Chủ trì phiên họp có các đ/c: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Toàn cảnh phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh. |
Phát biểu khai mạc phiên họp thường kỳ tháng 9, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị Chủ tịch UBND các huyện tuỳ theo tình hình diễn biến thiên tai, có thể không phải tham dự cuộc họp để tập trung đi cơ sở chỉ đạo, khắc phục hậu quả của đợt mưa lớn sau hoàn lưu bão số 4.
Sau đợt mưa lớn vào tối qua, nhiều địa phương của Nghệ An đã xuất hiện tình trạng ngập lụt; nước nhiều sông suối dâng cao, nhất là tại các huyện Quỳnh Lưu, Thanh Chương mưa lớn đã đe doạ đến an toàn hồ đập, giao thông đi lại… Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các địa phương sớm ổn định tình hình đời sống nhân dân, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng của thiên tai.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại phiên họp. |
Nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm của Nghệ An đã từng bước phục hồi và đạt được những kết quả quan trọng. Riêng tốc độ tăng trưởng của quý 3 đạt 11,68%. Về xây dựng NTM, TX Hoàng Mai đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, huyện Quỳnh Lưu đạt chuẩn Nông thôn mới. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng ước tăng 9,69% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 191.100 tỷ đồng, cao hơn mức cùng kỳ 6,9%; tổng dư nợ của các tổ chức và chi nhánh tín dụng ước đạt trên 266.460 tỷ đồng, tăng 9,8% so với đầu năm.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng ước thực hiện gần 15.730 tỷ đồng, đạt hơn 105% dự toán, bằng 111,7% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 21.891 tỷ đồng, đạt 70,5% dự toán. Thu hút đầu tư có nhiều kết quả tích cực. Đến ngày 20/9, tỉnh Nghệ An đã cấp mới cho 80 dự án và điều chỉnh 79 lượt dự án, tăng cao so với cùng kỳ. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm gần 31.490 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An được lọt vào tốp 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Tính đến ngày 20/9, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân đạt 30,85%; nếu không tính các khoản chưa phân bổ chi tiết đã giải ngân đạt 37,88%.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi phát biểu tại phiên họp. |
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND các huyện cũng đã báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH. Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân đầu tư công, chính quyền các huyện cũng đề nghị các sở, ngành hướng dẫn, tháo gỡ một số vướng mắc về công tác thẩm định hồ sơ, đấu thầu…
Kiến nghị tỉnh hỗ trợ nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai, tái định cư cho các vùng bị sạt lở… các Sở ngành cũng đã đề xuất, yêu cầu một số nội dung để các địa phương cần tập trung: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy hoạch sử dụng đất 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất 2022; chấn chỉnh các vi phạm liên quan đến xây dựng cơ bản tại một số dự án…
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu tại phiên họp. |
Trên cơ sở phát biểu của các Sở, ngành, địa phương, kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết: Bức tranh KT-XH của tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2022 có nhiều kết quả và điểm nhấn rất quan trọng. Nghệ An là một trong các địa phương kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, dịch sốt xuất huyết. Kinh tế tiếp tục phục hồi nhanh và tích cực. Nếu như trong quý 1, tốc độ tăng trưởng chỉ mới đạt 6,51% - thấp hơn dự báo thì đến 9 tháng đầu năm đã tăng lên 9,22%. Thu ngân sách đã đạt 105% dự toán giao, trong đó có 18/21 huyện, thị hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách. Thu hút đầu tư tăng cao so với cùng kỳ, nhất là vốn FDI… Lĩnh vực văn hoá - xã hội, an sinh xã hội, việc làm đều có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động đối ngoại tạo được dấu ấn; Hoàn thành quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 cũng như dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm về Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Về Quốc phòng - An ninh, Nghệ An cũng đã hoàn thành diễn tập khu vực cấp tỉnh và cấp huyện, được Quân khu 4 đánh giá cao…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận tại phiên họp. |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần phải tập trung khắc phục. Đó là dịch bệnh đã kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ; thiên tai, mưa lũ diễn ra khó lường. Biến động giá cả, thị trường đang tác động sâu đến đời sống và sản xuất, kinh doanh. Giải ngân vốn đầu tư công thấp. Quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản còn nhiều bất cập, kéo dài qua nhiều năm. Giải quyết thủ tục hành chính một số cơ quan, đơn vị, nhất là liên quan đến người dân, doanh nghiệp còn chậm và gây bức xúc trong nhân dân.
Trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tập trung triển khai trong quý 4. Đầu tiên là tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, trọng tâm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng của cả năm 2022… Bám sát kịch bản tăng trưởng đã đề ra, phấn đấu 3 tháng cuối năm đạt tốc độ tăng trưởng 8,9 – 9,7%... Theo tinh thần Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu UBND tỉnh yêu cầu phải sớm tham mưu để tập trung thực hiện một số nội dung quan trọng: tổ chức tốt hoạt động sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp; tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ; đảm bảo cân đối về thu chi ngân sách, tiêu dùng - xuất nhập khẩu, nhu cầu lương thực - thực phẩm, năng lượng và an sinh xã hội; Đồng thời tăng cường kiểm soát giá cả thị trường, quản lý cung cầu và các nguồn hàng thiết yếu; Chủ động nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, đề xuất của doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nếu vượt thẩm quyền phải báo cáo tỉnh để giải quyết.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự phiên họp. |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt các biện pháp phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ; rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, có thể xảy ra lũ ống, lũ quét, các điểm sơ tán nhằm đảm bảo an toàn tối đa về tính mạng và tài sản của người dân; Kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ lũ của các hồ thuỷ điện.
Về những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 10, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các Sở, ngành tiếp tục rà soát, chủ động lấy ý kiến thẩm định các Ban, Bộ, ngành TW về quy hoạch ngành gắn với quy hoạch tỉnh; Phối hợp Ban Kinh tế TW lấy ý kiến về tổng kết 10 năm về Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về Nghệ An; Quan tâm triển khai các thủ tục liên quan đến các dự án trọng điểm, nhất là Cảng nước sâu Cửa Lò và nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Vinh; Chuẩn bị các nội dung dự thảo nghị quyết cho kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh vào giữa tháng sau, trong đó có 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Người đứng đầu UBND tỉnh cũng yêu cầu một số Sở, ngành liên quan tham mưu, hoàn thiện thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2022 đối với các huyện còn lại; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tổ chức rà soát, công bố giá vật liệu xây dựng đúng và sát với thị trường; Sớm rà soát, cập nhật lại số liệu liên quan đến kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với Quốc lộ 1A đối với các địa phương từ Hoàng Mai vào Nghi Lộc để trình Thủ tướng; Sớm hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ đề án tổng thể điều chỉnh mở rộng KKT Đông Nam cũng như chủ trương về các KCN Thọ Lộc và Hoàng Mai 2; Tập trung chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật kỷ niệm 54 năm chiến thắng Truông Bồn.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự phiên họp. |
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các Sở, ngành phải đặt quyết tâm cao, thực hiện đúng cam kết, chịu trách nhiệm với Chủ tịch UBND tỉnh; Chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện trên tinh thần: tập trung, trọng điểm, không bố trí dàn trải và nằm trong phạm vi nguồn vốn được phân công; đảm bảo theo nguyên tắc đúng tiêu chí, đối tượng, thực hiện đến đâu dứt điểm đến đó. Chuẩn bị và trình kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Từ nay đến cuối năm, các ngành, địa phương phải tập trung để kiểm soát dịch bệnh, chủ động trang thiết bị vật tư y tế, thuốc điều trị; Kiểm tra, giám soát chặt chẽ tình trạng lạm thu, thu không đúng nguyên tắc trong trường học trong dịp đầu năm học mới; Quan tâm kết nối cung cầu lao động, giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ; Xử lý dứt điểm phụ cấp phòng chống dịch Covid-19 cho đội ngũ cán bộ y tế làm nhiệm vụ; Hoàn thành việc cấp phát, chi trả lương cho đội ngũ giáo viên mầm non hợp đồng.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự phiên họp. |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đạo đức đối với cán bộ, công chức; Tăng cường giải quyết các thủ tục, hồ sơ thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm hạn chế phát sinh tiêu cực. Tập trung hoàn thành xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH, đầu tưc công, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Về quốc phòng an ninh, tiếp tục tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, kiểm soát và đảm bảo ATGT trên địa bàn.
Về các kiến nghị của các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các Sở, ngành phối hợp để giải quyết và báo cáo cho UBND tỉnh. Xác định quý 4 là quý quan trọng, quyết định đến kết quả điều hành, phát triển KT – XH của cả năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị các cấp, các ngành nỗ lực, với quyết tâm cao nhất để phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của cả năm 2022./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin