Sáng 14/7, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị trực tuyến Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022.
Thông tin tại Hội nghị, bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, một trong những nhiệm vụ hiện nay là thực hiện Nghị quyết 26 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, trong đó có mục tiêu bố trí Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ không phải là người địa phương.
Đến nay, trong cả nước có 32/63 Bí thư không phải là người địa phương và theo mục tiêu của Nghị quyết 26, đến cuối nhiệm kỳ này cơ bản bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương.
Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại hội nghị |
Nhắc lại câu hỏi: “Bí thư không phải người địa phương có tốt hơn Bí thư là người địa phương không? Bí thư làm Chủ tịch UBND tốt hơn hay bí thư làm Chủ tịch HĐND tốt hơn?”, bà Trương Thị Mai cho biết, bằng thực tiễn những năm công tác ở Ban Tổ chức Trung ương, bà khẳng định, về cơ bản Bí thư không phải là người địa phương sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, cũng không nên máy móc đối với một số cán bộ là dân tộc thiểu số, họ là đại diện cho cộng đồng lớn nhất của địa bàn đó thì nên làm Bí thư ở đó. Nếu cán bộ qua địa bàn khác, không có cộng đồng đó có khi lại không phù hợp.
Đối với một số cán bộ không phải người địa phương, để có sự hiểu biết về địa bàn công tác, cần phải tiếp cận và có thời gian, đồng thời phải giữ gìn.
"Cán bộ, đảng viên, nhân dân ở địa phương sẽ nhìn vào và "soi" cán bộ thì anh phải giữ gìn, khẳng định mình trưởng thành, làm việc có hiệu quả, nỗ lực rất lớn" - bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, bí thư là người địa phương không phải không tốt mà tùy theo cán bộ. Song, người từ nơi khác đến cũng có những động lực khác so với người ở địa phương. Người địa phương có thuận lợi hơn là được lớn lên, trưởng thành ở đó, nhưng cũng có thể có những khó khăn, ví dụ như ỷ lại, "sống lâu lên lão làng".
Bí thư làm Chủ tịch HĐND sẽ thực hiện giám sát tốt hơn
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, hiện nay mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND rất tốt. Bí thư làm Chủ tịch HĐND thì sẽ giám sát tốt hơn nhiều so với một Phó Bí thư làm Chủ tịch HĐND. Như vậy đây cũng là một trong những cơ chế để kiểm soát quyền lực.
Đến nay, Bí thư cấp huyện không phải là người địa phương đạt được 38,8 %; Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp huyện đã đạt được 46,11 %; Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp xã đạt 59,10 %; Bí thư là Chủ tịch Ủy ban cấp huyện hiện nay có 5,23 %, có 37 huyện có Chủ tịch đồng thời là Bí thư; có 9,64 % tức là 1.072 xã có Bí thư đồng thời là Chủ tịch Ủy ban.
"Đến thời điểm này, những nơi quy mô nhỏ thì mô hình này là thích hợp. Ví dụ như đảo Lý Sơn, đảo Phú Quý, một số nơi có quy mô nhỏ thì mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch cũng gọn gàng, tập trung, hiện nay vẫn đang thí điểm, Ban Tổ chức sẽ tổng kết, báo cáo" - bà Trương Thị Mai thông tin.
Về một số mô hình kiêm nhiệm, theo bà Trương Thị Mai, hiện nay, Ban Tổ chức Trung ương đã báo cáo với Bộ Chính trị và sẽ có thông báo. Ví dụ như kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức; hợp nhất các cơ quan tham mưu giúp việc với cơ quan chuyên môn; Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận; tổ chức lại Đảng ủy doanh nghiệp; hợp nhất một số cơ quan chuyên môn của Ủy ban, văn phòng, các văn phòng của cấp ủy, văn phòng của các cơ quan nhà nước.../.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin