|
|
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ |
Chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, từ ngày 30/10/2022 đến ngày 1/11/2022, đã thành công tốt đẹp và để lại những dấu ấn quan trọng trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc cũng được các chuyên gia, truyền thông trong nước và nước bạn đánh giá cao; coi đây là sự kiện vượt lên ý nghĩa của một chuyến thăm thông thường.
Làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về những thành công trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ nhấn mạnh, chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiến hành thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trung Quốc cũng vừa tiến hành thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra những mục tiêu phấn đấu "100 năm lần thứ 2", xây dựng Trung Quốc là cường quốc xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, hiện đại, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp.
Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc kể từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên sang thăm Trung Quốc sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc.
"Điều đó thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Trung Quốc và Trung Quốc cũng coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam. Còn nhớ cách đây 5 năm, sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng chọn Việt Nam là nước đầu tiên đi thăm", nguyên Đại sứ Nguyễn Văn Thơ chia sẻ.
Theo nguyên Đại sứ Nguyễn Văn Thơ, chuyến đi trong bối cảnh tình hình thế giới phát triển nhanh chóng, phức tạp, khó lường chưa từng có, như Trung Quốc đã đánh giá về cục diện thế giới là đang biến động chưa từng có trong vòng 100 năm qua.
Lãnh đạo hai nước đã đạt được những nhận thức chung rất quan trọng, để làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc; đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất hơn, hiệu quả hơn trên cơ sở phương châm 16 chữ: "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt: "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Nhận thức chung đó đã được thể hiện rất rõ trong Tuyên bố chung Việt Nam–Trung Quốc ngày 1/11/2022.
Hai bên đã đạt được những thỏa thuận quan trọng trên nhiều lĩnh vực từ xây dựng Đảng; hợp tác giữa các bộ, ngành; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, đào tạo, giao lưu nhân dân… rất toàn diện. Khẳng định hai bên mong muốn đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, ổn định hơn, lành mạnh hơn và thực chất hơn.
Hai bên cũng bàn rất sâu rộng về tình hình thế giới, đạt được những nhận thức chung rất quan trọng, tăng cường phối hợp hợp tác trên các diễn đàn quốc tế đa phương để cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định, phát triển phồn vinh ở khu vực và trên thế giới. Điều đó rất quan trọng trong bối cảnh trong nước của hai nước và tình hình quốc tế hiện nay.
Nguyên Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho rằng, tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, khó lường chưa từng có, lãnh đạo hai nước đã trao đổi, bàn bạc, xác định những đồng thuận để duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Việt Nam sẵn sàng tham gia sáng kiến của Trung Quốc như sáng kiến phát triển toàn cầu một cách phù hợp với tình hình, nhu cầu của Việt Nam. Việt Nam cũng ghi nhận một cách tích cực sáng kiến về an ninh toàn cầu của Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và hợp tác quốc tế.
"Hai bên có nhiều nhận thức chung về tình hình thế giới hiện nay, cùng nhau phối hợp, hợp tác trên các diễn đàn đa phương như: ASEAN, APEC, Liên Hợp Quốc… hay những tổ chức quốc tế đa phương khác, tạo môi trường hòa bình, ổn định cho Việt Nam và Trung Quốc phát triển. Đồng thời, duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Tất cả những điều đó đều được khẳng định trong Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc rất rõ ràng", nguyên Đại sứ Nguyễn Văn Thơ nói.
Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác thực chất, hiệu quả hơn, nền tảng xã hội được tăng cường
Đề cập đến những dấu ấn trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho rằng, hai nước đều mong muốn thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Quốc lên tầm cao mới với 3 điểm "hơn":
Thứ nhất, là tin cậy chính trị cao hơn thể hiện qua nghi thức đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của lãnh đạo Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc rất trọng thị, nồng ấm.
Có thể nói, trao đổi cấp cao giữa hai nước diễn ra thường xuyên, mặc dù từ năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hai bên không giao lưu, gặp gỡ trực tiếp nhưng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã 4 lần điện đàm, trao đổi những vấn đề hai nước quan tâm.
Chuyến thăm cấp cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ chế không thể thay thế nhằm định hướng cho phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời gian tới.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này cho thấy tin cậy chính trị giữa hai nước được nâng lên; lãnh đạo hai Đảng, hai nước cũng khẳng định phải tăng cường tin cậy chính trị giữa hai nước.
Thứ hai, là thông qua những Hiệp định, thỏa thuận đã ký kết, hai bên mong muốn hợp tác giữa hai nước thực chất hơn, hiệu quả hơn được thể hiện trên nhiều lĩnh vực từ: Kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, giao lưu nhân dân… 13 văn kiện hợp tác giữa hai Đảng, hai nước được ký kết trong chuyến thăm của Tổng Bí thư đến Trung Quốc đều thể hiện điều đó.
Thứ ba, là tăng cường nền tảng xã hội cho quan hệ hợp tác hữu nghị hai nước vững chắc hơn. Trong thỏa thuận tăng cường giao lưu nhân dân giữa các cấp, các ngành, các địa phương tạo đồng thuận xã hội, tạo nền tảng xã hội, nền tảng về ý dân, có lợi cho việc thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Điều đặc biệt quan trọng là hai bên đã bàn và xây dựng thẳng thắn về những vấn đề còn bất đồng giữa hai nước, nhất trí giải quyết những bất đồng trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau; thông qua thương lượng, hòa bình, giải quyết các mâu thuẫn trên cơ sở Luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, không làm phức tạp thêm tình hình, không mở rộng thêm tranh chấp, bất đồng; tăng cường hợp tác trên biển, hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển để khu vực biển Đông là khu vực hòa bình, hợp tác, hữu nghị. Đó là những điểm toát lên nhất của chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Khẳng định quyết tâm để duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới
Nguyên Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho biết, 72 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc (ngày 18/1/1950) cho đến nay, mặc dù có những thăng trầm nhưng dòng chảy chính vẫn là hợp tác và hữu nghị. Hiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc tồn tại 3 vấn đề do lịch sử để lại, 2 vấn đề đã được giải quyết.
Vấn đề thứ nhất là hoàn thành phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới. Đây thành tựu to lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam; tạo biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, tăng cường hợp tác hai bên cùng có lợi.
Vấn đề thứ hai là đã hoàn thành phân định Vịnh Bắc Bộ rất rõ ràng, tạo điều kiện cho hai bên giao thương, làm ăn diễn ra được thuận lợi.
Còn duy nhất vấn đề biển Đông, nguyên Đại sứ Nguyễn Văn Thơ cho rằng, vấn đề này không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Hai bên nhận thức được điều đó, đây cũng là tồn tại khách quan. Lãnh đạo hai nước cũng nhiều lần bàn về vấn đề này và đạt được những thỏa thuận chung rất quan trọng là phải giải quyết trên cơ sở Luật pháp quốc tế, trên cơ sở thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Hai bên lần này cũng nhất trí tích cực thúc đẩy bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển và bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy hai việc trên sớm đạt tiến triển thực chất. Hai bên sẵn sàng tiếp tục tích cực triển khai hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển; tích cực trao đổi về đi sâu, mở rộng hợp tác trên biển tại Vịnh Bắc Bộ trên cơ sở đáp ứng lợi ích thiết thực của cả hai bên. Những điều này thể hiện rất rõ, cụ thể trong Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc, thể hiện hai bên đã bàn bạc rất thẳng thắng, rất xây dựng, trách nhiệm.
"Hy vọng với quyết tâm của hai Đảng, hai Nhà nước chúng ta sẽ tìm ra giải pháp để duy trì hòa bình, ổn định, cơ bản, lâu dài về vấn đề này nhằm thúc đẩy hợp tác, hữu nghị, theo phương châm 16 chữ và tinh thần láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt mà hai Đảng, hai nước đã nhiều lần khẳng định", nguyên Đại sứ Nguyễn Văn Thơ nhấn mạnh.
Cùng nhau thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ngày càng phát triển lành mạnh, ổn định
Đề cập đến đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, trong đó có công tác đối ngoại nhân dân với Trung Quốc thời gian qua, nguyên Đại sứ Nguyễn Văn Thơ nhấn mạnh, Việt Nam rất coi trọng đối ngoại nhân dân, coi đây là một trong 3 trụ cột của hoạt động đối ngoại bao gồm, đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân.
Từ đó tạo thành 3 mặt trận để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy với các nước.
Ngoại giao nhân dân với Trung Quốc trong thời gian qua có nhiều hoạt động sôi nổi. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, chưa đầy 1 tháng sau, Hội Nghị hữu nghị Việt-Trung đã được thành lập nhằm thúc đẩy tạo nền tảng xã hội, tăng cường hữu nghị hợp tác lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở cả hai nước.
Trong thời gian qua, ngoại giao nhân dân đã đạt được những thành tựu quan trọng, trong đó có tổ chức các diễn đàn nhân dân giữa hai bên; trao đổi rất thẳng thắn, xây dựng về những vấn đề liên quan giữa hai nước, làm cơ sở gợi ý chính sách cho Đảng và Chính phủ trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định ngay cả trong thời kỳ hai nước còn khó khăn, góp phần tăng cường hữu nghị, tin cậy giữa nhân dân hai nước.
Nhiều hoạt động như: Diễn đàn nhân dân, giao lưu nhân biên giới, giao lưu hữu nghị Việt - Trung, Du lịch đỏ theo chân Bác, triển lãm ảnh, giao lưu văn hóa nghệ thuật, tri ân những đóng góp, giúp đỡ to lớn của Trung Quốc trong hai cuộc kháng chiến chống Mỹ, Pháp, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội; đón tiếp các đoàn cựu chiến binh, thân nhân của gia đình, cố vấn chuyên gia sang giúp đỡ Việt Nam… được tổ chức.
Thông qua những hoạt động gắn bó trên cho thấy, Việt Nam không quên sự giúp đỡ to lớn của Đảng, Chính phủ Trung Quốc; đồng thời góp phần giúp thanh niên hai nước hiểu hơn về tình hữu nghị giữa hai quốc gia, dân tộc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo tiền bối đích thân gây dựng, dày công vun đắp, là tài sản quý báu của nhân dân hai nước, cần tiếp tục được kế thừa tốt, bảo vệ tốt và phát huy tốt như trong Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc đã khẳng định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin