Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, vừa phát hành ấn phẩm "Danh họa Bùi Trang Chước và những tuyệt phẩm đi cùng năm tháng". Cuốn sách tổng hợp nhiều tài liệu quý, tác phẩm để đời của cố họa sĩ, trong đó có bảo vật quốc gia gồm 112 mẫu phác thảo Quốc huy Việt Nam.
Năm 1951, để tiếp tục củng cố, thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước, đồng thời khẳng định chủ quyền dân tộc với thế giới, Bộ Ngoại giao đã gửi công văn số 87 đến Ban Thường trực Quốc hội đề nghị nghiên cứu thiết kế mẫu Quốc huy, Quốc ấn cho đất nước.
Năm 1953, họa sĩ Bùi Trang Chước được biệt phái làm nhiệm vụ sáng tạo mẫu bằng khen, huân chương, huy chương cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại đây, ông tham gia cuộc thi sáng tác mẫu Quốc huy Việt Nam.
Hai mẫu phác Quốc huy của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do họa sĩ Bùi Trang Chước vẽ. |
Trong bút tích nói về quá trình sáng tạo Quốc huy, họa sĩ Bùi Trang Chước kể đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu mẫu Quốc huy của các nước, sự vận dụng hình ảnh, văn hóa, đất nước, con người vào biểu tượng từng quốc gia. Các nước đều dùng hình ảnh bông lúa, lưỡi liềm, búa hay bánh xe để tượng trưng cho công, nông, nghiệp, bên trong dùng hình tượng mang đặc điểm của đất nước, dân tộc.
Dựa trên những gợi ý đó, họa sĩ Chước phác thảo một số mẫu Quốc huy với nhiều ý tưởng, tập trung quanh hình ảnh bông lúa Việt Nam, cái đe hoặc bánh xe có răng để thể hiện cho công, nông, nghiệp. Bên trong, ông vẽ thêm hình tượng con trâu, cây tre, nhưng những hình này lại trùng với biểu tượng một số nước Á Đông khác. Do đó, ông chuyển sang vẽ một số địa danh nổi tiếng như tháp Rùa, Khuê Văn Các, chùa Một Cột, gò Đống Đa, Ô Quan Chưởng...
Sau khi xem xét, chính họa sĩ cũng nhận xét những phác thảo này về hình dáng còn rắc rối, cầu kỳ, nội dung cũng chưa ổn. Ông tự thấy hình vẽ chưa đẹp, cái thì liên quan nhiều đến tôn giáo, cái thì mang tính chất lai căng...
Phác thảo Quốc huy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bản vẽ màu của họa sĩ Bùi Trang Chước với cây cổ thụ phía sau cửa đền Hùng, dải lụa đỏ uốn quanh những bông lúa chín vàng, bánh xe, ngôi sao vàng 5 cánh. Mẫu Quốc huy này tượng trưng cho dân tộc Việt Nam là dòng dõi con cháu lạc hồng. |
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, họa sĩ Bùi Trang Chước quyết định lựa chọn vẽ mẫu Quốc huy trên khung hình tròn, mang tính truyền thống, giản dị; bên trong là nền đỏ và ngôi sao năm cánh. Theo họa sĩ, hình ảnh quốc kỳ được nhiều quốc gia lựa chọn đưa lên Quốc huy, vì vậy nền đỏ và ngôi sao vàng là "biểu tượng cho đất nước, dân tộc, vừa giản dị, vừa đẹp, vừa có ý nghĩa Đảng lãnh đạo cách mạng, có ngôi sao sáng dẫn đường".
Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam cuối cùng của ông là hình tròn, hai bên là các bông lúa Việt Nam, có mấy bông rủ vào bên trong ôm cái đe ở giữa phía dưới, dưới đe là dải lụa có chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phía trên bên trong là ngôi sao vàng trên nền đỏ, dưới ngôi sao gần giữa trung tâm là vòng cung mặt trời, có tia chiếu sáng xung quanh, gợi lên hình ảnh buổi bình minh. Toàn bộ Quốc huy dùng hai màu vàng và đỏ, màu cổ truyền của hoành phi câu đối.
"Các mẫu này sau đó được trình Bác Hồ, Bác góp ý: Hình tượng cái đe là thủ công nghiệp cá thể, nên dùng hình tượng tượng trưng cho nền công nghiệp hiện đại", theo bút tích của cố họa sĩ.
Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam, bản vẽ có màu, có hình mặt trời mọc tỏa sáng nắng vàng, dải lụa mềm uốn quanh những bông lúa chín vàng, cái đe thể hiện nền thủ công nghiệp, ngôi sao vàng 5 cánh. |
Sau khi chỉnh sửa theo góp ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mẫu Quốc huy vẫn giữ nguyên các chi tiết như ban đầu, chỉ có hình tượng cái đe được thay bằng bánh xe, gốc các bông lúa bắt chéo nhau tạo thành đế Quốc huy thót hai đầu cho gọn. Ngoài ra, phía bên trong nền là ngôi sao, dưới ngôi sao để trống cho thoáng, không còn mặt trời và tia chiếu sáng xung quanh.
Bà Bùi Minh Thủy, con gái cố họa sĩ, cho biết để ra được mẫu vẽ Quốc huy được Quốc hội thông qua là quá trình dày công, tâm huyết với rất nhiều bản thảo, từ những chi tiết đầu tiên cho tới mẫu cuối cùng. Để có được những hình ảnh rất thật trên Quốc huy, cha bà đã phải lội xuống ruộng, hái bông lúa lên, nghiên cứu hình ảnh chúng rủ xuống để vẽ.
Tiểu ban nghiên cứu của Quốc hội năm 1955 khi báo cáo về mẫu Quốc huy được họa sĩ Bùi Trang Chước vẽ đã cho rằng mẫu Quốc huy lấy Quốc kỳ làm nội dung rất ý nghĩa. Tiểu ban nhận thấy ngôi sao vàng trên nền đỏ thắm là tượng trưng cho lịch sử cách mạng dân tộc, cho tiền đồ xán lạn của đất nước. "Đây là hình ảnh đẹp nhất và xứng đáng nhất để làm nền cho Quốc huy của chúng ta", báo cáo nêu.
Năm 2021, tập phác thảo mẫu Quốc huy của Họa sĩ Bùi Trang Chước đã được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia Việt Nam.
Quốc huy chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. |
Ngoài Quốc huy, họa sĩ Bùi Trang Chước còn sáng tác nhiều mẫu huân chương, huy chương, huy hiệu. Tiêu biểu như mẫu Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Độc lập, Lao động; Huy hiệu Tổng công đoàn Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, du kích, thanh niên tích cực Thủ đô, Bắc Hưng Hải; Giấy mừng công; Bảng vàng danh dự... Ông có công lớn trong những mẫu phác thảo mẫu tem bưu chính, mẫu phiếu và mẫu giấy bạc (tiền) Việt Nam...
Ghi nhận tài năng và công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất. Đặc biệt, tên ông đã được đặt thành tên phố, tên đường ở Hà Nội và TP Đà Nẵng.
Ngày 14/1/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh về việc ban bố mẫu Quốc huy của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mẫu gồm: Hai lô lúa chín uốn cong màu vàng sẫm, trên nền vàng tươi, tượng trưng cho nông nghiệp; một bánh xe răng cưa đặt ở giữa hai bó lúa về phía gốc, màu vàng tươi, tượng trưng cho công nghiệp; một băng đỏ, có chữ "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" màu vàng, quấn bánh xe và hai bó lúa với nhau; trong lòng là hình Quốc kỳ nền đỏ thắm, sao vàng tươi. Năm 1976, khi đất nước thống nhất, mẫu Quốc huy được sửa đổi phần quốc hiệu. Vì vậy, Quốc huy Việt Nam chính thức mang dòng chữ (in hoa) "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin