Quan hệ chính trị, ngoại giao
Tiếp xúc cấp cao được coi trọng và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, từ cuối năm 2022 đến nay, lãnh đạo cấp cao hai nước đã có các chuyến thăm chính thức và nhiều cuộc tiếp xúc quan trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 30/10 – 1/11/2022 ngay sau khi Trung Quốc vừa tổ chức thành công Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chiều ngày 31/10/2022. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc vào tháng 6/2023, tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh thương mại - đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20, tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây vào tháng 9-2023.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba từ ngày 17 - 20/10/2023.
Thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, hai bên đã trao đổi để đưa ra định hướng chiến lược tổng thể cũng như định hướng về những trọng tâm, trọng điểm hợp tác, có ý nghĩa dẫn dắt, chỉ đạo đối với sự phát triển của quan hệ hai nước.
Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, lãnh đạo cao cấp hai nước xác định quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay là quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện thời đại mới, khẳng định kiên trì phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, củng cố tình hữu nghị truyền thống, tăng cường chia sẻ chiến lược, tăng cường sự tin cậy chính trị, quản lý tốt sự khác biệt.
Sự tin cậy chiến lược giữa hai nước được củng cố và tăng cường: Lãnh đạo cấp cao hai nước luôn đề cao và khẳng định những điểm tương đồng, nhất trí giữa hai nước về điều kiện, mục tiêu phát triển, tính chất đặc thù của mối quan hệ, khẳng định rõ định vị của mỗi bên về nhau, qua đó góp phần tăng cường sự tin cậy chiến lược.
Thông qua tiếp xúc cấp cao, hai bên đã trao đổi, chia sẻ về mục tiêu phát triển, đường hướng phát triển của mỗi nước cũng như chia sẻ quan điểm liên quan đến các vấn đề quốc tế, khu vực, qua đó tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau và củng cố sự tin cậy chiến lược trong bối cảnh quốc tế có biến động sâu sắc như hiện nay.
Việt Nam thể hiện sự ủng hộ đối với những công việc lớn, mục tiêu quan trọng, sáng kiến mới của Trung Quốc, như “4 toàn diện”, bố cục tổng thể của “5 trong 1”, hai mục tiêu 100 năm, ủng hộ chính sách “một Trung Quốc”...
Gần đây nhất, Việt Nam thể hiện ủng hộ đối với con đường hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, mục tiêu phấn đấu 100 năm thứ hai, các sáng kiến mới của Trung Quốc, như “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”, Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI), Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI)…
Hợp tác kinh tế, thương mại được đẩy mạnh
Quan hệ kinh tế thương mại là một điểm sáng trong quan hệ hai nước, kim ngạch thương mại duy trì mức tăng trưởng dương và nhiều năm tăng trưởng với mức hai con số rất cao, cho dù tình hình mỗi nước, thế giới có những biến động khó lường. Trong 15 năm qua, kim ngạch thương mại song phương đã tăng gần 9 lần, từ khoảng 20 tỷ USD năm 2008 lên 175,57 tỷ USD năm 2022.
Từ năm 2018, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Mặc dù chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nhưng Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.
Chuyến tàu hàng hóa quốc tế khởi hành từ cảng quốc tế Tây An đến Hà Nội. |
Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh, thứ hạng có sự cải thiện rõ rệt. Trong 8 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt gần 1,3 tỷ USD với 399 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 tại Việt Nam.
Trong bối cảnh Trung Quốc tích cực triển khai Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), năm 2017, hai bên đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng liên quan đến hợp tác kinh tế, thương mại, kết nối năng lực sản xuất, kết nối BRI với “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”.Quan hệ kinh tế thương mại, kết nối giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển nhanh chóng hơn. Kim ngạch thương mại tăng trưởng cao liên tục, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng nhanh trong những năm gần đây, thứ bậc của Trung Quốc trong bảng xếp hạng đầu tư của Việt Nam đã cải thiện nhanh chóng. Kết nối cũng được thực hiện tương đối tốt, đặc biệt ở khu vực biên giới cửa khẩu.
Giao lưu nhân dân và văn hóa được chú trọng thúc đẩy
Ngoại giao nhân dân, giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc thúc đẩy mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngoại giao nhân dân, giao lưu văn hóa sẽ góp phần làm tăng hiểu biết của người dân hai nước về đất nước đối phương và về quan hệ Việt - Trung. Đây được coi là nền tảng xã hội của mối quan hệ hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai nước đều hết sức coi trọng hợp tác này, đặc biệt là đối với thế hệ thanh niên, chủ nhân hiện tại và tương lai của mỗi nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức lẫn nhau vào tháng 4/2015 và tháng 11/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp mặt, phát biểu với các đại biểu thanh niên hai nước tham dự chương trình Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt -Trung lần thứ 15 tổ chức tại Trung Quốc và lần thứ 16 tổ chức tại Hà Nội. Trong 15 năm qua, các hoạt động giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch giữa hai nước đã được đẩy mạnh với hình thức phong phú, đa dạng.
Hai Tổng Bí thư dự và phát biểu tại chương trình Gặp gỡ hữu nghị Thanh niên Việt - Trung lần thứ 16. |
Đẩy mạnh giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa đã được thực hiện thông qua hoạt động của các hiệp hội cấp trung ương và cấp địa phương, các chương trình giao lưu nhân dân giữa hai nước, giữa các địa phương biên giới, các diễn đàn nhân dân hay diễn đàn chuyên biệt như diễn đàn học giả giữa hai nước, các chương trình trao đổi giữa phóng viên, học giả hai nước. Các cơ chế mới được hình thành song song với mở rộng quy mô của các cơ chế cũ nhằm thúc đẩy giao lưu giữa các tầng lớp nhân dân hai nước. Đến nay, 50 tỉnh/thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh/thành phố/khu tự trị của Trung Quốc.
Giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa còn được thực hiện thông qua hợp tác giáo dục, du lịch. Về giáo dục, hằng năm, Chính phủ Trung Quốc cấp học bổng cho công dân Việt Nam ở các cấp bậc đào tạo từ đại học trở lên. Trung Quốc cam kết trong 5 năm tới, cấp cho Việt Nam ít nhất 1.000 suất học bổng Chính phủ Trung Quốc, và từ 1.000 suất học bổng dành cho giáo viên giảng dạy tiếng Trung Quốc trở lên.
Củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong bối cảnh mới
Hiện nay, Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu 100 năm lần thứ nhất, bắt đầu bước vào thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ hai. Khu vực Đông Nam Á vẫn được coi là khu vực ưu tiên và ngoại giao láng giềng vẫn giữ vị trí quan trọng trong bố cục tổng thể của ngoại giao Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc khẳng định “coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng của Trung Quốc”.
Về phía Việt Nam, trước bối cảnh khu vực và thế giới phức tạp như hiện nay, Việt Nam luôn kiên trì, khẳng định rõ hơn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và chính sách quốc phòng “bốn không”, tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu.
Hiện nay, Trung Quốc xác định xây dựng Vành đai và Con đường đứng ở điểm khởi đầu mới, trong đó đặc biệt chú trọng đến thúc đẩy phát triển xanh, thúc đẩy sáng tạo khoa học kỹ thuật. Trong triển vọng 10 năm tới của Vành đai và Con đường được công bố vào tháng 11/2023, Trung Quốc nêu lên sẽ làm tốt “5 trù tính tổng thể”, trong đó có trù tính tổng thể giữa quy mô và hiệu quả, nhấn mạnh đến ưu tiên hợp tác trong những dự án “nhỏ mà đẹp”, làm nhiều các dự án đầu tư nhỏ, hiệu quả nhanh, hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường tốt. Về nguyên tắc, xây dựng Vành đai và Con đường hướng đến tiêu chuẩn cao, mang lại lợi ích cho người dân, bền vững, tập trung xóa đói giảm nghèo, tăng việc làm, cải thiện dân sinh, để thành quả mang lại lợi ích cho người dân tốt hơn, tăng cường cảm giác nhận được và cảm giác hạnh phúc của người dân.
Trên cơ sở này, hai bên sẽ làm sâu sắc hơn, tìm kiếm thêm điểm gặp gỡ lợi ích, làm sâu sắc hơn nữa nội hàm của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Trong thời gian tới, bên cạnh tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư như thời gian qua, Trung Quốc và Việt Nam có thể chú trọng hơn nữa đến hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đây là lĩnh vực còn bỏ ngỏ trong thời gian qua. Trung Quốc có thị trường rộng lớn, là nước nhập siêu trong thương mại nông sản với thế giới, có thế mạnh tuyệt đối về nông nghiệp ở nhiều khía cạnh như giống, máy móc, phân ...
Còn Việt Nam có tiềm năng sản xuất, có lợi thế về nhiều nông sản có thể bổ sung cho thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc. Hơn nữa, đầu tư phát triển nông nghiệp, xuất nhập khẩu nông sản chính là hướng đầu tư mang lại lợi ích cho người dân một cách trực tiếp nhất, vừa mang ý nghĩa kinh tế, vừa mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, đồng thời phù hợp với những tiêu chuẩn của xây dựng Vành đai và Con đường như đã nêu trên. Ngoài ra, hai bên có thể hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, cơ sở hạ tầng.
Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022 đã xác định quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay là quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện thời đại mới. Trong thời gian tới, để làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hai bên sẽ tiếp tục củng cố và phát huy những thành quả, những điểm đã làm tốt đồng thời cũng chú trọng đến hạn chế, giải quyết những tồn tại.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin