Thời sự - Chính trị

Tháo gỡ 2 nút thắt về hạ tầng, tạo sự đột phá cho tỉnh phát triển

15:11, 18/04/2022
Chiều 18/4, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với Sở GTVT. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Thị Kim Chi - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.

Báo cáo của Sở GTVT tại buổi làm việc cho thấy, năm 2021, ngành đã chủ động, tích cực tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 02 Nghị quyết, tham gia góp ý 5 Quy hoạch quốc gia do Bộ Giao thông vận tải tham mưu xây dựng; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 26/4/2021 về việc thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh; chủ động xây dựng nội dung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để tổng hợp vào Đề án phát triển KCHT trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 20/01/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh. Đã chủ động làm việc với đơn vị tư vấn để phối hợp xây dựng chuyên đề Quy hoạch GTVT tỉnh tích hợp vào Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh giai đoạn 2020-2030 tầm nhìn 2045. Ban hành 20 kế hoạch và trên 1.000 văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai toàn diện các nhiệm vụ của ngành.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Trong Quý I/2022, ngành GTVT tiếp tục làm việc với đơn vị tư vấn để phối hợp xây dựng chuyên đề Quy hoạch GTVT tỉnh tích hợp vào Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh giai đoạn 2020-2030 tầm nhìn 2045. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 30/2022/QĐ-UBND ngày 06/4/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 70/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An về việc quy định hạn chế lưu thông trên địa bàn thành phố Vinh. Ban hành 10 kế hoạch và trên 200 văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai toàn diện các nhiệm vụ của ngành. Cùng với đó là công tác thẩm định công trình giao thông tiếp tục được tăng cường,  Sở GTVT đã thực hiện thẩm định nhiều dự án có quy mô lớn, phức tạp như: Đường ven biển Nghi Sơn – Cửa Lò; Đường giao thông nối Vinh – Cửa Lò; Đường N5 kéo dài nối từ Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ); Dự án nâng cấp, mở rộng QL15; Đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền; Dự án LRAMP; các dự án khắc phục hậu quả bão lụt, sửa chữa định kỳ các tuyến quốc lộ, đường tỉnh.

Chú trọng công tác duy tu, sửa chữa định kỳ hạ tầng giao thông

Giám đốc Sở GTVT Hoàng Phú Hiền báo cáo tại buổi làm việc.

Hiện nay, Sở GTVT Nghệ An đang trực tiếp quản lý, bảo trì 47 tuyến đường bộ với tổng chiều dài hơn 1.862,2 km (trong đó có 8 tuyến Quốc lộ với chiều dài 931,8 km và 39 tuyến đường tỉnh với chiều dài 930,4 km); 8 tuyến đường thủy nội địa với tổng chiều dài là 262,6km (trong đó có 4 tuyến đường thủy TW và 4 tuyến địa phương). Tổng kinh phí thực hiện công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường trong năm là 459 tỷ đồng; hoàn thành 40 dự án sửa chữa định kỳ với chiều dài sửa chữa 102,2 km mặt đường. Riêng trong Quý I/2022, tiếp tục sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý bảo trì công trình đường bộ, đường thủy nội địa do Sở quản lý. Tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên trên các tuyến. Triển khai công tác đấu thầu 27 dự án thuộc kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2022, dự kiến triển khai thi công trên hiện trường trong tháng 5/2022. Công tác quản lý hành lang ATGT luôn được chú trọng chỉ đạo thường xuyên, liên tục, trong Quý I/2022, đã ban hành Kế hoạch số 490/KH-SGTVT ngày 23/02/2022 trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc có liên quan để triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh. Đồng thời, đôn đốc các UBND cấp huyện xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch của địa phương.

Đẩy nhanh thi công đường ven biển.

Đến nay, 21/21 huyện, thành, thị đã ban hành Kế hoạch và ra quân triển khai thực hiện. Kết quả: Quý I/2022, trên địa bàn tỉnh đã giải tỏa được 9m2 nhà ở, 416m2 ki ốt, 12 chợ tạm, 4.740 m2 mái che, 4.624 biển quảng cáo, 270 m2 quán bán hàng, 168 cột điện, cột viễn thông, 4.992m tường rào, 78 điểm tập kết VLXD, 26 điểm rửa xe. Các địa phương cấp huyện, xã duy trì tốt các đợt ra quân làm giao thông nông thôn vào đầu năm theo hình thức vận động nhân dân cùng làm, bố trí, vận động, thu hút nguồn vốn từ ngân sách và nguồn vốn bảo trì đường bộ để thực hiện duy tu, sửa chữa các tuyến đường trên địa bàn. 

Tăng cường công tác quản lý vận tải, nâng cao chất lượng đào tạo lái xe

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên hoạt động vận tải nói chung và đặc biệt vận tải hành khách năm 2021 trong Quý I/2022 trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Để đồng hành với khó khăn của các đơn vị, Sở GTVT Nghệ An đã chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị kinh doanh vận tải triển khai thực hiện hoạt động vận tải đảm bảo an toàn, hiệu quả. Cùng với đó là công tác thanh tra giao thông được tiến hành  thường xuyên, tập trung vào những vấn đề bức xúc, được dư luận quan tâm, còn tồn tại trên thực tế như: hoạt động các phương tiện quá khổ, quá tải; hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, xe hợp đồng; vi phạm hành lang ATGT đường bộ; công tác đào tạo lái xe.

Lực lượng TTGT kiểm tra công tác đảm bảo ATGT đường thủy.

Ngoài ra, lực lượng Thanh tra GTVT phối hợp với Ban ATGT tỉnh và các phòng, ban liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tuyên truyền về ATGT; thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết kịp thời và đúng quy định pháp luật các vụ việc liên quan khiếu nại, tố cáo, báo chí phản ánh. Đồng thời, tham gia phối hợp và hoàn thành tốt công tác phân luồng, hướng dẫn giao thông, đảm bảo ATGT trong các dịp lễ, Tết, diễn ra các sự kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt, chủ trì, phối hợp thực hiện đón, dẫn đường, trung chuyển hơn 28.000 lượt công dân về quê bằng xe máy từ các tỉnh phía Nam về tránh dịch Covid-19. 

Thi công các trụ cầu trên tuyến đường  ven biển.

Liên quan đến  kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, hiện nay có 09 trung tâm đang hoạt động, trong đó có 2 trung tâm thuộc Sở, 07 trung tâm theo hình thức xã hội hóa. Cùng với đó là nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe theo hình thức nhanh gọn, thuận lợi cho nhân dân. Hiện nay, Nghệ An là một trong 4 địa phương của cả nước thực hiện lắp đặt thiết bị mô phỏng cabin điện tử để thử nghiệm đào tạo lái xe ô tô tại 2 cơ sở đào tạo. Ngành GTVT còn chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ. Năm 2021, Sở GTVT tiếp nhận và giải quyết 28.000 thủ tục hành chính, trong đó có 7.000 hồ sơ được giải quyết theo dịch vụ công cấp độ 4 (so với cùng kỳ năm 2020 tăng 300%). Quý I/2022, tiếp nhận và giải quyết13.600 thủ tục hành chính, trong đó có 3.300 hồ sơ được giải quyết theo dịch vụ công cấp độ 4. Riêng đối với công tác thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; thực hiện tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; công tác xã hội, từ thiện; xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông năm 2021 và quý I/2022 luôn được ngành GTVT chú trọng đúng trọng tâm.

Thu hút nguồn vốn, nâng cao chất lượng công trình giao thông

Trong năm 2021 và Quý I/2022, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn như vướng mắc trong công tác GPMB, khan hiếm vật liệu xây dựng, giá vật liệu xây dựng chính tăng cao, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng ngành GTVT đã tập trung khắc phục khó khăn, tham mưu tỉnh, tranh thủ sự giúp đỡ của trung ương, huy động, thu hút nguồn vốn, chỉ đạo quyết liệt, phối hợp các cấp, các ngành để triển khai đầu tư xây dựng một số công trình lớn, trọng điểm. Đến nay đang có 11 dự án, công trình đang triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 10.300 tỷ đồng. Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT hoàn tất công tác bồi thường, GPMB dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam qua Nghệ An trong tháng 4 năm nay.

Trụ cầu vượt sông Hoàng Mai đường ven biển đang được thi công.

Tại buổi làm việc, các ý kiến cũng đã chỉ ra những tồn tại để ngành GTVT Nghệ An kịp thời khắc phục, như: tiến độ thực hiện một số công trình xây dựng cơ bản, sửa chữa định kỳ còn chậm. Nguồn vốn bố trí cho một số dự án chưa kịp thời; Thủ tục rút vốn đối với các dự án vốn ODA phải thực hiện nhiều bước, quy trình đều phải gắn với thủ tục xin ý kiến của các nhà tài trợ nên ảnh hưởng đến tiến độ cấp vốn.

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Nhiều dự án thành phần thực hiện tại địa phương do các Bộ, ngành Trung ương làm cơ quan chủ quản điều phối nên quy trình, thủ tục còn phải phụ thuộc vào các Bộ, ngành Trung ương. Công tác duy tu, sửa chữa còn hạn chế; tình trạng xe 5-7 chỗ ngồi tham gia hoạt động chở xe khách trái quy định, một số phương tiện xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách; xe chạy vượt luồng tuyến; phương tiện quá khổ, quá tải; hoạt động khai thác cát, sỏi, khoáng sản trên sông làm ảnh hưởng kết cấu hạ tầng...còn diễn ra, chưa được xử lý triệt để. Bên cạnh đó, tình trạng tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông còn diễn ra, trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp, công tác quản lý chất lượng còn một số tồn tại ở một số hạng mục..

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Tháo gỡ nút thắt về hạ tầng, tạo sự đột phá cho tỉnh phát triển

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của ngành GTVT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì Nghệ An là một trong số ít các địa phương trong cả nước có đầy đủ các loại hình giao thông, như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa. Trong thời quan qua, mặc dù nguồn lực còn khó khăn, hạn chế nhưng đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm rất lớn. Nhiệm kỳ 2016-2020, tỷ trọng đầu tư từ nguồn vốn đầu tư tập trung trong ngân sách cho lĩnh vực giao thông là chiếm 36,8%/tổng số vốn đầu tư; trong nhiệm kỳ 2020-2025 chiếm hơn 54% tổng số vốn đầu tư. Điều này khẳng định lĩnh vực giao thông có tác động rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu giao thương của doanh nghiệp, đi lại của người dân, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc.

Đồng tình với những đánh giá về kết quả của ngành trong năm 2021 và Quý I/2022, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh thêm về những đóng góp của ngành trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021, đầu tư các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công cải cách hành chính, chuyển đổi số, đoàn kết nội bộ. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, Sở GTVT cần làm rõ hơn về nguyên nhân chủ quan trong những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra. Công tác GPMB đã được quan tâm nhưng vẫn còn những tồn tại; việc bám nắm, thực hiện một số nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND giao chưa đạt yêu cầu. Công tác phối hợp với các ngành, địa phương có lúc chưa kịp thời, chưa hiệu quả, ảnh hưởng đến kết quả chung. 

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với báo cáo của Sở và đề nghị Sở tiếp thu đầy đủ ý kiến của các sở, ngành, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tại buổi làm việc. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; bám sát các nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nhất là những nội dung trong Chương trình hành động Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung các nội dung liên quan đến quy hoạch ngành, tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả. Trong công tác này, cần phối hợp với các ngành, địa phương rà soát quy hoạch không gian phát triển, hành lang giao thông, hành lang kinh tế; hình thành các đô thị, trung tâm hậu cần một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, cùng với các ngành tập trung tháo gỡ 2 nút thắt về hạ tầng là Cảng nước sâu và Cảng hàng không Quốc tế sân bay Vinh nhằm tạo sự đột phá cho tỉnh phát triển. Tập trung cao độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, đảm bảo tiến độ, chất lượng, đặc biệt là trong công tác GPMB, thu hồi chuyển mục đích sử dụng đất, đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% trong năm 2022 như cam kết của lãnh đạo Sở.

Chủ tịch UBND yêu cầu ngành tập trung tháo gỡ 2 nút thắt về hạ tầng là Cảng nước sâu và Cảng hàng không Quốc tế sân bay Vinh nhằm tạo sự đột phá cho tỉnh phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu Sở GTVT bám sát việc xử lý đề xuất của tỉnh đối với các cơ quan trung ương về bổ sung nguồn lực, trong đó tập trung cho Dự án mở rộng QL46 đoạn TP. Vinh - Nam Đàn; nguồn kinh phí đề nghị bổ sung để chi trả cho những hộ dân đủ điều kiện được bồi thường GPMB trong dự án nâng cấp, mở rộng QL1A. Quan tâm công tác thẩm định, quản lý chất lượng dự án đầu tư từ khâu chuẩn bị dự án, tổ chức thực hiện dự án, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường chỉ đạo đảm bảo ATGT, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm; quản lý hành lang ATGT; đảm bảo chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; kiểm soát đăng kiểm. Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt yêu cầu Sở GTVT tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, tăng cường nâng cao dịch vụ công mức độ 4, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, người dân. Quan tâm chấn chỉnh đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành. Thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng đã kết luận những kiến nghị, đề xuất của Sở GTVT.
 

Nguyễn Nam - Trường Ca

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện