Ngày 4/1, lần đầu tiên, Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường, xem xét, quyết định 4 nội dung cấp bách. Trong đó, đáng chú ý, Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được kỳ vọng nhằm thúc đẩy nhanh hơn tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Quốc hội sẽ xem xét chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi và phát triển kinh tế. Ảnh: Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV |
Việc trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa quan trọng và cấp bách nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Trong bối cảnh dịch COVID-9 diễn biến hết sức phức tạp, tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước, việc quyết định, triển khai các chính sách hỗ trợ đặc biệt, kịp thời, đột phá và có sức lan tỏa sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế, tạo nền tảng cho sự phát triển trong những năm tới, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. |
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến cho biết: Dự thảo Nghị quyết bảo đảm kiên trì, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; chỉ sử dụng bội chi ngân sách nhà nước để chi đầu tư phát triển theo đúng quy định của pháp luật.
“Khi thực hiện gói chính sách tài chính và tiền tệ thì cũng sẽ phải đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, cũng như đáp ứng được nhu cầu trước mắt và lâu dài, đảm bảo huy động và quản lý, phân bổ các nguồn lực chống tiêu cực và lợi ích nhóm. 5 nội dung giải pháp chủ yếu bao gồm mở cửa nền kinh tế, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ kinh doanh, khơi thông nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ưu tiên cho lĩnh vực y tế gắn với chương trình và chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19”, bà Yến cho hay.
Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên hơn tổng cung. Phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác (như chính sách thương mại, dịch vụ, đầu tư) để tối ưu hóa nguồn lực. Chính sách này có quy mô đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh lãng phí nguồn lực.
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn nêu rõ phải đảm bảo mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô: “Trong điều kiện khó khăn như hiện nay chúng ta vẫn đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Đây chính là động lực lớn nhất cho chúng ta quay trở lại, thì nhiệm vụ tiếp theo để phục hồi kinh tế vẫn phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Khi chúng ta sử dụng gói kích thích, tức là bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Tăng tiền sẽ tăng bội chi. Tăng bội chi sẽ tăng nợ công, nhưng cần tính toán mức độ nhất định, gắn với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng, vừa giữ ổn định cân đối vĩ mô”.
Cử tri và nhân dân đang rất trông đợi ở các chính sách tài khóa, tiền tệ được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường. Đây sẽ là những giải pháp được thiết kế và thực thi nhanh, kịp thời, nguồn lực đưa ra phải được hấp thụ tối đa, có thời hạn triển khai chủ yếu với lộ trình thích hợp để phục hồi và kích thích nền kinh tế, đồng thời bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài gắn với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Chính sách tài khoá, tiền tệ cần huy động, quản lý và phân bổ, sử dụng các nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, chống tiêu cực, lợi ích nhóm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin