Thời sự - Chính trị

Hội Cựu chiến binh là điểm tựa, là ngôi nhà chung tập hợp đoàn kết, quy tụ những người “lính Cụ Hồ”

17:46, 13/06/2023
NTV trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH Tỉnh tại buổi gặp mặt cán bộ Chủ chốt Hội Cựu Chiến binh tỉnh, diễn ra chiều 13/6/2023 tại TP Vinh. 
Bí thư Tỉnh ủy  Thái Thanh Quý.

 - Thưa các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ, BCH Hội Cựu Chiến binh tỉnh Nghệ An!
- Thưa toàn thể các đồng chí!

 Vừa qua, đồng chí Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh có đặt vấn đề với Tôi là dành thời gian để nói chuyện, thông tin một số tình hình của tỉnh cho cán bộ chủ chốt Hội Cựu Chiến binh tỉnh nhân dịp tập huấn nghiệp vụ, quán triệt Nghị quyết đại hội các cấp, nhiệm kỳ 2022 - 2027. 
Tôi thấy việc này rất ý nghĩa và đã sắp xếp để chiều hôm nay có buổi gặp gỡ, trao đổi, thông tin, nói chuyện với các đồng chí. 
Trước hết, thay mặt lãnh đạo tỉnh và với tình cảm cá nhân, Tôi trân trọng gửi tới các đồng chí cán bộ chủ chốt Hội Cựu chiến binh tỉnh những lời chúc tốt đẹp nhất. 

Thưa các đồng chí!
Tôi đánh giá rất cao tinh thần khẩn trương, kịp thời, nghiêm túc của BCH Hội Cựu Chiến binh tỉnh khi tổ chức Hội nghị triệt Quán triệt Nghị quyết và Chương trình hành động thực hiện Đại hội CCB Việt Nam khóa 7, nhiệm kỳ 2022-2027; tập huấn chuyên sâu một số chuyên đề quan trọng gắn với thực hiện Nghị quyết đại hội Hội Cựu chiến binh tỉnh khóa 7. Bố trí một lượng thời gian thỏa đáng 3 ngày, được chuẩn bị chu đáo, bài bản, đầy đủ các thành phần từ cán bộ cựu chiến binh chủ chốt cấp xã, cấp huyện, BCH, BTV, Thường trực Tỉnh hội (số lượng 151 người). 
Qua đây, một lần nữa minh chứng rằng, phẩm chất, tác phong rất tốt đẹp của những người lính cụ Hồ tiếp tục được phát huy. 

Thưa các đồng chí!
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc ta, Nghệ An tự hào là vùng đất nổi tiếng về truyền thống kiên cường đánh giặc, giữ nước. Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, người Nghệ An cũng đã có những đóng góp xứng đáng cho đất nước, cho sự trường tồn của dân tộc. 
- Từ khi có Đảng lãnh đạo, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Nghệ An một lần nữa trở thành “địa chỉ đỏ” cách mạng, hàng vạn người con ưu tú đã nối tiếp nhau tham gia lực lượng vũ trang nhân dân, trực tiếp chiến đấu, tham gia phục vụ chiến đấu. Toàn tỉnh đã có trên 500 nghìn người tham gia quân đội; hơn 45 nghìn người tham gia thanh niên xung phong; hơn 120 nghìn người tham gia dân công hoả tuyến, dân quân du kích, trên 900 cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày; hơn 45 nghìn liệt sỹ; hơn 40 nghìn thương binh; gần 1.200 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; trên 11 nghìn bệnh binh…
- Trong lửa đạn chiến tranh, người Nghệ An đã thể hiện tinh thần dũng cảm, sáng tạo, bản lĩnh, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách gian nguy để hoàn thành nhiệm vụ. Trên tiền tuyến, thì chiến đấu anh dũng, cùng quân và dân cả nước đánh bại kè thù; nơi hậu phương, thì không ngại gian khổ hy sinh, vượt qua “mưa bom, bão đạn”, mở đường, tải đạn, tiếp lương cho tiền tuyến đánh giặc. Đi qua chiến tranh, nhiều đồng chí lại tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ, kinh nghiệm của mình cho sự phát triển của quân đội và quê hương; nhiều đồng chí sau khi rời quân ngũ, tích cực tham gia các phong trào của Hội Cựu chiến binh từ tỉnh đến cơ sở, qua đó góp phần xây dựng tổ chức Hội Cựu chiến binh ngày càng lớn mạnh, hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, mang dấu ấn, màu sắc riêng và đạt hiệu quả tích cực. Theo tôi, Hội có 3 điểm nổi bật quan trọng:
+ Hội Cựu chiến binh là điểm tựa, là ngôi nhà chung tập hợp đoàn kết, quy tụ những người “lính Cụ Hồ”, những người từng rèn luyện trong môi trường quân đội để cùng nhau chia sẻ, động viên, giúp đỡ vui buồn trong cuộc sống. Tập hợp, động viên đông đảo cán bộ, hội viên gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Trung ương và địa phương (Các hội viên cựu chiến binh đã tự nguyện hiến hàng trăm nghìn m2 đất và tài sản trên đất, đóng góp hàng nghìn ngày công để xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Quyên góp ủng hộ tiền, công sức xây dựng hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa cho hội viên cựu chiến binh nghèo và tham gia tốt công tác chính sách xã hội trên địa bàn; đóng góp hàng tỷ đồng tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19... Cùng với các ban, ngành chức năng, giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho cựu chiến binh, giúp thân nhân gia đình đồng đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ hy sinh trên các chiến trường; Động viên, hỗ trợ hàng ngàn hội viên vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định; Nhiều hội viên cựu chiến binh đã tiên phong, đi đầu trong đầu tư vào sản xuất trở thành tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế; nhiều Công ty, doanh nghiệp do cựu chiến binh làm chủ kinh doanh, làm ăn phát đạt, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động và đóng góp vào thu ngân sách cho tỉnh. 
+ Các cấp Hội là điểm dựa tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, nhất là đã chủ động, kiên quyết đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, âm mưu và hành động phá hoại của các đối tượng phản động, thế lực thù địch; tham gia xây dựng Đảng; tham gia các cương vị lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
+ Hội Cựu chiến binh và cá nhân các hội cựu chiến binh là điểm dựa vững chắc dìu dắt, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ; nhiều đồng chí là hạt nhân tiêu biểu đoàn kết ở cơ sở, được nhân dân quý trọng, tin tưởng. 
Chính sự hoạt động tích cực, hiệu quả của Hội Cựu chiến binh tỉnh đã góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hết sức trân trọng, ghi nhận những đóng góp quan trọng, cụ thể, hiệu quả của toàn thể cán bộ, hội viên Hội cựu chiến binh tỉnh nhà.

Thưa các đồng chí!
 Như Ban Tổ chức Hội nghị đã đặt vấn đề là mong muốn tôi cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, một số định hướng lớn trong phát triển của tỉnh thời gian tới. 
Để hoàn thành nhiệm vụ của Ban Tổ chức đặt vấn đề, tôi làm rõ 3 câu hỏi sau: 
 - Nghệ An đang đứng ở đâu trong bức tranh kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước?
 - Đường hướng, lộ trình đích đến của Nghệ An trong ngắn hạn và dài hạn như thế nào? (chính là quan điểm, mục tiêu phát triển)
- Nghệ An sẽ đi đến đích bằng cách nào? (chính là giải pháp)

Trả lời câu hỏi thứ nhất: Nghệ An đang đứng ở đâu trong bức tranh kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.
 - Lâu nay trên mạng xã hội, ngay cả ở trong một bộ phận cán bộ, đảng viên băn khoăn, tâm tư Nghệ An đang tụt lại ngày càng xa so với hai tỉnh ở hai đầu, trong khu vực và cả nước? Thực tế có như vậy không? 

Thứ nhất: Về cảm nhận
- Nhiều lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo các địa phương khi đến thăm, làm việc với Nghệ An đều đánh giá rằng đời sống, mức sống, điều kiện sống của nhân dân Nghệ An nhìn chung khá đồng đều. Kể cả vùng phía Tây cũng khá hơn so với Tây Bắc, Tây Nam, nhất là hạ tầng, các điều kiện bảo đảm cho đời sống nhân dân: điện, đường, trường, trạm.
 - Nội lực, nguồn lực trong dân là rất lớn: 
+ Hàng năm lượng kiều hối chuyển về tỉnh khoảng trên 500 triệu USD. 
+ Nghệ An là địa phương có lượng mua xe oto tốp đầu cả nước
+ Thành phố Vinh là địa phương có nhà cao tầng tốp đầu các thành phố lớn trong cả nước 
Các đồng chí có đồng ý quan điểm như vậy không?
Thứ hai: Về các con số, chỉ số phát triển
- Quy mô nền kinh tế (GRDP): 
+ Năm 2021: 155,4 nghìn tỷ đồng, thứ 12 cả nước, thứ 2 trong vùng, đóng góp gần 12,5% GRDP vùng, 1,85% cả nước.
+ Năm 2022: 176 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 10 cả nước, gấp gần 2.5 lần so với 2013
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế: 
Tỉnh Nghệ An năm 2022 đạt 9,08% (đứng thứ 22 cả nước), quý I/2023 ước đạt 7,75% (đứng thứ 14 cả nước); 
- Thu ngân sách nhà nước:
Tỉnh Nghệ An năm 2022 đạt 21.805 tỷ đồng, lần đầu tiên vượt mốc 20.000 tỷ đồng, vượt 45,2% so với dự toán, trong đó thu nội địa hơn 21.000 tỷ = 96,0%, trong đó tiền sử dụng đất 7.420 tỷ = 35%; xuất khẩu hơn 1.300 tỷ = 7%. 
Trong 5 tháng đầu năm 2023, Nghệ An ước thực hiện thu hơn 7.200 tỷ đồng, đạt 45,5% dự toán.
- Thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, đặc biệt là thu hút FDI: Trong năm 2022 tỉnh Nghệ An thuộc nhóm 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước gần 1 tỷ USD; 5 tháng đầu năm 2023 là 428 triệu USD, đứng thứ 9 cả nước.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 2,49 tỷ USD, tăng 2,55% so với năm 2021, vượt xa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 (đến năm 2025 đạt 1,765 tỷ USD).
- Văn hóa – xã hội có nhiều điểm sáng, định hình rõ là trung tâm về giáo dục, tài chính – ngân hàng, y tế:
+ Đứng tốp đầu toàn quốc về thành tích học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế (năm 2022: 03 giải quốc tế, 97 giải quốc gia; năm 2023: 87 giải đứng thứ 2 cả nước); đứng thứ 20 về kết quả thi THPT năm 2022. Hệ thống trường phát triển nhanh, đa dạng: có 6 trường đại học, 9 trường cao đẳng, 53 trường Trung cấp nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp. 
+ Đứng tốp đầu cả nước về lĩnh vực y tế gồm cơ sở hạ tầng y tế: 18 bệnh viện và trung tâm y tế tuyến tỉnh; 7 bệnh viện đa khoa tuyến huyện; 21 trung tâm tuyến huyện; 15 bệnh viện ngoài công lập. Làm chủ các kỹ thuật y học mới, cao, chuyên sâu tuyến cuối khu vực và Trung ương như: Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán bất thường phôi thai, bệnh di truyền, bệnh ung thư; mổ tim hở, ghép thận; ghép tuỷ; can thiệp điều trị tim bẩm sinh; can thiệp tim mạch, can thiệp mạch não; phẫu thuật vi phẫu mạch não...
+ Tài chính – Ngân hàng: Đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ về huy động và dư nợ tín dụng, đứng thứ 7 cả nước về huy động vốn, thứ 5 về dư nợ cho vay. 
- Về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện có hiệu quả, có cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả: 
- Nghệ An xây dựng nông thôn mới trong điều kiện của tỉnh rất khó khăn, với vùng diện tích miền núi rộng lớn chiếm 80%; điểm xuất phát ở nông thôn thấp, năm 2010, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh 12 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 18,79%; bình quân tiêu chí Nông thôn mới chỉ đạt 3,64 tiêu chí/xã, có 50 xã không đạt tiêu chí nào; 
Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 309/411 xã (75,18%) đạt chuẩn nông thôn mới; 42 xã (10,22%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 06 xã (1,46%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 09 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới. Nghệ An thuộc tốp 5 địa phương thực hiện tốt nhất Chương trình OCOP trên cả nước; đến nay, đã có 403 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao trở lên.
- Nội bộ đoàn kết, thống nhất: từ trong Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lan tỏa xuống cấp cơ sở. Sự đoàn kết, thống nhất đó được biểu thị bằng các quyết sách, quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc tập trung giải quyết các điểm nghẽn, các vấn đề ách yếu phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội; việc tạo ra những thay đổi tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, chủ động, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ. Nhiều quyết sách của tỉnh được ủng hộ cao, như việc triển khai chương trình Hỗ trợ xây nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở đến nay đã có đến nay đã vận động được 10.947 căn được đăng ký ủng hộ với tổng kinh phí 559.343 triệu đồng. Đã triển khai xây dựng trên 2.500 căn.
- Công tác an sinh xã hội được thực hiện kịp thời; Xã hội đồng thuận, an yên: An ninh tôn giáo, an ninh nông thôn, an ninh biên giới, an ninh dân tộc được giữ yên; tinh thần đoàn kết trong nhân dân, đoàn kết đồng bào lương – giáo, miền núi – đồng bằng được phát huy, lan tỏa rộng rãi.

Kết luận: Nghệ An đang đi đúng hướng, tạo ra được nền tảng rất vững chắc cho phát triển đột phá thời gian tới. Với con đường Nghệ An đang đi, nền tảng Nghệ An đang có, Trung ương, cán bộ, đảng viên có một niềm tin rất lớn Nghệ An sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới. Sòng phẳng mà nói, hai tỉnh ở hai đầu có hai dự án động lực lớn, nhưng hệ lụy cũng không nhỏ.   
Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, thẳng thắn thừa nhận Nghệ An còn những khó khăn, thách thức, một số con số, chỉ số đang chống lại chúng ta:
+ Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá nhưng tính đột phá chưa cao.
+ Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm.
+ Tỉnh chưa thu hút được các dự án lớn có tác động lan tỏa mạnh, tạo đột phá trong phát triển và thu ngân sách. Mức tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra, GRDP bình quân còn thấp hơn vùng và toàn quốc. 
+  Một số hạ tầng chiến lược chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh.
+ Khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao (hiện nay còn 6,41%).
+ Việc phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng ở vùng đặc thù, nhất là vùng đồng bào có đạo, trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Câu hỏi thứ 2: Đường hướng, lộ trình đích đến của Nghệ An trong ngắn hạn và dài hạn như thế nào? 
1. Tỉnh đã xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (trong quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) xác định: 
+ Là tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ.
+ Là Trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, logictic.
+ Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
+ Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; các giá trị văn hóa, truyền thống được phát huy.
+ Tổ chức Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, khối đại đoàn kết được tăng cường…
+ Còn đến năm 2045 Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ nghệ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ. 

Nghệ An theo đuổi quan điểm phát triển đó là: 
+ Phát triển nhanh, đột phá nhưng không đánh đổ bằng mọi giá
+ Phát triển tập trung ở phía Đông để kéo phía Tây, Phát triển phía Đông là động lực; phía Tây là bền vững.
+ Lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, chủ động, quyết liệt, phát huy mạnh mẽ sức dân.

Câu hỏi thứ 3: Nghệ An sẽ đi đến đích bằng cách nào? 
Để phục vụ cho công cuộc phát triển nhanh, bền vững, tỉnh tập trung chuẩn bị 5 sẵn sàng, đó là: 
1. Sẵn sàng về không gian động lực phát triển: 
- Tỉnh xác định 2 khu vực động lực tăng trưởng là Thành phố Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam mở rộng.
+ Thành phố Vinh mở rộng gồm: Toàn bộ Thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc. Sau khi mở rộng, thành phố Vinh là thành phố biển, không gian phát triển về hướng biển, có tổng diện tích tự nhiên 166,24 km2, dân số là 575.718 người, 36 đơn vị hành chính cấp xã gồm 27 phường và 9 xã.
+ Khu Kinh tế Đông Nam mở rộng: Hiện tại KKT Đông Nam có diện tích 20.776ha, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho chủ trương điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế (KKT) Đông Nam lên 80.000 ha, bao gồm 70.000 ha đất liền và 10.000 ha mặt nước biển; trong đó, diện tích khu công nghiệp khoảng 15.000 ha và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An.
- Bốn hành lang kinh tế là: Hành lang kinh tế ven biển phía Đông; hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Quốc lộ 7, hành lang kinh tế Quốc lộ 48A. 
- Sáu trung tâm đô thị là: Thành phố Vinh mở rộng, Thành phố Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu), Thành phố Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn), Thị xã Diễn Châu, Thị xã Đô Lương; Đô thị sinh thái Con Cuông. Bên cạnh thúc đẩy liên kết nội tỉnh là tăng cường liên kết vùng theo trục Nam Thanh - Bắc Nghệ, Nam Nghệ - Bắc Hà và kết nối với nước bạn Lào qua các tuyến cửa khẩu. 

Sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu:
- Hạ tầng Khu công nghiệp: Tỉnh hiện có tổng cộng 11 khu công nghiệp trong đó có 5 khu CN nằm trong khu KKT Đông Nam được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất; 05 KCN đã có nhà đầu tư hạ tầng gồm: Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An, diện tích gần 1.500 ha (1.475ha), giai đoạn 1 là 750 ha; Khu công nghiệp WHA, diện tích gần 3.200 ha, giai đoạn 1 là 498 ha; Khu Công nghiệp Hoàng Mai 1, diện tích 285 ha; KCN Hoàng Mai 2, diện tích gần 350 ha (343,69 ha); KCN Đông Hồi (1.436 ha). 
Cuối năm 2023, khởi công Dự án VSIP Nghệ An II (Thọ Lộc) do Tập đoàn VSIP làm chủ đầu tư, quy mô sử dụng đất là 500 ha. 
- Về hạ tầng giao thông kết nối: 
- Đường bộ: Tập trung thi công đường ven biển Nghi Sơn – Cửa Lò (tổng chiều dài 65km), dự kiến hoàn thành vào 2024; bên cạnh đó tập trung hoàn thiện hệ thống trục ngang như: Đường 72m Vinh – Hưng Nguyên; Tuyến N5 Đô Lương – Tân Kỳ…
- Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua Nghệ An dự kiến được thông tuyến Mai Sơn  - Diễn Châu vào tháng 9/2023; Diễn Châu – Bãi Vọt năm 2024, hiện thời gian từ Vinh – Hà Nội còn khoảng hơn 3h đồng hồ.
- Tích cực vận động để sớm triển khai tuyến cao tốc Viêng Chăn – Pặc xan – LakSao – Nậm On – Thanh Thủy – Hà Nội, đã được 2 Chính phủ Việt Nam – Lào ký biên bản ghi nhớ (đây là hướng tuyến thuận lợi nhất, dễ dàng kết nối với cao tốc Bắc – Nam phía Đông tại xã Hưng Tây huyện Hưng Nguyên).
- Tích cực vận động triển khai tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – Vinh trong phân kỳ đầu giai đoạn 2021 – 2030, với thời gian rút ngắn còn 2h. 
- Cảng biển: Hệ thống cảng hiện hữu gồm Cửa Lò công suất bốc xếp 13 triệu tấn/năm, tiếp nhận tàu 10.000 tấn; Cảng Vissai giai đoạn 1 đón tàu 70.000 tấn (giai đoạn 2 quy hoạch thành cảng quốc tế đa dạng đón tàu 100.000 tấn); Cảng xăng dầu DKC đón tàu từ 10.000 – 49.000 tấn; 
Tỉnh đang tập trung triển khai các thủ tục để khởi công xây dựng cảng nước sâu Quốc tế Cửa Lò vào cuối năm 2023 với khả năng tiếp nhận tàu hàng có trọng tải đến 100.000 tấn, tàu tổng hợp, conterner trọng tải 50.000 tấn…Đây được xác định công trình hạ tầng trọng điểm, tháo gỡ nút thắt về vận tải hàng hóa. 
- Sân bay: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe thống nhất phương án đầu tư, vị trí xây dựng nhà ga, đường cất, hạ cánh số 2 tại Cảng Hàng không quốc tế Vinh đáp ứng tiêu chuẩn cấp 4E, công suất dự kiến đến năm 2030 khoảng 8 triệu hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 14 triệu hành khách/năm; đáp ứng mở thêm một số tuyến bay quốc tế (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kong, Đài Loan, Thái Lan, Singapore …). 
- Về hạ tầng xã hội: Khuyến khích đầu tư phát triển điện khí, điện gió; phát triển một số bệnh viện thành bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối; thu hút đô thị, siêu thị lớn, khách sạn 3-5 sao, sân golf để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, du lịch, giải trí của du khách, đối tác.

Sẵn sàng về nguồn nhân lực: 
- Thực hiện tái cấu trúc các trường đại học cao đẳng trực thuộc theo hướng sáp nhập 3 trường: Kinh tế Nghệ An, CĐSP Nghệ AN, CĐVHNT Nghệ An thành thành Trường Đại học Nghệ An; nâng cao chất lượng Trường Đại học Vinh thành trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới.
- Kêu gọi, thu hút một số trường Đại học danh tiếng mở phân hiệu tại Nghệ An.
- Chú trọng nâng cao khả năng ngoại ngữ, tin học, đạo đức, kỹ năng cho học sinh.  
- Đầu tư xây dựng Nghệ An thành trung tâm khoa hoạc và công nghệ vùng Bắc Trung Bộ, trọng tâm là ứng dụng, chuyển giao các thành tựu KH &CN và công nghệ cao.

Sẵn sàng cải cách và sẵn sàng hỗ trợ:

Cùng với đầu tư hạ tầng, tỉnh đã và đang quyết tâm tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, thực chất hơn trong việc phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thực tế thời gian qua đã có những thay đổi, chuyển biến nhất định: 
+ Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 tăng 7 bậc so với 2021, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành trong cả nước (năm 2021 xếp thứ 30)
+ Chỉ số CCHC PAR INDEX, tăng 1 bậc so với năm 2021, đứng thứ 16 (năm 2021 đứng thứ 17).
+ Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tăng 21 bậc, đứng thứ 14 (năm 2021 xếp thứ 35).
+ Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 17/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Tuy nhiên, so với yêu cầu chưa đáp ứng sự phát triển, người dân và doanh nghiệp vẫn than phiền nhiều về đạo đức và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh. 
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập BCĐ tỉnh về cải cách hành chính do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ làm trưởng ban, các đồng chí Ủy viên BTV tham gia, nhằm tạo sự thay đổi, chuyển biến mạnh về cải cách hành chính của tỉnh, nhất là cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp với phương châm: “Nhanh - đúng - hiệu quả”, trên tinh thần “hỗ trợ - lắng nghe - thấu hiểu - thân thiện - nhiệt tình”.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh về CCH thống nhất thực hiện giải pháp mạnh về thay thế cán bộ nếu vi phạm, ì ạch trong thực hiện nhiệm vụ, đạo đức công vụ từ lãnh đạo cho đến chuyên viên. 
Thưa các đồng chí!

Có thể nói tỉnh ta đang ở một thời điểm “Thiên thời, địa lợi và nhân hòa”, thời điểm “vàng” để phát triển nhanh, mạnh, đột phá, bền vững hơn. Nếu chúng ta không tận dụng để nhanh lên, không tự vượt lên thì Nghệ An sẽ lỡ cơ hội phát triển (Ngày 25/6 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị để cho ý kiến về Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26- ngày 30.7.2013 của Bộ Chính trị khóa 11 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư gửi gắm tình cảm, mong muốn và giao nhiệm vụ rằng Nghệ An phải "bước thật mạnh, tiến thật xa” trong thời gian tới).
Với một bối cảnh, thời điểm như vậy, với những quyết tâm thay đổi mạnh mẽ đó, rất cần sự đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, tầng lớp nhân dân, trong đó có tổ chức Hội Cựu chiến binh và Hội viên Hội Cựu chiến binh tỉnh. Nhân dịp này, tôi mong muốn Hội Cựu chiến binh tỉnh: 
1. Tiếp tục thực hiện tốt vai trò hạt nhân đoàn kết, quy tụ sức mạnh và cổ vũ nhân dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước tại các địa phương nhất là trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài, thực hiện các chính sách an sinh xã hội; xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; động viên nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật, giữ vững kỷ cương xã hội.
Tích cực hỗ trợ, giúp đỡ đồng chí, đồng đội và nhân dân còn khó khăn; gìn giữ, xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa, con người xứ Nghệ; quan tâm nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa trong tổ chức và xã hội.  
2. Tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phản bác, bẻ gãy những luận điệu xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, vạch trần âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, “phi chính trị hóa quân đội”, hoạt động phá hoại của thế lực phản động. 
Phát huy vai trò tích cực trong tham gia xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân vững chắc, góp phần “giữ vững trong ấm, ngoài êm”, tạo điều kiện thuận lợi để tập trung phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tích cực tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân.
Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh; tham gia ý kiến đóng góp hoạt động của các cấp uỷ và đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội…  3. Tích cực động viên, giáo dục lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. 
4. Về phía tỉnh, chúng tôi sẽ nỗ lực, đoàn kết, năng động, sáng tạo hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; lắng nghe, tiếp thu nghiêm túc góp ý của các tầng lớp nhân dân, trong đó có các đồng chí cựu chiến binh để xây dựng tỉnh nhà ngày một giàu mạnh, sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển đã xác định. 

Cuối cùng, trân trọng chúc toàn thể các đồng chí cùng gia đình luôn mạnh khỏe và hạnh phúc!
Chúc tổ chức hội, phong trào Hội Cựu chiến binh tỉnh dành nhiều thắng lợi mới trong nhiệm kỳ mới!
Trân trọng cảm ơn!

 

NTV

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện