Thời sự - Chính trị

Quan tâm, hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19

17:29, 07/12/2021
Thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản... là một trong những nội dung được các đại biểu tại tổ số 4 quan tâm thảo luận kỹ tại phiên làm việc chiều nay.

Chiều nay (7/12), trong chương trình làm việc, các đại biểu HĐND tỉnh thuộc các địa phương Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn (tổ số 4) đã tiến hành phiên thảo luận tại tổ.

Đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn chủ trì điều hành phiên thảo luận. Tham dự phiên thào luận có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo địa phương trong tổ thảo luận.


Quang cảnh phiên thảo luận.
Quang cảnh phiên thảo luận.

Tại tổ thảo luận số 4,các đại biểu tập trung thảo luận sâu về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản. Các dự thảo Nghị quyết gồm: Nghị quyết về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai để thực hiện công trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết về cơ chế, chính sách trích ngân sách địa phương để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường tỉnh, giai đoạn 2022-2025.

 Đồng chí Vi Hòe - Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn chủ trì điều hành phiên thảo luận.
 Đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn điều hành phiên thảo luận.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả và một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 cũng như nhiệm vụ và giải pháp năm 2022. Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị Báo cáo cần quan tâm xác định mục tiêu tổng thể để có nội dung cụ thể cho cơ sở triển khai phát triển kinh tế vùng, đặc biệt là kinh tế vùng miền Tây.

Đại biểu Kha Văn Tám đề nghị quan tâm giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động trong đại dịch COVID-19.

Quan tâm giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động trong đại dịch COVID-19, đại biểu Kha Văn Tám – huyện Quế Phong đồng tình với những chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh đối với người lao động gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19 vừa qua trên địa bàn tỉnh. Đại biểu Kha Văn Tám cho rằng, những chính sách hỗ trợ bước đầu đã giúp người lao động phần nào vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, về lâu dài, tỉnh cần quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt là những lao động tự do từ miền Nam trở về địa phương. Bên cạnh đó, việc tổ chức kết nối doanh nghiệp và lao động cần mạnh mẽ hơn, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp; tạo nguồn vốn cho vay để phát triển sản xuất kinh doanh…

Đại biểu Nguyễn Văn Hải – huyện Tương Dương đề nghị cần có gói hỗ trợ để nhân dân có việc làm tại chỗ.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Hải – huyện Tương Dương cũng đề nghị UBND tỉnh nên có gói hỗ trợ người lao động nói chung và tại các huyện miền núi vùng cao nói riêng bằng các hình thức như: hỗ trợ giống, vốn để người dân an tâm sản xuất, phát triển mô hình kinh tế. “Đề nghị về lâu về dài cần nghiên cứu hỗ trợ thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp tại miền núi nhằm thu hút thêm lực lượng lao động tại các địa phương". Theo đại biểu Hải, về lâu dài cần nghiên cứu vì sao các khu CN, các nhà máy trên địa bàn tỉnh phát triển, nhưng lao động địa phương vào làm việc rất ít. Huyện quan tâm kết nối với doanh nghiệp trong khi đó người dân địa phương không mặn mà. Do đó, cần phải nghiên cứu việc ban hành các cơ chế chính sách về lao động miền núi đã thích hợp hay chưa? Để khai thác tiềm năng lợi thế vùng miền núi tạo giá trị chuỗi sản xuất tránh tình trạng được mùa rớt giá, sản phẩm tiêu thụ bấp bênh, đề nghị có cơ chế đặc thù để thu hút các DN đầu tư vào các huyện miền núi.

Đại biểu Vương Quang Minh, huyện Quỳ Châu đề nghị có giải pháp để đào tạo nghề ngắn hạn, chuyển đổi việc làm của người lao động.

Tham gia đóng góp ý kiến về các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua, Đại biểu Vương Quang Minh, huyện Quỳ Châu nhấn mạnh, thực tế sau khi bình thường hóa, tỉnh nên có giải pháp để đào tạo nghề ngắn hạn, chuyển đổi việc làm của người lao động, tập trung vào kết nối lại nhu cầu doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, cần đẩy mạnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động.

Đại biểu huyện Con Cuông Lục Thị Liên cho rằng, cần quan tâm phát triển kinh tế vùng miền Tây.

Xung quanh vấn đề về tạo việc làm, hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đại biểu Lục Thị Liên – đơn vị Con Cuông cho rằng, để hoàn thành các mục tiêu lớn của tỉnh cần xác định mục tiêu tổng thể hướng tới các nhiệm vụ tổng quát từ đó xây dựng các nhiệm vụ cụ thể, xây dựng các vùng trọng tâm kinh tế, phát triển kinh tế vùng miền Tây.

Lãnh đạo Ban Dân tộc giải trình vì sao  tiến độ triển khai Nghị quyết 88 phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi còn chậm.

Các đại biểu cũng đề nghị cần có cơ chế hỗ trợ vay vốn để tạo sinh kế cho nhân dân. Nên có gói hỗ trợ bằng hỗ trợ sản xuất để nhân dân có việc làm tại chỗ, có thể khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đào tạo nghề ngắn hạn để chuyển đổi hoặc kết nối với các khu công nghiệp trong cả nước để giới thiệu việc làm cho người lao động. Ngoài giải pháp kết nối với doanh nghiệp, khu công nghiệp để giải quyết việc làm (vấn đề này phụ thuộc vào nhu cầu của doanh nghiệp) cần nghiên cứu đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, nâng tầm các Hợp tác xã để thu hút người lao động tại địa phương.

Đại diện lãnh đạo Sở TN-MT giải trình một số vấn đề đại biểu nêu.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đề xuất một số kiến nghị cụ thể của cử tri tại các địa phương như: Việc triển khai Nghị quyết 88/2029/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2030 còn chậm, kiến nghị trung ương sớm triển khai thực hiện. Việc hỗ trợ xi măng trong xây dựng nông thôn mới còn chậm, cần đẩy nhanh việc cung cấp để hoàn thành chương trình nông thôn mới kịp tiến độ. Kịp thời di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực sạt lở. Một số thôn bản ở các huyện miền núi chưa có điện lưới, đề nghị cần quan tâm đầu tư. Đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Điện năng thay thế để người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống sinh hoạt. Đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư trong thực hiện dự án thuỷ điện Hủa Na. Các đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Việc trích đo, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân ở các huyện miền núi còn chậm. 

Chủ trì kết luận các nội dung đại biểu tổ 4 thảo luận.

Tại phiên thảo luận tại tổ, các sở ngành cũng đã có giải trình thỏa đáng. Các ý kiến thảo luận của đại biểu trong phiên thảo luận chiều nay sẽ được tổng hợp và được các ngành liên quan giải trình cụ thể trong phiên thảo luận tại hội trường vào sáng mai (8/12).

Hiến Chương - Hữu Hoàng

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện