Thời sự - Chính trị

Tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án treo, dự án chậm tiến độ

11:31, 13/07/2022
Sáng 13/7, tại phiên thảo luận tại hội trường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức  đã giải trình, làm rõ những vấn đề tại phiên thảo luận tổ và chủ tọa kỳ họp yêu cầu liên quan về tháo gỡ tồn tại, vướng mắc đối với các dự án treo, dự án chậm tiến độ và đề xuất giải pháp cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII.

Toàn cảnh kỳ họp
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường sáng 13/7.

Xử lý các dự án treo, dự án chậm tiến độ

Làm rõ phản ánh tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao, làm tổng mức đầu tư tăng tỉnh và các ngành đã có giải pháp gì,  Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư  Nguyễn Xuân Đức cho biết thực trạng tăng giá nguyên nhiên vật liệu đang là vấn đề ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn hiện nay.

Cụ thể, theo quy định, trong quá trình lập dự án đã có tính toán chi phí dự phòng để xử lý vấn đề về tăng giá. Tuy nhiên, việc tăng giá quá cao, nhất là các mặt hàng như xăng dầu, sắt thép tăng 30 đến 40% như hiện nay là vấn đề chưa lường trước được. Vì vậy, đã ảnh hưởng đến rất nhiều dự án và cần phải có giải pháp xử lý kịp thời để giảm tối đa sự ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời các nội dung các tổ thảo luận đề cập và chủ tọa kỳ họp yêu cầu.  
Ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời các nội dung các tổ thảo luận đề cập và chủ tọa kỳ họp yêu cầu.  

Trước vấn đề này, UBND tỉnh đã có Công văn số 4036/UBND-CN ngày 6/6/2022 yêu cầu các sở quản lý xây dựng chuyên ngành và các chủ đầu tư rà soát chặt chẽ các dự án, đánh giá đầy đủ hiện trạng, lựa chọn giải pháp kỹ thuật phù hợp nhất để giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Đối với các trường hợp không thể thay đổi giải pháp kỹ thuật, UBND tỉnh đã tổ chức họp với các ngành, các chủ đầu tư và thống nhất phương án xử lý.

Về nội dung tháo gỡ các dự án treo, dự án chậm tiến độ, không nên để kéo dài gây lãng phí, gây nợ đọng về thuế, người đứng đầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng các dự án treo, dự án chậm tiến độ đã và đang gây lãng phí tài nguyên, gây bức xúc trong dư luận và làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Để khắc phục, xử lý tình trạng này, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, bài bản, có hiệu quả công tác rà soát, kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ. Hàng năm, các sở, ngành, địa phương đều thực hiện rà soát, báo cáo các dự án có dấu hiệu chậm tiến độ, vi phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, nợ đọng thuế để tổng hợp đưa vào kế hoạch kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành theo Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Dự án Khu đô thị Minh Khang do Công ty TNHH TM Minh Khang làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích 7,86ha. Sau nhiều lần gia hạn, đến nay nhiều diện tích vẫn đang để hoang.

Từ năm 2012 đến nay, các đoàn liên ngành do UBND tỉnh thành lập đã tiến hành 674 lượt kiểm tra đối với 498 dự án. Trong đó đã chấm dứt hoạt động, thu hồi đất và hủy bỏ các văn bản pháp lý đối với 142 dự án; gia hạn tiến độ 199 dự án; cho phép tiếp tục thực hiện 56 dự án; xử lý khác đối với 101 dự án. Lũy kế đến thời điểm hiện nay đã chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với 225 dự án với tổng diện tích quy hoạch là 120.821ha. Công tác rà soát, kiểm tra các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh đã và đang được các cấp, các ngành vào cuộc thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, tình trạng các dự án treo, dự án chậm tiến độ hiện vẫn còn diễn ra; nhiều dự án có dấu hiệu chậm tiến độ nhưng chưa được kiểm tra, xử lý.

 Ông Nguyễn Xuân Đức  cho biết các giải pháp trong thời gian tới: UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nâng cao chất lượng thẩm định, tham mưu chủ trương đầu tư các dự án nhằm đảm bảo chấp thuận các dự án có tính khả thi, sử dụng đất có hiệu quả, nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án. Đồng thời tăng cường công tác quản lý dự án sau cấp phép; các sở, ngành, địa phương thực hiện quy chế phối hợp quản lý dự án đầu tư. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong triển khai thực hiện dự án đầu tư, đặc biệt là những vướng mắc do nguyên nhân từ phía các ngành, các cấp và các chính sách văn bản pháp luật ảnh hưởng đến nhà đầu tư.Bên cạnh đó, tiếp tục ưu tiên bố trí vốn đầu tư để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; trong đó tập trung xây dựng hạ tầng trong KKT Đông Nam, các KCN, cụm công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Các đại biểu tham dự kỳ họp

Giám đốc Sở KHĐT nhấn mạnh: “Thực hiện các nội dung theo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về các dự án treo, dự án chậm tiến độ và các dự án sử dụng đất không đúng mục đích. Trong đó, tập trung vào 3 nhiệm vụ chính: Xây dựng, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, ban hành Nghị quyết chuyên đề xử lý dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả. Tiếp tục rà soát, kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ; Xây dựng và đưa vào vận hành phần mềm quản lý tổng thể các dự án đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh”

Giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Trả lời vấn đề đại biểu nêu: “Chỉ số cạnh tranh năng lực cấp tỉnh (PCI) năm 2021 tụt hạng, nguyên nhân là thái độ của công chức đối với người dân, doanh nghiệp. Trong thời gian tới tỉnh cần có giải pháp gì?” Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Nguyễn Xuân Đức thông tin: Theo kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, Nghệ An đạt 64,74 điểm, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành trong cả nước, tụt 12 bậc so với năm 2020, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung bộ (sau Thừa Thiên Huế và Hà Tĩnh). Chỉ số PCI được đánh giá thông qua 10 chỉ số thành phần. Năm 2021 có 05/10 chỉ số tăng điểm (gồm: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí không chính thức, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự), 05/10 chỉ số giảm điểm (gồm: Gia nhập thị trường, Chi phí thời gian, Đào tạo lao động, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động và tiên phong của chính quyền).

Các đại biểu dự kỳ họp.
Các đại biểu dự kỳ họp.

Trong 10 chỉ số thành phần, có 2 chỉ số liên quan đến thái độ của cán bộ, công chức đối với người dân và doanh nghiệp đó là Chi phí thời gian và Chi phí không chính thức; trong đó: chỉ số chi phí thời gian giảm từ 7,61 điểm (năm 2020) xuống 7,54 điểm (năm 2021), tuy nhiên vẫn cao hơn trung vị của cả nước (7,46); chỉ số Chi phí không chính thức tăng điểm từ 6,22 điểm năm 2020 lên 6,50 điểm năm 2021, tuy nhiên xếp thứ hạng thấp so với cả nước (xếp thứ 51/63 tỉnh thành).

Trong thời gian tới, để nâng cao thái độ phục vụ đối với người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức; góp phần nâng cao các chỉ số thành phần và tổng điểm PCI, cần tập trung vào các giải pháp sau đây:

Một là, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tại các vị trí việc làm liên quan đến xử lý, giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư cả về mặt chuyên môn và đạo đức công vụ; quan tâm bố trí cán bộ, công chức có tư cách đạo đức tốt, thái độ làm việc đúng mực làm nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa, một cửa liên thông các cấp.

Hai là, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra công vụ để hạn chế tình trạng “găm hồ sơ”, “trả hồ sơ”, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp... Kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ, công chức gây nhũng nhiễu, có hình thức xử phạt nghiêm minh làm tính răn đe. Thực hiện kịp thời, đầy đủ, nghiêm túc xin lỗi cá nhân, tổ chức trong giải quyết TTHC đối với hồ sơ quá hạn thời gian giải quyết.

Ba là, tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành công vụ và đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công cấp độ 3, 4 tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời hạn chế tiếp xúc, gây phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Nhóm PV

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện