Người đứng đầu Sở LĐTBXH cũng cho biết, đơn vị đã tham mưu đề án đào tạo kỹ năng nghề và đã trình BTV Tỉnh uỷ. Ngoài đào tạo kỹ năng nghề, cần đào tạo kỹ năng mềm, trình độ về xã hội, làm việc nhóm, phối hợp trong dây chuyền,… tăng cường phối kết hợp 2 nhà: Nhà nước - Doanh nghiệp - Nhà trường để doanh nghiệp tiếp cận ngay từ đầu, tham gia vào quá trình tuyển sinh, xây dựng giáo trình, đi thực tế thực tập và tiếp nhận lao động, tạo sự gắn bó giữ lao động và doanh nghiệp.

Trả lời thêm câu hỏi “Trong điều kiện khó khăn dịch bệnh, việc trở lại các địa phương hoặc tự tạo việc làm là rất khó khăn, nhất là lao động nữ, lao động đang nuôi con nhỏ. Giải pháp cụ thể hỗ trợ cho lao động nữ, đang nuôi con nhỏ?” của đại biểu Lục Thị Liên, Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực như may mặc chủ yếu tuyển lao động nữ, có những đơn vị đạt trên 90%. Đối tượng này có những giai đoạn nghỉ thai sản nhưng do tính chất công việc nên nhiều doanh nghiệp vẫn tuyển lao động nữ. Các chính sách vẫn đảm bảo cho nhóm đối tượng này.

Phần chất vấn đúng nội dung, đi vào trọng tâm

Đánh giá phần chất vấn nội dung về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An do ảnh hưởng dịch Covid-19, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi ghi nhận phần hỏi và giải trình đúng nội dung, đi vào trọng tâm.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi phát biểu kết luận phiên chất vấn.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi phát biểu kết luận phiên chất vấn.

Về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19, lần thứ 4 bùng phát trên diện rộng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng hầu hết đến các địa phương, các lĩnh vực trong đời sống xã hội, Sở LĐTBXH đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính phủ, nói rõ hơn đúng 1 tuần sau Quyết định 23 của Chính phủ, tỉnh đã triển kế hoạch 386 và Quyết định 22, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch kịp thời.

Đến nay, từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính phủ, theo báo cáo đã triển khải đến 72.886 đối tượng, đạt tỷ lệ 79,93% với số tiền hơn 106,7 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã huy động tối đa các nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân tương ái trong phòng chống dịch. MTTQ tỉnh đã vận động 248,7 tỷ đồng tiền mặt và hàng hoá, đã phân bổ 190,5 tỷ cho các địa phương, đơn vị. LĐLĐ tỉnh đã vận động được 6,4 tỷ đồng giúp đỡ kịp thời cán bộ viên chức người lao động có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch. Nhiều địa phương đã chia sẻ kịp thời với người lao động trở về tránh dịch, nhân dân các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch.

HĐND tỉnh đánh giá cao UBND tỉnh đã có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sự tham mưu tích cực kịp thời của ngành LĐTBXH, sự phối hợp có hiệu quả của các ngành, địa phương, đơn vị trong triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch. Trong quá trình thực hiện chính sách đến nay chưa để xảy ra sai sót, trục lợi.

Trong bối cảnh tỉnh tập trung cao độ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, nguồn từ Trung ương chưa kịp phân bổ, tỉnh đã hết sức nỗ lực trong việc chi trả kịp thời cho các đối tượng được hưởng chính sách do dịch Covid-19.

Về giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng dịch Covid-19, Nghệ An và Hà Tĩnh có người trong độ tuổi lao động rất lớn, khoảng 1,9 triệu người, gần 100.000 lao động làm ăn xa trở về, nhất là các tỉnh phía Nam trong đó số người trong độ tuổi lao động gần 76.000 người, nhưng không để xảy biến động lớn trong đời sống xã hội dù đây là biến động lớn, đột xuất, dễ gây nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng.

Các đại biểu dự phiên chất vấn.
Các đại biểu dự phiên chất vấn.

Thời gian qua, tỉnh và các địa phương có nhiều hoạt động thiện nguyện tại cộng đồng, hỗ trợ bố trí đón, chia sẻ người lao động trở về, cách ly y tế theo đúng quy định, đảm bảo an toàn; Đánh giá cao tỉnh đã kịp thời triển khai đề án kế hoạch giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn với nhiều giải pháp như hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối cung cầu lao động, nhiều doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng an toàn, sớm trở lại hoạt động, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch HĐN tỉnh Nguyễn Như Khôi cũng đã chỉ ra những tồn tại cần khắc phục.

Trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động, 6/21 địa phương chưa thực hiện hoặc thực hiện chậm. Doanh nghiệp còn chậm trong việc cung cấp số liệu để cơ quan thẩm quyền cấp hỗ trợ mà theo như doanh nghiệp do gặp lúng túng trong triển khai, thủ tục rườm rà.

Ngành LĐTBXH đã tham mưu mở rộng ra nhiều ngành nghề được hưởng chính sách hỗ trợ nhưng trên thực tế chưa bao quát hết các nhóm đối tượng như diêm dân, thợ hồ, cơ khí,… gây bức xúc trong một bộ phận lao động mất việc làm.

Chất lượng đào tạo nghề lao động chưa gắn với nhu cầu doanh nghiệp sử dụng lao động, chưa đáp ứng thị trường lao động.

Toàn cảnh phiên chất vấn.
Toàn cảnh phiên chất vấn.

Về các giải pháp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi thống nhất với các giải pháp ngành LĐTBXH, đồng thời lưu ý thêm một số vấn đề: Cần đánh giá rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trong thời gian qua, đề xuất các giải pháp triển khai cụ thể, tham mưu bổ sung các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trên thực tế để giải quyết các chính sách hỗ trợ theo đúng nguyên tắc, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để sai sót; Đề nghị Sở Tài chính, các địa phương ưu tiên cân đối đủ nguồn lực hỗ trợ cho các đối tượng; Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đề án giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đã được tỉnh phê duyệt có hiệu quả. Trước mắt và lâu dài cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động; Gắn với các chính sách hỗ trợ lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, quan tâm thêm vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn, nhất là việc chăm lo cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn khi Tết Nguyên đán đang cận kề.

Hiến Chương - Thuỳ Dương - Hữu Hoàng

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện