Hội thảo phát triển KTXH và đảm bảo QPAN tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045

08:45, 20/12/2022
Nhằm có thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn, phục vụ công tác tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26  của Bộ Chính trị, sáng 20/12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội đồng lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. 

Hội thảo có sự tham dự và chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội. 

 

Toàn cảnh hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các viện nghiên cứu, trường đại học; các chuyên gia, nhà khoa học. Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo các Sở, ngành.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu mở đầu hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý khẳng định: Khát vọng đưa Nghệ An phát triển tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế vẫn luôn là mục tiêu trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh Nghệ An. Đồng thời, qua thực tiễn gần 10 năm triển khai Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, tỉnh Nghệ An rất mong muốn có một cơ chế và nguồn lực đủ mạnh, có tính đột phá cao để cộng hưởng với sự đoàn kết, nỗ lực trong toàn Đảng bộ và nhân dân, đưa tỉnh nhà tiến nhanh, tiến vượt trong giai đoạn mới. 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An tại hội thảo.

Chính vì thế, với tinh thần cầu thị, nghiêm túc và thẳng thắn, qua hội thảo lần này, tỉnh Nghệ An hy vọng sẽ tiếp thu được nhiều ý kiến quý báu từ 3 giác độ: giác độ các chuyên gia, nhà khoa học, giác độ tỉnh Nghệ An và giác độ các cơ quan quản lý. Thông qua các tham luận chuyên sâu trên từng lĩnh vực sẽ giúp tỉnh Nghệ An và Ban Chỉ đạo nhìn nhận toàn diện hơn về những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, những bài học kinh nghiệm trong 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị. Đồng thời, sẽ giúp làm sáng tỏ hơn bối cảnh, thời cơ, thách thức, điểm mạnh, điểm yếu và định vị Nghệ An trong giai đoạn mới; đặc biệt là xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An từ nay đến năm 2030 - dấu mốc 1000 năm danh xưng Nghệ An, có tính đến năm 2045. 

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu định hướng hội thảo. 

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng trong phát biểu đề dẫn hội thảo đã đặt ra các câu hỏi: Vì sao đến nay Nghệ An vẫn nằm trong top những tỉnh phải nhận điều chuyển trợ cấp ngân sách từ Trung ương và sau nhiều năm phấn đấu? Một tỉnh có nguồn lao động dồi dào, giáo dục được khẳng định vị trí top đầu nhưng vẫn loay hoay với bài toán phát triển các ngành công nghệ cao, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo? Một tỉnh được hưởng những cơ chế đặc thù, có nguồn tài nguyên phong phú, có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng vẫn chưa thể thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược? 
Làm sao để thoát khỏi “nghịch lý phát triển của xứ Nghệ” theo các chuyên gia, nhà khoa học cần định vị thật đúng Nghệ An của vùng và quốc gia, nhận diện lại lợi thế và nhất là bất lợi thế của tỉnh trên quan điểm phát triển hiện đại, nhất là ở những khâu đột phá về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng trong bối cảnh đẩy mạnh liên kết vùng, hội nhập quốc tế, chuyển đổi số. Thông qua đó, phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế và hóa giải những khó khăn, bất cập, điểm nghẽn trong sự phát triển của tỉnh. Bên cạnh không gian phát triển mới thì nguồn lực phát triển mới và lĩnh vực phát triển mới phải được đặc biệt chú trọng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An tại hội thảo. 

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐLL Trung ương nhấn mạnh: “Trong thể chế, công nghệ và con người thì con người đóng vai trò quyết định nhất trong quá trình phát triển. Đối với Nghệ An, điều này lại càng quan trọng. Nghệ An cần thực hiện thực chất, nhất quán và hiệu quả hơn chủ trương “Trải thảm đỏ mời gọi nhân tài” như nhiều địa phương khác. Biến xứ Nghệ, với truyền thống đất học, nơi sản sinh nhiều danh nhân văn hoá, những chiến sỹ cách mạng kiên trung, trở thành vùng đất của những doanh nhân nổi tiếng, các nhà đầu tư chiến lược, của tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. Biến sức mạnh và tinh thần cần cù lao động, vượt khó để tìm đến sự học và tri thức của người xứ Nghệ trở thành khát vọng phát triển, ý chí làm giàu, xây dựng quê hương đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”

Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo một số bộ dự hội thảo.

Thực tế hơn hai thập kỷ qua, GRDP bình quân đầu người của Nghệ An luôn chỉ ở mức 2/3 bình quân cả nước đã cho thấy một nguy cơ hiện hữu Nghệ An rơi vào “bẫy tỉnh thu nhập trung bình”. Do vậy, tìm ra những lĩnh vực phát triển mới để giúp Nghệ An bứt phá vươn lên đã trở thành đòi hỏi thực tiễn khách quan trong giai đoạn mới. Dự thảo Quy hoạch tỉnh Nghệ An cũng đã xác định năm lĩnh vực trụ cột phát triển của tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo Quốc hội dự hội thảo. 

Trong đó, công nghiệp là động lực đột phá, thương mại, dịch vụ hiện đại là mũi nhọn, nông nghiệp sạch là nền tảng. Tuy nhiên, theo các tham luận tại hội thảo, Nghệ An cần chuyển dịch từ các hoạt động sản xuất thâm dụng vốn và tài nguyên sang các hoạt động sản xuất thông minh, dựa trên đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Chú trọng thu hút những dự án lớn, mang tính chiến lược, có tác động lan toả, tạo cú hích giúp chuyển biến tình hình để mang lại đột phá phát triển trong những lĩnh vực trụ cột. Theo đó, tỉnh có thể chủ động phát triển một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh, như: Công nghiệp phục vụ nông nghiệp sinh thái; công nghiệp hóa dược nhằm khai thác tiềm năng nguồn dược liệu ở khu vực miền Tây Nghệ An.

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Kinh tế Việt Nam trình bày tham luận với chủ đề: “Sứ mệnh, trọng trách và các vấn đề đặt ra cho Nghệ An sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26".

Sau khi nghe các tham luận với các chủ đề đại diện cho các ngành, lĩnh vực cơ bản về phát triển bền vững như: công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, văn hóa,... để có thêm những căn cứ khoa học và thực tiễn, có thêm nhiều góc nhìn hơn, tại hội thảo các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đã cung cấp thêm các vấn đề mới, các vấn đề cần làm rõ, bổ sung.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại hội thảo.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á tham luận. 
Đồng chí Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu thảo luận tại hội thảo. 

Theo đó, phải có các cơ sở hạ tầng phù hợp, nhất là phải giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng như: cảng biển nước sâu, sân bay, hạ tầng KCN, hạ tầng số. Đồng thời, phát huy ở mức cao nhất giá trị văn hóa, bản sắc xứ Nghệ An, con người Nghệ An, làm sao cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh.

Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW phát biểu tổng kết hội thảo. 

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26- nhấn mạnh: các tham luận và nội dung trao đổi tại hội thảo và trong kỷ yếu đều rất sâu sắc, toàn diện; không chỉ dừng lại ở việc đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, mà còn tập trung làm rõ các ưu điểm, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm phát triển nhanh, bền vững tỉnh Nghệ An thời gian tới. Trên cơ sở tổng kết 8 nội dung cơ bản đã trao đổi, thay mặt Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh bày tỏ sự đánh giá cao, trân trọng các góp ý của các đại biểu tại hội thảo vì sự phát triển của tỉnh Nghệ An, đóng góp cho thành công của hội thảo và đưa ra những gợi ý quan trọng để hoàn thiện Đề án tổng kết Nghị quyết 26, trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định trong thời gian tới.

Xuân Hướng – Cảnh Toàn

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện