Thành phần tham dự gồm các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo các cơ quan, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Đại diện nhiều ngân hàng lớn sẽ tham gia Hội nghị này, gồm: Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, Techcombank, VPBank..
Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng chuẩn bị 60 bộ tài liệu và báo cáo phát tại điểm cầu trụ sở Chính phủ và chịu trách nhiệm gửi tài liệu đến các điểm cầu địa phương dự Hội nghị.
Lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản lớn như Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh Land, GP.Invest, IMG, Becamex IDC Bình Dương, các hiệp hội bất động sản và chuyên gia kinh tế, tài chính...sẽ cùng thảo luận với Thủ tướng, các phó thủ tướng, lãnh đạo bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Doanh nghiệp kỳ vọng nhiều nút thắt được tháo gỡ sau Hội nghị thúc đẩy thị trường Bất động sản. (Ảnh minh họa) |
Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, hai nút thắt lớn nhất của thị trường bất động sản đang là pháp lý và nguồn vốn, khiến các doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng nặng nề, còn người dân cũng khó tiếp cận nhà ở.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã nhiều lần nhấn mạnh pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp và dự án bất động sản hiện nay. Chỉ riêng tại TP.HCM, trong năm 2022, HoREA đã có 3 đợt kiến nghị lên Tổ công tác của Thủ tướng và các cơ quan có thẩm quyền để xem xét tháo gỡ pháp lý cho 149 dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, đô thị.
Tại hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 8/2, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho biết đang có hơn 100 luật, nghị định, thông tư khác nhau liên quan đến kinh doanh bất động sản với nhiều chồng chéo, mâu thuẫn. Dù các bộ, ngành thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa nhưng vẫn chưa theo kịp thực tế, gây lúng túng cho các địa phương trong quá trình thực hiện.
Trước những thực trạng này, thời gian qua Thủ tướng đã liên tục đốc thúc Bộ Xây dựng chủ trì hoàn thiện các dự thảo Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để sớm trình Quốc hội thông qua. Theo lộ trình, các luật này nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Tuy nhiên, sửa sao cho đồng bộ và đảm bảo tính hiệu quả trong thực thi vẫn đang là bài toán khó.
Về nguồn vốn, tại Hội nghị Tín dụng bất động sản hôm 8/2, ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT Vinhomes - cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản đang phải chịu hệ số rủi ro cao lên tới 200% so với các hoạt động kinh doanh thông thường. Do đó, lãi suất đi vay cũng phải ở mức cao hơn. Bên cạnh đó, việc room tín dụng đối với lĩnh vực này bị hạn chế cũng là một nguyên nhân khiến lãi suất cho vay bị đẩy lên.
Việc vướng mắc tiếp cận tín dụng của bất động sản còn liên quan đến tài sản đảm bảo khi các ngân hàng yêu cầu tỷ lệ tài sản đảm bảo trên vốn vay cao hơn các khoản vay thông thường.
Ngoài ra, các doanh nghiệp kiến nghị, việc nới room cũng là điều cần thiết để doanh nghiệp có nguồn vốn kinh doanh, đồng thời qua đó gia tăng niềm tin ở các trái chủ để họ tiếp tục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Chỉ tính từ tháng 11/2022 đến nay, Thủ tướng đã 5 lần chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực đầu tàu của nền kinh tế. Đặc biệt, Thủ tướng còn thành lập Tổ công tác về rà soát, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn về mọi mặt cho lĩnh vực này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin