Quốc hội bước sang tuần làm việc thứ 2 tại Kỳ họp thứ 3, trong đó chương trình nghị sự có tới 3 ngày được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Cụ thể, Quốc hội dành 1 ngày để nghe và thảo luận Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 được cái đại biểu bàn thảo trong 1,5 ngày.
Quốc hội cũng dành nửa ngày thảo luận ở hội trường về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV |
Ngoài ra, Quốc hội thảo luận về 5 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
5 dự án giao thông lên bàn nghị sự
Cũng trong tuần làm việc này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 3 dự án đường cao tốc và 2 đường vành đai Hà Nội và TP.HCM.
Cụ thể là dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1); Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho Kỳ họp, 3 dự án cao tốc, được xác định rất quan trọng nhằm tạo ra sự kết nối cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và giảm tải giao thông cho quốc lộ 51. Dự kiến, tổng nguồn vốn hơn 84 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó tuyến đường Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long) qua địa phận: Thành phố Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km); dự kiến dự án cơ bản hoàn thành năm 2025.
Còn tổng chiều dài tuyến Vành đai 3 là 76,34 km; bao gồm: TP.HCM (47,51km), Đồng Nai (11,26km); Bình Dương (10,76km); Long An (6,81km). Dự án này được chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập và dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.
Cho rằng việc triển khai thực hiện đồng thời nhiều dự án đường cao tốc, tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn, sẽ khó bảo đảm chất lượng, tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025, UBTVQH đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu... và làm rõ giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng và cam kết trước Quốc hội về tiến độ, chất lượng của các Dự án.
Đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận kỹ lưỡng và quyết định có thông qua 5 dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông này hay không vào ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 3 (dự kiến 16/6)./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin