Nhấn mạnh quý 4 có ý nghĩa hết sức quan trọng quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải lưu ý 3 nhóm vấn đề quan trọng, quyết định đến tốc độ tăng trưởng: thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh; giải ngân vốn đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng trên địa bàn.
Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 9 của UBND tỉnh. |
Mặc dù triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều khó khăn, đặc biệt là suy thoái kinh tế thế giới đã tác động đến tốc độ tăng trưởng của cả nước nói chung, tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của Nghệ An trong 9 tháng vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đạt kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 4,32%. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 1.760 triệu USD, tăng 5,98% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước đạt 942 triệu USD. Thu ngân sách 9 tháng ước thực hiện 11.671 tỷ đồng, đạt 73,6% dự toán.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại phiên họp. |
Toàn tỉnh đã cấp mới cho 91 dự án, điều chỉnh 122 lượt dự án với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm gần 41.800 tỷ đồng. Thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong 9 tháng và lần đầu tiên Nghệ An vươn lên vị trí thứ 6/63 tỉnh thành trong cả nước. Tính đến ngày 20/9, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân gần 4.980 tỷ đồng, đạt hơn 47% kế hoạch. Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm trên 39.100 người (đạt 95,49% kế hoạch). Đồng tình với báo cáo của một số sở, ngành, đại diện các địa phương cũng đã nêu một số khó khăn, vướng mắc để tỉnh quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu tại phiên họp. |
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng: trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn nhưng kết quả đạt được trong điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT – XH là tích cực. Dự kiến tăng trưởng của 9 tháng là từ 6,3 – 6,5%. Đặc biệt là kết quả thu hút đầu tư, trong đó FDI đang tạo niềm tin về phát triển khi mà nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn. Người đứng đầu UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, 9 tháng qua, Nghệ An đã hoàn thành 2 nhiệm vụ quan trọng: trình bộ Chính trị thông qua Nghị quyết 39 về xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Cùng với chương trình hành động của Chính phủ, các cơ chế, chính sách đặc thù, quy hoạch tỉnh sẽ tạo ra động lực, nguồn lực và đảm bảo để tỉnh phát triển ổn định trong dài hạn, sớm đạt được mục tiêu trở thành tỉnh khá của cả nước. Bên cạnh đó, trong tháng 9, nhiều nội dung quan trọng cũng đã được HĐND tỉnh cũng thông qua tại kỳ họp chuyên đề nhằm đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục của chính quyền.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận tại cuộc họp. |
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế làm ảnh hưởng đến phát triển KT-XH của tỉnh. Đó là tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp bất lợi do bị thu hẹp thị trường, giảm đơn hàng xuất khẩu; thu ngân sách thấp so với mục tiêu và cùng kỳ, theo xu hướng quý sau sụt giảm so với quý trước; giải ngân đầu tư công thấp và chưa đạt yêu cầu. Đến 31/8, giải ngân cả nước đạt 42,35% trong khi đó, nguồn đầu tư công tập trung do tỉnh quản lý đến 20/9 mới đạt 41,8%. Đáng lo nhất là nhất là 3 chương trình MTQG và Chương trình phục hồi KT-XH. Có 19 cơ quan, đơn vị đạt dưới mức bình quân chung của tỉnh; 10 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân. Bên cạnh đó, công tác CCHC và chuyển đổi số chưa đạt mục tiêu đề ra.
Từ các hạn chế, tồn tại được chỉ ra, Chủ tịch UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý 4 – quý có ý nghĩa hết sức quan trọng quyết định đến kết quả điều hành và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho cả năm 2023.
Đó là các sở, ngành, địa phương phải tập trung cao độ, quyết tâm hoàn thành mức cao nhất mục tiêu của 3 tháng còn lại và cả năm. Trong đó cần phải rà soát, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cần phải tập trung hoàn thành và có các giải pháp cụ thể. Lưu ý 3 nhóm vấn đề để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng: thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh; giải ngân vốn đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng trên địa bàn. Cụ thể, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh phải tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực công nghiệp và hàng hóa xuất khẩu; hỗ trợ các nhà đầu tư FDI để sớm đưa các dự án đi vào hoạt động. Tiếp tục duy trì sản xuất, ổn định lĩnh vực nông nghiệp.
Các đại biểu tham dự phiên họp. |
Đối với giải ngân đầu tư công, Người đứng đầu UBND tỉnh nhấn mạnh: đây là lĩnh vực sẽ kích thích một phần tăng trưởng, tạo ra vốn mồi để hoàn thiện hạ tầng, thu hút các nguồn vốn khác. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư phải tập trung cao độ giải ngân đầu tư công và 3 chương trình MTQG cũng như Chương trình phục hồi KT-XH theo cam kết. Muốn vậy, các địa phương phải quyết liệt trong giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Trong quá trình này, các sở, ngành liên quan như TN-MT, Xây dựng, GT-VT, NN&PTNT, LĐ-TB&XH và Ban Dân tộc hỗ trợ các địa phương tháo gỡ các nội dung liên quan đến lĩnh vực chuyên môn. Sở KH-ĐT rà soát, điều hòa nguồn vốn liên quan đến Chương trình phục hồi KT-XH; tham mưu điều chuyển vốn kế hoạch năm 2023 đối với các dự án chậm tiến độ. Ngay từ bây giờ, các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư chủ động xây dựng kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2024 đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với thực tế giải ngân.
Về nhiệm vụ thu chi ngân sách, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Cục Thuế, Cục Hải quan rà soát kỹ các khoản thu, đặc biệt là xác định các khoản thu có khả năng thực hiện đề bù đắp hụt thu ở một số lĩnh vực. Kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các địa phương trong thu tiền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá đất. Chi ngân sách chặt chẽ, trên cơ sở khả năng thu. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tài chính, ngân sách. Hướng dẫn các địa phương trong xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Các đại biểu tham dự phiên họp. |
Thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực liên quan đến VH-XH; lưu ý công tác phòng chống dịch; quan tâm thực hiện Chỉ thị 26 của UBND tỉnh, nhất là vấn đề thu chi đầu năm học; công tác an sinh xã hội; tăng cường kết nối cung cầu, giải quyết việc làm tại địa bàn các KCN; phối hợp tổ chức Tết trung thu cho trẻ em. Quan tâm đến các sự kiện văn hóa – thể thao…
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý về một số nhiệm vụ trọng tâm phải hoàn thành trong tháng 10: chuẩn bị nội dung của kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh; Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương hoàn thiện hồ sơ, xây dựng kế hoạch thực hiện và tham mưu phương án công bố Quy hoạch tỉnh; cùng với các sở, ngành đề xuất bổ sung cơ chế đặc thù để thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ chính trị; chuẩn bị điều kiện để tổ chức hội nghị hợp tác 3 tỉnh Nghệ An – Thanh Hóa – Hà Tĩnh; phối hợp với Báo Nhân dân tỏ chức kỷ niệm 55 chiến thắng Truông Bồn; các ngành, địa phương chủ động phương án phòng chống thiên tai khi mùa mưa lũ đến.
Phiên họp được kết nối trực tuyến đến 21 điểm cầu huyện, thành, thị. |
Thực hiện có hiệu quả kế hoạch CCHC và chuyển đổi số theo kết luận đã ban hành. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; ý thức, trách nhiệm thái độ làm việc của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Sở Nội vụ phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025
Về lĩnh vực QPAN, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung lưu ý 3 nội dung: lực lượng công an chủ động phối hợp với chính quyền các cấp để tăng cường công tác PCCC; yêu cầu 100% cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm quy định không điều khiển phương tiện khi uống rượu bia; các địa phương chủ động tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay tại cơ sở, tránh để xảy ra các điểm nóng về an ninh trật tự./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin