Bác Hồ trao Huy hiệu cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600, CANDVT tại Đại hội mừng công ngày 21-12-1965. Ảnh: Tư liệu |
Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy CANDVT (sau này, ông là Phó Thủ tướng Chính phủ) kể, ngày 3-3-1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 100/TTg thành lập lực lượng CANDVT, thì 2 ngày sau (tức là ngày 5-3-1959), Bác cho Thư ký gọi điện mời ông lên làm việc. Khác với mọi lần, Bác không nói về đề án thành lập lực lượng mà Bác hỏi han tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ khi chuyển sang lực lượng vũ trang mới.
Tướng Tuệ báo cáo: “Thưa Bác, bước đầu do nhận thức về nhiệm vụ của lực lượng vũ trang mới chưa được rõ ràng, sâu sắc, nên một số cán bộ, chiến sĩ có biểu hiện thiếu an tâm, phấn khởi; so sánh đắn đo về sự vinh quang giữa Quân đội và Công an; băn khoăn về chế độ chính sách, quyền lợi hưởng thụ; số khác thì ngại khó, ngại khổ ở Biên phòng xa xôi; các đồng chí Công an chuyển sang thì suy nghĩ về lương bổng, ngại điều lệnh gò bó. Những điều đó đang là mặt hạn chế”.
Bác không hỏi thêm gì, chỉ dặn Tướng Tuệ: “Chú Tuệ này, sắp tới chú phải làm sao cho cán bộ, chiến sĩ Biên phòng hiểu cặn kẽ về biên giới, hải đảo của chúng ta có từ khi nào? Cha ông ta phải đấu tranh về quân sự, ngoại giao như thế nào mới có được? Các dân tộc đang cư trú ở đó, ai là người dân địa bàn, ai mới đến cư trú? Phong tục tập quán, qua lại biên giới. Phải khéo léo sưu tầm tài liệu từ các sắc phong Thành hoàng tới văn tự ruộng đất qua các đời vua vì đó là chứng lý đất mình...”.
Ngừng một lát suy nghĩ điều gì, rồi Bác tiếp lời: “Biên giới có lúc bình, lúc biến, lúc hữu nghị, lúc cam go. Vì vậy, lúc bình phải chuẩn bị cho lúc biến. Chú Tuệ phải nhớ là, đất nước của người ta dù là núi vàng, biển bạc, ta cũng không ham. Nhưng của ta dù là hạt cát, là sỏi vẫn kiên quyết giữ lấy, vì đó là xương máu mà cha ông ta đã đổ xuống mới có được...”.
Bác căn dặn Tướng Tuệ rằng, phải bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ Biên phòng có kiến thức toàn diện, không chỉ hiểu biết sâu sắc về chính trị, quân sự, nghiệp vụ công an, mà còn phải am hiểu về pháp luật trong nước và quốc tế, về ngoại giao, y tế và kinh tế. Bác nhấn mạnh: “Cán bộ, chiến sĩ đều là lính bộ binh, trình độ văn hóa có hạn, nên phải vừa học, vừa làm. Cần phải liên hệ với các trường đại học để họ giúp ta về tri thức và cùng họ nghiên cứu các đề tài khoa học về biên giới, hải đảo. Ngay từ bây giờ, phải suy nghĩ đến kế hoạch khi đất nước thống nhất, vấn đề biên giới, hải đảo, vùng trời, vùng biển là rất phức tạp, khó khăn...”.
Sau khi ổn định về biên chế tổ chức, chiều ngày 28-3-1959, tại Câu lạc bộ quân nhân Hà Nội, hơn 600 đại biểu thay mặt cho hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đang chắc tay súng ở biên giới, hải đảo, bờ biển, giới tuyến và các mục tiêu quan trọng ở nội địa dự lễ khai sinh lực lượng CANDVT. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ CANDVT được vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang đến dự và huấn thị cho toàn lực lượng.
Trước khi đến giao nhiệm vụ và huấn thị cho lực lượng CANDVT, Bác đã nghe phản ánh về tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ công tác ở Quân đội, nay chuyển sang Công an còn những mặt băn khoăn về chính sách... Để giải đáp những băn khoăn ấy, Bác không giải thích nhiều về lý luận, mà lấy hình ảnh thực tế để chứng minh cho dễ hiểu. Bác chỉ vào Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh kiêm Chính ủy ngồi hàng ghế đầu, nói: “Chú Tuệ đứng dậy”.
Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ mặc bộ lễ phục màu trắng, cấp hiệu, phù hiệu màu xanh lá cây, đội mũ kê pi trắng gắn quân hiệu màu xanh lá cây, vây quanh là hình bông lúa, giữa có ngôi sao vàng 5 cánh, phía dưới có 2 chữ “CA” thay cho hình bánh xe. Ông đứng dậy, khuôn mặt vui vẻ nhìn về phía trước, Bác nói tiếp: “Chú Tuệ quay mặt lại phía sau”. Sau khi Tướng Tuệ quay mặt lại phía sau, Bác hỏi tiếp mọi người trong hội trường: “Nhìn vị tướng này, các chú thấy có gì phải băn khoăn thắc mắc nào?”. Lúc này, mọi người trong hội trường nhìn nhau và hiểu ra ý Bác. Bác giải thích CANDVT và QĐND đều là lực lượng vũ trang của Đảng và Nhà nước, như vậy là các chế độ chính sách của CANDVT cũng giống như Quân đội. Mọi người nhìn nhau cười vui vẻ, làm cho cả hội trường sôi động hẳn lên. Bác cùng cười với một tình cảm âu yếm và hỏi lại: “Còn thắc mắc gì nữa không?”. Tất cả hội trường đều đồng thanh đáp: “Thưa Bác, không ạ”. Bác cười, mọi người cùng cười rất thoải mái.
Sau khi nói chuyện, giao nhiệm vụ cho lực lượng CANDVT xong, Bác tóm tắt những ý chính thành một bài thơ. Khi đọc đến câu: “Dũng cảm trước địch, phân bất cố thân”. Bác dừng lại nói: “Bác vội dùng câu Phân bất cố thân, ý muốn nói: Vì nước không nghĩ đến thân mình, chú nào có ý hay chữa cho gọn?”. Ở giữa hội trường có một đồng chí đứng lên thưa với Bác: “Dạ! Thưa Bác, xin lấy lời Bác, vì nước quên thân là hay ạ”. Bác lắng nghe rồi nói tiếp: “Vì nước quên thân thay cho phân bất cố thân có được không?”. “Dạ! Thưa Bác, được ạ”. Cả hội trường lại vang lên tiếng cười vui phấn khởi. Bác cũng cười và vui vẻ nói tiếp: “Cho hay việc đánh giặc cũng như làm thơ, có ý kiến của quần chúng tham gia là cốt thực”.
Từ đó, lực lượng CANDVT (BĐBP ngày nay) có bài thơ Bác tặng, đó là: “Đoàn kết, cảnh giác/ Liêm chính, kiệm cần/ Hoàn thành nhiệm vụ/ Khắc phục khó khăn/ Dũng cảm trước địch/ Vì nước quên thân/ Trung thành với Đảng/ Tận tụy với dân”.
Ngày 2-3-1962, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác vẫn đến dự Hội nghị chiến sĩ thi đua của toàn lực lượng CANDVT. Sau khi biểu dương thành tích và căn dặn cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, Bác nói: “Bác sẽ tặng tổ chức của các chú một lá cờ luân lưu để thưởng cho đơn vị nào thi đua khá nhất. Thi đua phải có điều kiện, điều kiện thế nào thì các chú thảo luận với nhau. Ví dụ như bắt được nhiều đặc vụ, biệt kích hay dân vận, tăng gia tốt... Bác sẽ ký tên vào lá cờ này và đơn vị nào giành được cờ thì được thêu tên vào đây. Đơn vị nào được thêu tên hai, ba lần thì quý hóa lắm. Bác nhờ các cô, các chú chuyển lời thăm hỏi của Bác, của Trung ương Đảng và Chính phủ tới đồng bào, cán bộ địa phương và các chiến sĩ ở các đơn vị. Cuối cùng, Bác tặng các chú mấy câu, chú nào văn hay, thơ giỏi sửa lại cho hay: “Non xanh nước biếc trùng trùng/ Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao/ Núi cao, sự nghiệp càng cao/ Biển sâu, chí khí ta so vào càng sâu/ Thi đua ta quyết giật cờ đầu””.
63 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, cán bộ, chiến sĩ BĐBP không ngừng phấn đấu, trưởng thành về mọi mặt, lập nhiều chiến công vang dội trong chiến đấu, công tác, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc, được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý. Lời dạy của Người mãi mãi là kim chỉ nam, ánh sáng soi đường cho mọi hoạt động của lực lượng BĐBP, góp phần cùng với quân dân cả nước xây dựng nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin