Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với tỉnh Nghệ An

16:38, 01/08/2023
Sau khi giám sát tại các huyện Quế Phong và Tương Dương, sáng 1/8, Đoàn Giám sát Quốc hội về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” làm việc với tỉnh Nghệ An. 

Đoàn Giám sát do Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn; đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm Phó đoàn. Làm việc với đoàn về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của 3 Chương trình MTQG được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Nghệ An là hơn 5.300 tỷ đồng. Hiện nay, HĐND tỉnh đã phân bổ số vốn trên 4.900 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình. Cụ thể, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là gần 1.400 tỷ đồng, triển khai tại 411 xã; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là hơn 2.600 tỷ đồng, triển khai 9 dự án thành phần; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là hơn 918 tỷ đồng, triển  khai 2 dự án thành phần. Trong đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 và năm 2023 của 3 chương trình là trên 2.400 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/7/2023, lũy kế số vốn đã giải ngân đạt trên 35%. Tổng kế hoạch vốn sự nghiệp năm 2022 và năm 2023 được giao là hơn 1.700 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/7/2023, lũy kế đã giải ngân mới chỉ hơn 187 tỷ đồng, đạt trên 10,9%. 

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã trao đổi, đề nghị tỉnh làm rõ thêm tính thực chất, bền vững của các chương trình; công tác ban hành văn bản, chỉ đạo, điều hành, lập kế hoạch và khả năng hoàn thành các kế hoạch, chỉ tiêu đạt ra. Đoàn cũng nêu ý kiến liên quan đến việc xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu; lồng ghép các chương trình; công tác giải ngân vốn; việc thực hiện một số dự án, tiểu dự án, công tác kiểm tra, giám sát; việc huy động các nguồn lực để lồng ghép các chương trình, trong đó vai trò của doanh nghiệp HTX, tổ hợp tác, tổ chức chính trị, người dân tham gia đóng góp…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu giải trình tại buổi làm việc.

Phát biểu giải trình tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã phân tích, làm rõ hơn các nguyên nhân chủ quan, khách quan trong các hạn chế khi thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh liên quan đến các nhóm vấn đề đoàn giám sát nêu ra. Qua quá trình thực hiện đã chứng minh được tính hiệu quả, tính thực chất, tính bền vững của 3 Chương trình; đặc biệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn của cả nước, trong đó có Nghệ An. Riêng với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, đây là chương trình mới. Mục đích, ý nghĩa, mục tiêu đề ra rất rõ nhưng vấn đề thiết kế chương trình và bố trí nguồn lực còn phân tán, cần có thời gian để đánh gia. Về công tác giải ngân đạt thấp, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân chủ quan về công tác chỉ đạo, điều hành, công tác chuẩn bị đầu tư, năng lực thực hiện, có trách nhiệm của cán bộ. Tỉnh Nghệ An rất quyết liệt, có sự tham gia của cấp ủy, 10 ngày báo cáo 1 lần về vấn đề giải ngân chung và giải ngân 3 Chương trình cho các đồng chí đứng đầu cấp ủy để cùng lãnh đạo, chỉ đạo với quan điểm rõ: Nếu không làm được thì chuyển việc, chuyển vốn, chuyển người, tỉnh sẽ cố gắng thực hiện để những tháng cuối năm công tác giải ngân nguồn vốn đạt tỷ lệ cao hơn…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tặng quà lưu niệm cho tỉnh Nghệ An.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá: với tinh thần trao đổi thẳng thắn, đầy trách nhiệm, tỉnh Nghệ An đã làm rõ nhiều vấn đề mà đoàn giám sát yêu cầu. Đồng thời, với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt, tỉnh đã rất sáng tạo khi thực hiện quan điểm phát triển phía Đông để hỗ trợ phía Tây, triển khai Chương trình xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở…Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã kịp thời kiến nghị Trung ương và các Bộ, ngành liên quan nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc để sửa đổi, bổ sung. Chia sẻ với những khó khăn, áp lực của tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá thực chất để xây dựng các chủ trương tiếp theo trong thực hiện các Chương trình MTQG, trong đó kết hợp với Nghị quyết số 36 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, tỉnh Nghệ An cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc “bám trên, sát dưới”, chuẩn bị từ sớm, từ xa trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ. Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong tổ chức, tập trung các nguồn lực để thực hiện các chương trình MTQG. Đối với những vấn đề “chưa chín, chưa rõ” thì mạnh dạn làm thí điểm trong phạm vi thẩm quyền cho phép. Đồng thời thành lập các Tổ công tác cho các chương trình, vấn đề để chỉ đạo triển khai; quan điểm là tỉnh sẵn sàng làm thay huyện, huyện sẵn sàng làm thay cho xã, theo phương châm cầm tay chỉ việc để nâng cao trình độ cho cấp dưới. Tăng cường kiểm tra giám sát, tránh tư tưởng tránh né, sợ sai, không dám làm…

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý khẳng định: việc triển khai 3 Chương trình MTQG trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa quan trọng; tỉnh xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và bước đầu đã đạt được một số kết quả. Ngay sau buổi làm việc này, tỉnh sẽ chỉ đạo các ban, ngành rà soát đúng thực chất, khách quan kết quả bước đầu của 3 Chương trình MTQG; tiếp thu và hoàn chỉnh nội dung báo cáo để gửi Đoàn giám sát. Đồng thời, đề nghị Đoàn giám sát kiến nghị những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Nghệ An lên các cơ quan Trung ương để kịp thời tháo gỡ. Và tỉnh Nghệ An sẽ cố gắng khắc phục khó khăn, vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện, sẽ nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao, sâu sát cơ sở, giúp cơ sở để hoàn thành mục tiêu của 3 Chương trình MTQG.

 

Xuân Hướng – Cảnh Toàn

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện