Toàn cảnh hội nghị. |
Phiên họp đã nghe và cho ý kiến đối với Đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật vào Trường Đại học Kinh tế Nghệ An và đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An. Với tầm nhìn chiến lược về nguồn nhân lực và không gian phát triển đa dạng, cùng những lợi thế vốn có của tỉnh, Nghệ An có nhiều cơ hội để trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của khu vực và cả nước. Việc phát triển một trường đại học đa ngành lớn mạnh là một chỉ số rất quan trọng trong phát triển toàn diện và bền vững, góp phần tạo sức hút về các nguồn lực cho phát triển tỉnh Nghệ An.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị. |
Các ý kiến đều thống nhất: Khi sáp nhập 3 trường lại là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh. Các ý kiến BTV Tỉnh uỷ cũng quan tâm đến đến công tác tuyển sinh, cơ sở vật chất; việc sắp xếp, cơ cấu cán bộ sau sáp nhập; chính sách đào tạo để chuẩn hoá học hàm, học vị cho đội ngũ giảng viên. Điều quan trọng là mô hình Trường Đại học Nghệ An sẽ hoạt động như thế nào nếu các ngành nghề đào tạo có sự tương đồng, thậm chí là cạnh tranh với Trường Đại học Vinh. Giải pháp để vượt qua khó khăn, vướng mắc của buổi đầu sáp nhập…
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu ý kiến về nội dung đề án. |
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý nhấn mạnh: chủ trương sáp nhập lại là để mạnh hơn và để giải quyết những khó khăn nội tại hiện nay. Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu đặc biệt quan tâm đến lộ trình giải quyết các nội dung: về con người, về cơ sở vật chất; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và thời gian sáp nhập. Quá trình này phải được đánh giá thật kỹ lưỡng, sau sáp nhập, hoạt động của Trường Đại học Nghệ An phải tốt hơn, mạnh hơn, là cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đa nghề, đa cấp học, có sức cạnh tranh; đồng thời, giải quyết được những bất cập, khó khăn trong mô hình đang triển khai. Do đó, người đứng đầu Tỉnh ủy lưu ý, cần bổ sung, làm rõ, cụ thể hơn 4 “lộ trình” trong quá trình hoàn thiện đề án và xây dựng kế hoạch thực hiện đề án. Cụ thể là, cần xây dựng lộ trình sắp xếp đội ngũ quản lý của 3 trường hiện tại, nhất là đội ngũ quản lý cấp cao; để đáp ứng được yêu cầu phát triển của Trường Đại học Nghệ An.
Đồng thời, phải xây dựng lộ trình sắp xếp lại cơ sở vật chất nhằm xác định vào quy hoạch và sử dụng đất có hiệu quả. Gắn với đó phải có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên; qua đó, tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng. Và cuối cùng là phải xác định rõ lộ trình, thời điểm hợp nhất Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, Trường Cao đẳng văn hóa - nghệ thuật Nghệ An, Trường Đại học kinh tế Nghệ An, đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An. Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An thống nhất với ý kiến các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy là trong quá trình thực hiện đề án cần đánh giá thật kỹ, “đặt lên bàn” tất cả các khó khăn, vướng mắc khi sáp nhập để có giải pháp; cũng như thực hiện tốt công tác tư tưởng của đội ngũ để thực hiện hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu tại hội nghị. |
Tiếp đó, phiên họp đã cho ý kiến vào tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Trong 10 năm qua, các nội dung cơ bản của Chỉ thị số 17 đã được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục và trở thành nề nếp trong các cơ quan, đơn vị. Các đơn vị, địa phương phát động, xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo để nâng cao chất lương thực thi công vụ; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ chủ chốt các cấp. Do đó, đến nay, về cơ bản công tác cải cách hành chính tỉnh Nghệ An có nhiều chuyển biến tích cực; từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Việc thực hiện văn hóa công sở ngày càng được quan tâm; ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao; khắc phục hiện tượng đi muộn, về sớm; uống rượu, bia trước, trong giờ hành chính và giờ nghỉ trưa của ngày làm việc…Quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 17, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến kỷ luật, kỷ cương hành chính, đáo đức công vụ của cán bộ, đảng viên. Tính từ năm 2014 đến nay, các cơ quan, đơn vị đã tiến hành kiểm điểm và tiến hành xử lý kỷ luật theo thẩm quyền với các hình thức như: Khai trừ đảng, cảnh cáo, khiển trách, hạ bậc lương đối với 23 cán bộ, công chức, viên chức do vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính; 15 công chức, viên chức cấp tỉnh đã bị khởi tố, đang chờ kết luận, bản án của cơ quan tiến hành tố tụng. Trên cơ sở đánh giá những kết quả thực hiện 10 năm thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất tiếp Chỉ thị số 17.
Cũng tại phiên họp, BTV Tỉnh uỷ đã nghe và cho ý kiến dự thảo đề án bổ sung một số chính sách, cơ chế đặc thù thực hiện Nghị quyết số 39 của BCT về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghe về kết quả 2 năm thực hiện NQ số 04 của BTV Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Nghe và cho ý kiến tổng kết 10 năm thực hiện QĐ số 217 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội. Cho ý kiến về chủ trương tiếp nhận khoản viện trợ dự án bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Pù Mát.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin