Thời sự - Chính trị

Bảo đảm hoàn thành phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với chất lượng cao nhất

20:11, 15/02/2022
Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng nay (15/2) tại Nhà Quốc hội. Theo dự kiến chương trình, phiên họp tập trung vào công tác lập pháp, cho ý kiến và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp - Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cơ quan hữu quan tham dự phiên khai mạc.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nội dung phiên họp lần này tập trung vào công tác lập pháp. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đây là những dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Chủ tịch Quốc hội cho biết trước đó tại kỳ họp thứ 2, các dự án luật này đã nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội với nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan thẩm tra chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý.

Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành để trao đổi thống nhất về các vấn đề lớn của dự án luật đã được tổ chức.

Tham dự phiên khai mạc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cơ quan hữu quan - Ảnh: VGP

Đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, sự phối hợp giữa cảnh sát cơ động với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát cơ động.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung cho ý kiến về một số vấn đề lớn liên quan đến giao quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cho ý kiến đối với 2 dự án luật lần này là một bước để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 của Quốc hội diễn ra vào tháng 5/2022 tới. Do đó, bên cạnh việc cho ý kiến tiếp thu, giải trình, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những công việc tiếp theo trên cơ sở quy định của pháp luật để khi đưa dự án ra thảo luận tại Quốc hội bảo đảm cao nhất về chất lượng chất và tiết kiệm thời gian nhiều nhất.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Đây là lần thứ 2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này.

Để có căn cứ xem xét, quyết định việc bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh vào dự kiến chương trình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu xem xét kỹ lưỡng về điều kiện, hồ sơ, tài liệu, nội dung chính sách đề ra trong dự án luật có đảm bảo khắc phục được hạn chế, bất cập, giải quyết được vấn đề mới phát sinh để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân; đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, cũng là thể chế hóa được tinh thần, chủ trương của Đảng liên quan đến Nghị quyết về chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới.

Về công tác giám sát, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành".

Toàn cảnh phiên khai mạc - Ảnh: VGP

Về xem xét các vấn đề quan trọng khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Chủ tịch Quốc hội cho biết việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền đô thị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thị xã Phổ Yên nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn và nguyện vọng của Nhân dân, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể của thị xã Phổ Yên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết sửa đổi Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xem xét dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 575/NQ-UBTVQH12 ngày 31/01/2008 của  Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu. Đây là hai đề án trong tổng số 107 danh mục đề án, kế hoạch và nhiệm vụ lớn thuộc Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội khóa XV nhằm thực hiện Nghị quyết số 161 của Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, thời gian của phiên họp không nhiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 2,5 ngày làm việc xem xét 8 nội dung lớn, do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện cơ quan hữu quan tập trung cho ý kiến để bảo đảm hoàn thành phiên họp với chất lượng cao nhất.

Baochinhphu

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện