Sáng 6/4, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo đó sẽ đảm bảo lợi ích tốt nhất với đối tượng người vị thành niên cai nghiện ma túy và được xét xử bằng phiên tòa thân thiện.
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải công bố Lệnh của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. |
Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 24/3/2022 và có hiệu lực từ ngày thông qua. Pháp lệnh áp dụng đối với đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Nguyên tắc xem xét, quyết định đưa đối tượng này vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người cai nghiện ma túy chưa thành niên.
Ông Nguyễn Văn Du - Phó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao cho biết, hiện nay tình trạng người chưa thành niên sử dụng trái phép chất ma túy ngày một gia tăng, việc cai nghiện tự nguyện chưa có hiệu quả, đặc biệt tình trạng người chưa thành niên lang thang không có nơi cư trú gây mất an ninh xã hội. Việc cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy chưa thành niên sẽ bảo vệ quyền của trẻ vị thành niên:
Theo ông Nguyễn Văn Du, việc cai nghiện bắt buộc đối với những người chưa thành niên bị bỏ ngỏ trong một thời gian khá dài, gây ra ảnh hưởng rất lớn trong xã hội trong thời gian qua, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến người chưa thành niên. Do vậy để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên nghiện ma túy, sự ra đời của Pháp lệnh này nhằm bảo vệ và hỗ trợ người chưa thành niên cai nghiện ma túy phát triển lành mạnh và góp phần ổn định trật tự xã hội.
Cũng theo Phó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Du, việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người vị thành niên theo Pháp lệnh phải đảm bảo thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức. Hiện nay các cấp tòa án đã chuẩn bị đào tạo nhân lực thực hiện phiên tòa thân thiện đảm bảo phù hợp với tâm sinh lý vị thành niên, người chủ tọa phiên tòa phải hiểu biết tâm sinh lý, gần gũi đối với người chưa thành niên.
“Phiên tòa thân thiện làm sao làm tốt nhất và hỗ trợ cho các em. Do vậy phiên tòa phải đảm bảo không mặc áo choàng xét xử và mặc áo hành chính bình thường. Phiên tòa đó phải giải quyết những việc của người chưa thành niên, những việc này phải ngồi kiểu bàn khép kín, xung quanh thân thiện, chứ không giống như phiên tòa bình thường”- ông Nguyễn Văn Du nói./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin