Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể; Các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Thái Thanh Quý, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Vinh. |
Cảng hàng không Quốc tế Vinh được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch có tổng diện tích hơn 447 ha. Hạn chế hiện nay của Cảng là nhà ga hành khách T1 với công suất thiết kế 2 triệu khách/năm đã hoạt động tối đa công suất, những dịp cao điểm tần suất chuyến bay lớn quá tải; nhà ga hành khách quốc tế chưa đảm bảo yêu cầu do đang sử dụng từ nhà ga cũ cải tạo; đường cất hạ cánh số 1 dài 2.400m chỉ đáp ứng cho các loại máy bay A320/A321 hoặc tương đương, không tiếp nhận được các loại máy bay thân lớn code E như A350, B777, B787… chất lượng mặt đường cất hạ cánh đã xuống cấp, thường xuyên phải duy tu sửa chữa; sân đỗ chỉ đáp ứng được tối đa 6 máy bay nên thường xuyên bị quá tải; chưa có nhà ga hàng hoá, khu vực sửa chữa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực địa sân bay Vinh |
Từ năm 2018, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam triển khai lập dự án đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh gồm: Nhà ga T2, mở rộng sân đỗ máy bay, đường cất hạ cánh số 2 và các hạng mục phụ trợ liên quan. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 và để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm có quy mô lớn, do đó các thủ tục dự án mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Vinh đã dừng triển khai thực hiện.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải đã có Văn bản ngày 22/6/2022 báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ với quan điểm ủng hộ chủ trương giao UBND tỉnh Nghệ An chủ động kêu gọi xã hội hóa đầu tư các hạng mục của Cảng hàng không Quốc tế Vinh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận về phương án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Vinh qua hình thức xã hội hóa thu hút đầu tư. |
Đồng tình với chủ trương cho Nghệ An xã hội hóa thu hút đầu tư dự án mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Vinh theo phương thức đối tác công tư, Thủ tướng giao UBND tỉnh Nghệ An làm cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án. Theo đó, Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh công suất Cảng Hàng không quốc tế Vinh quy hoạch đến năm 2030 có công suất khoảng 12 triệu hành khách/năm (bao gồm nhà ga hành khách T1 và nhà ga hành khách T2); tầm nhìn đến năm 2050 có công suất khoảng 15 triệu hành khách/năm. Tỉnh cần tập trung GPMB để sớm triển khai dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe giới thiệu về quy hoạch, các hạng mục của Cảng nước sâu Cửa Lò. |
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã đi khảo sát dự án cảng nước sâu Cửa Lò thuộc địa bàn xã Nghi Thiết. Dự án cảng nước sâu Cửa Lò được quy hoạch tại tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, được tỉnh Nghệ An xác định là dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, cùng với các tuyến đường kết nối bảo đảm đồng bộ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics.
Dự án được tỉnh Nghệ An cấp phép đầu tư từ tháng 12/2010 cho Công ty CP đầu tư phát triển vận tải Quốc tế (do Ngân hàng TMCP Bắc Á tư vấn đầu tư và tài trợ vốn) với quy mô 3.300 tỷ đồng. Các hạng mục chính gồm: 2 bến cách xa bờ 3132m (1 bến cho tàu 30.000 tấn, 1 bến cho tàu 50.000 tấn). Các công trình phụ trợ gồm: cầu dẫn nối với khu hậu phương cảng dài 3132m, đê chắn sóng 1450m, luồng tàu và thiết bị báo hiệu hàng hải, khu hậu phương cảng (20ha) được đầu tư từ nguồn vốn của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư đề nghị tỉnh Nghệ An đầu tư đê chắn sóng và luồng tàu bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, giai đoạn 2010-2020, tỉnh không bố trí được ngân sách và năm 2016, tỉnh cũng đã đề nghị Trung ương đầu tư từ nguồn vốn ODA nhưng không được phê duyệt. Do đó, sau gần 12 năm, dự án vẫn chưa triển khai xây dựng.
Bãi biển thuộc xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc - nơi sẽ xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò. |
Từ đầu năm 2021, nhà đầu tư có kế hoạch khởi động lại dự án, dự kiến khởi công vào Quý 4/2022 và hoàn thành vào Quý 4/2025; Đồng thời, nhà đầu tư đề nghị tỉnh đầu tư tuyến cầu dẫn nối từ Quốc lộ 7C ra khu bến cảng ngoài khơi, dài 3270m, rộng 11m, với tổng mức đầu tư 1.789 tỷ đồng. Nhà đầu tư sẽ đầu tư các công trình như đê chắn sóng, luồng và thiết bị báo hiệu hàng hải phục vụ cho 2 bến đã cấp phép.
Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghệ An cũng xác định tập trung đầu tư hoàn thành cảng nước sâu Cửa Lò và Khu hậu phương cảng (110ha), kết nối với khu công nghiệp, hậu cần cảng biển Yên Quang (450ha) theo trục Quốc lộ 7C, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu trên địa bàn tỉnh, khu vực miền Tây Nghệ An và Lào, Đông Bắc Thái Lan (theo tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Viên Chăn).
Người đứng đầu Chính phủ kết luận về phương án và những yêu cầu đặt ra đối với dự án Cảng nước sâu Cửa Lò. |
Qua khảo sát, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương Nghệ An đầu tư cảng nước sâu theo hình thức kêu gọi xã hội hóa có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Theo Thủ tướng, với các KCN lớn đã và đang đầu tư Nghệ An cần phải phát triển cảng biển nước sâu. Đồng thời với lộ trình sáp nhập Tp Vinh và Thị xã Cửa Lò, đây là điều kiện mở rộng thêm không gian phát triển. Thủ tướng yêu cầu Nghệ An cần tập trung nguồn lực đầu tư công cho cảng biển nước sâu và mở rộng sân bay Vinh để hoàn thành ngay trong nhiệm kỳ này.
Thủ tướng Chính phủ trao đổi với các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại công trường thi công tuyến đường ven biển đoạn qua huyện Nghi Lộc, Nghệ An. |
Tiếp đó, Thủ tướng đã đến khảo sát dự án đường ven biển tỉnh Nghệ An. Dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) có chiều dài tuyến là 64,47 km, đi qua địa bàn 5 huyện, Thị xã. Dự án có tổng mức đầu tư 4.651 tỷ đồng và năm 2022 được bố trí 1.620 tỷ đồng, gồm 1.450 tỷ ngân sách Trung ương và 170 tỷ đồng ngân sách địa phương, hiện đã giải ngân gần 70%. Theo Sở GTVT Nghệ An, phần tuyến của dự án dự kiến hoàn thành trong quý II/2024, còn phần cầu dự kiến hoàn thành trong tháng 2/2024.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các nhà thầu, chủ đầu tư tăng cường phối hợp chặt chẽ trong quá trình thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần giao ban cũng như thanh toán khối lượng hàng tuần để khuyến khích các đơn vị thi công. Riêng vấn đề mỏ vật liệu phục vụ công trình nguyên tắc phải giao cho chủ đầu tư hoặc nhà thầu, tuyệt đối không giao qua khâu trung gian.
Người đứng đầu Chính phủ trực tiếp đến công trường thăm hỏi công nhân. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng quà công nhân đang thi công tuyến đường ven biển. |
Tại đây Thủ tướng đã ân cần thăm hỏi, động viên đội ngũ cán bộ, công nhân trên công trường, mong các cán bộ, công nhân giữ gìn tốt sức khỏe, bố trí thời gian thi công phù hợp nhất dưới trời nắng nóng, bảo đảm an toàn, năng suất, tiến độ và chất lượng công việc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho ý kiến về các phương án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 46 đoạn Vinh - Nam Đàn. |
Cũng trong sáng nay, Thủ tướng đã khảo sát, nghe báo cáo về các phương án mở rộng Quốc lộ 46 C đoạn nối từ thành phố Vinh về thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin