Tại điểm cầu Trung ương, các đồng chí: Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Nội vụ chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: VGP |
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Ngay từ những ngày đầu năm 2021, Bộ Nội vụ đã chủ động xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trọng tâm là hoàn thiện hệ thống thể chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Nổi bật, Bộ đã chủ trì xây dựng 3 dự án Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 12 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 8 Nghị định, 3 Nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Quyết định, 4 Chỉ thị và 1 Công điện; ban hành theo thẩm quyền 6 Thông tư, 4 văn bản hợp nhất. Quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, giảm biên chế…
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. |
Công tác cải cách hành chính cũng tạo chuyển biến tích cực, đáp ứng tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong CCHC thí điểm, nhân rộng và lan tỏa; mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt 85,48%, cao nhất trong 4 năm gần đây.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành Nội vụ có vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; góp phần xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ.Ảnh: VGP |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, thành quả mà ngành Nội vụ đã đạt được trong năm qua, góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của đất nước. Đề ra các nhiệm vụ trọng tâm với ngành Nội vụ trong năm 2022, Thủ tướng nhấn mạnh về yêu cầu đổi mới, linh hoạt thích ứng và tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ. Đặc biệt, trong tình hình mới, ngành cần bố trí con người, bộ máy phù hợp với Đề án Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Ngành cũng cần thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, tiếp tục tham mưu, phối hợp, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính đến năm 2030. Theo đó, đẩy nhanh việc xây dựng Chính phủ số, chính quyền số gắn với phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần quan trọng xây dựng nền hành chính Nhà nước dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin