Ngày 7-1, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có gói chính sách sẽ được triển khai trong hai năm 2022-2023, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 347.000 tỉ đồng.
Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm
Hầu hết đại biểu (ĐB) QH đều đồng ý sự cần thiết triển khai gói chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm kích thích, phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch. Tuy nhiên, các ĐB cho rằng cần hỗ trợ có “trọng tâm, trọng điểm” để gói chính sách thực sự phát huy hiệu quả.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhấn mạnh: “Tôi cho rằng cần tập trung vào hai lĩnh vực cụ thể, đó là những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh. Thứ hai là những ngành nghề có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất”.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) dẫn số liệu riêng quý III-2021, đại dịch khiến 28 triệu người lao động trong nước hứng chịu hệ quả, trong đó 4,7 triệu người mất việc làm, hơn 10 triệu người phải giãn, hoãn việc, dẫn đến thu nhập bị ảnh hưởng… Điều này khiến thị trường lao động bị đứt gãy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. “Vấn đề quan trọng nhất là lao động. Do đó cần tăng kinh phí hỗ trợ thuê trọ cho người lao động, hỗ trợ xây nhà ở cho công nhân, đồng thời hỗ trợ xét nghiệm, đi lại và tư vấn việc làm cho người lao động...” - ĐB Thủy đề nghị.
Các ĐB cũng đề nghị chính sách miễn, giảm thuế, lệ phí, hỗ trợ lãi suất… cần tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có nhiều lao động, hợp tác xã, các doanh nghiệp có sức lan tỏa rộng, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kích thích hoạt động, tăng vốn đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh. Gói kích thích đầu tư công cũng cần lựa chọn các dự án hạ tầng có tính liên kết vùng cao, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn triển khai nhanh.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình về gói hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: TP |
Cần hỗ trợ tương xứng cho y tế tuyến đầu
ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) nêu quan điểm chính sách hỗ trợ phải lấy y tế làm trọng tâm, then chốt vì cuộc khủng hoảng lần này do đại dịch COVID-19 chứ không phải từ khủng hoảng tài chính như giai đoạn 2007-2008. “Tờ trình của Chính phủ dự tính phân bổ cho y tế 60.000 tỉ đồng, tương đương với 17,3% tổng gói hỗ trợ. Tôi cho rằng điều này không tương xứng với vai trò tuyến đầu của ngành y tế trong công tác đẩy lùi dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân” - ĐB So nói.
Phòng ngừa nguồn hỗ trợ chảy vào nhà đất, chứng khoán
ĐB Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc cung ứng một lượng rất lớn vốn cho nền kinh tế cần tính toán cẩn trọng để đề phòng lạm phát. Theo ĐB, hiện kinh tế phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn chậm, tâm lý thận trọng trong tiêu dùng… “Chính phủ cần xây dựng các kịch bản, phương án cân đối giữa khả năng huy động vốn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát” - ĐB Sương đề nghị.
ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng đây là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với dự kiến gần 350.000 tỉ đồng nên cần quan tâm đến giải pháp huy động vốn. Theo đó, Chính phủ nên tập trung huy động nguồn vốn trong nước là chính, vì vốn vay nước ngoài sẽ gia tăng áp lực trả nợ cho ngân sách, kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc khác. Bên cạnh đó, ĐB tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị cần phải kiểm soát thật chặt chẽ nguồn vốn cho vay trong gói hỗ trợ. “Tránh tình trạng doanh nghiệp, người dân vay không dùng vào mục đích phục hồi sản xuất mà lại đem đi đầu tư tài chính, đem đầu tư vào bất động sản và một số lĩnh vực rủi ro khác thì sẽ rất nguy hiểm, sẽ làm suy giảm nền kinh tế” - ĐB nêu ý kiến.
Tăng thu, giảm chi sau đó mới đi vay
Tiếp thu, giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay đây là vấn đề lớn và khó, chưa có tiền lệ, đã được Chính phủ khẩn trương nghiên cứu rất kỹ để trình QH. “Các mục tiêu của chính sách được xây dựng gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu của chiến lựợc, kế hoạch năm năm như ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, phục hồi để phát triển bền vững” - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định.
Về nguồn vốn, Chính phủ sẽ tiết kiệm các khoản chi từ ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu, vượt thu qua lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; thoái vốn, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước… Sau đó mới đến huy động các nguồn vốn vay từ nguồn trái phiếu chính phủ trong nước, rồi mới đến ODA, các khoản vốn tài trợ nước ngoài.
Theo ông Dũng, chính sách miễn, giảm thuế sẽ thực hiện ngay trong năm 2022 có thể thực hiện được ngay 100%. Riêng với hỗ trợ đầu tư công, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, hạ tầng giao thông chiến lược, cần có thời gian hoàn tất công tác chuẩn bị để giải ngân có hiệu quả. Trong đó, năm 2022 cơ bản giải ngân 40% tổng nguồn vốn của chương trình, phần còn lại sẽ giải ngân trong năm 2023.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin