Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã được tổ chức thành công ở kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, bên cạnh đó là tổ chức các phiên giải trình trước các cơ quan của Quốc hội.
“Tại phiên họp thứ 9, chúng ta sẽ dành ngày 16/3 để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về 2 vấn đề rất nóng, có tính thời sự hiện nay. Phiên chất vấn dành cho Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường, tham gia có Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ có liên quan”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Để chuẩn bị cho phiên chất vấn, chiều 15/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghỉ họp, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ họp riêng để chuẩn bị kỹ lưỡng cho vấn đề rất thời sự, rất cần thiết này.
“Cùng với triển khai giám sát chuyên đề, giám sát tối cao của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, những chuyển biến tích cực của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đang làm đã khẳng định hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả của Quốc hội, góp phần lan toả cảm hứng, hành động sáng tạo trong nỗ lực đổi mới hoạt động giám sát, làm cho hoạt động của Quốc hội bám sát thực tiễn và hơi thở cuộc sống, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và cử tri", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. |
Theo Chủ tịch Quốc hội, tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định 2 nhóm vấn đề chính, cũng như người trả lời chất vấn và ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động chất vấn để thông báo đến các tổ chức có liên quan sớm triển khai thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Uỷ viên thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan và các đại biểu Quốc hội chuyên trách nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình thực tế, tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để phiên chất vấn và trả lời chất vấn thành công.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, cấp bách liên quan đến công tác lập pháp. Trong đó, cho ý kiến về 3 dự án luật trình Quốc hội để cho ý kiến lần đầu; 2 dự án luật, 1 dự thảo Nghị quyết sẽ trình Quốc hội xem xét và biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 3.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét thông qua một pháp lệnh, một Nghị quyết và xem xét đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án luật sửa đổi một số điều của Luật Công an nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Đối với các dự án luật trình, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 bao gồm: dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Đối với 2 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm: dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc tiếp thu, hoàn thiện các dự án luật này cần được thực hiện một cách thận trọng và kỹ lưỡng, phải trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động của các chính sách, giám sát và kịp thời đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Đây là hai dự án được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại một phiên họp theo thủ tục rút gọn. Để thuận lợi cho việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ tài liệu, cho ý kiến nhiều chiều, đảm bảo nội dung đưa ra tạo được sự đồng thuận, có tính thuyết phục cao, nhất là các nội dung còn có phương án khác nhau.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin