Toàn cảnh cuộc họp đánh giá công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. |
Tỉnh Nghệ An hiện có 3.462 tàu thuyền khai thác thủy sản, trong đó tàu cá thuộc diện phải đăng ký là 2.565 chiếc. Đến nay, tỷ lệ đăng ký đạt 90,37% và đã được cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu.
Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh phát biểu tại cuộc họp. |
Tổng số tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tính đến ngày 30/4 là 1.052 chiếc, đạt tỷ lệ 96,95% tàu cá thuộc diện phải lắp đặt. Sau đợt thanh tra thực tế lần thứ 4 của Đoàn Thanh tra EC, UBND tỉnh đã ban hành 8 văn bản chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác IUU trên địa bàn.
Đại tá Nguyễn Công Lực - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh phát biểu tại cuộc họp. |
Yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương ven biển tập trung tổng kiểm tra, rà soát và nắm chắc số lượng tàu cá trên địa bàn tỉnh, quản lý chặt chẽ nhóm tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); xử lý triệt để các tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên biển, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài...
Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Hoàng Văn Bộ phát biểu tại cuộc họp. |
Trong năm 2023, các lực lượng chức năng của Nghệ An đã tiến hành xử phạt vi phạm về khai thác IUU 161 vụ với tổng số tiền phạt hơn 714 triệu đồng. Trong 4 tháng đầu năm nay, đã xử phạt vi phạm hành chính 31 đối tượng/31 phương tiện với tổng số tiền phạt hơn 490 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ đối với 12 thuyền trưởng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại cuộc họp. |
Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách, được Trung ương và địa phương hết sức quan tâm. Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị 32 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 52 về công tác chống khai thác IUU và phát triển thủy sản bền vững, đặt ra những nhiệm vụ quan trọng cho các cấp, các ngành và địa phương. Đề nghị các cấp, các ngành và địa phương với quyết tâm cao trong năm 2024 phải gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu.
Nhìn lại hơn 6 năm từ khi EC cảnh báo thẻ vàng, tỉnh Nghệ An đã cố gắng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã tham mưu rất nhiều chính sách, bao gồm 2 nghị quyết của HĐND để hỗ trợ ngư dân. UBND tỉnh cũng đã ban hành một loạt các văn bản chỉ đạo, điều hành các đơn vị và địa phương thực hiện. Ngành nông nghiệp cũng đã tham mưu, thành lập các đoàn kiểm tra hoạt động chống khai thác IUU; kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các cảng cá… Tiến hành thống kê và rà soát hoạt động của tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép), tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình dài ngày trên biển; cung cấp thông tin, dữ liệu, và phối hợp kiểm tra, xác minh đối với các tàu cá vi phạm quy định về khai thác IUU. Công tác tuyên truyền và vận động ngư dân cũng được quan tâm và thực hiện tương đối tốt. Kết quả ban đầu cho thấy công tác quản lý tàu cá đã được thực hiện hiệu quả hơn, từ quản lý đội tàu, theo dõi giám sát trên biển, đến việc kiểm tra tàu cá ra vào cảng cá và xuất nhập bến; công tác thực thi pháp luật nghiêm túc hơn; ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân cũng đã được nâng cao.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ ra một số tồn tại; phân tích các nguyên nhân dẫn đến tồn tại; đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu các sở, ngành và địa phương liên quan cần quyết liệt, tập trung hơn nữa nhằm khắc phục những tồn tại và hạn chế, triển khai có hiệu quả công tác chống khai thác IUU trong thời gian tới.
Yêu cầu là thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, Nghị quyết 52 của Chính phủ và các văn bản liên quan trong việc triển khai công tác chống khai thác IUU. Trong đó đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân không thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời khen thưởng kịp thời những trường hợp làm tốt, sáng tạo và có hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận cuộc họp. |
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở NN-PTNT chậm nhất đến ngày 15/5 tham mưu kiện toàn ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống khai thác IUU do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, các trưởng ngành và Chủ tịch UBND huyện là thành viên. Triển khai nhiệm vụ theo văn bản chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và báo cáo trước ngày 20/5. Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu trình BTV Tỉnh ủy kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư; kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 52 của Chính phủ; chuẩn bị kế hoạch đón đoàn công tác Thanh tra EC vào cuối tháng 5. Chủ trì, phối hợp với BĐBP tỉnh và các địa phương rà soát toàn bộ dữ liệu tàu cá, đảm bảo chính xác, thống nhất với hệ thống dữ liệu quốc gia. Lập danh sách các tàu cá chưa cấp phép khai thác, hết hạn đăng ký, chưa lắp thiết bị giám sát hành trình để cung cấp cho địa phương, các đồn biên phòng tuyến biển để hướng dẫn các chủ tàu thực hiện các thủ tục theo quy định và xử lý khi có vi phạm. Chỉ đạo Chi cục Thủy sản tổ chức trực ban 24/24 giờ để khai thác và sử dụng hiệu quả Hệ thống giám sát tàu cá, nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển. Cung cấp danh sách tàu cá mất kết nối VMS cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND cấp huyện để điều tra, xác minh, và xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm, đảm bảo tính khách quan. Chỉ đạo Ban quản lý cảng cá, Tổ Liên ngành thực hiện nghiêm túc, đúng quy định kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát 100% sản lượng tại thực địa; kiểm tra và kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài 24 mét trở lên cập cảng. Triển khai và hướng dẫn ngư dân và doanh nghiệp thực hiện truy xuất thủy sản khai thác điện tử; cập nhật đầy đủ dữ liệu lên các cơ sở dữ liệu quốc gia như VNFishbase, eCDT, VMS, cơ sở dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính và các Google Sheet của Cục Thủy sản.
Đối với Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chủ trì, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm minh theo quy định đối với các tàu cá mất kết nối VMS từ ngày 25/01/2024 đến nay. Chỉ đạo các đồn biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cửa lạch, đảm bảo 100% tàu cá được đánh dấu và kẻ số đăng ký theo quy định. Đối với tàu cá không đủ điều kiện hoạt động, không cho phép xuất lạch để khai thác và yêu cầu chủ tàu không để ngư cụ, thiết bị, dụng cụ khai thác trên tàu; cập nhật dữ liệu và số liệu để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc. Đồng thời cập nhật đầy đủ kết quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản vào hệ thống phần mềm xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Thường xuyên cung cấp dữ liệu cho Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp và báo cáo theo yêu cầu. Các Đồn Biên phòng tuyến biển phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý cảng cá tuyên truyền các chủ tàu cá sử dụng phần mềm eDCT để làm các thủ tục xuất, nhập lạch cho tàu cá.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương cấp huyện, xã ven biển quán triệt và tuyên truyền về nội dung Chỉ thị 32 của Ban Bí thư đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ngư dân. Đặc biệt, cấp cơ sở cần vào cuộc một cách quyết liệt, chủ động để vận động các chủ tàu cá chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định. Các địa phương cũng cần rà soát và cập nhật danh sách chủ tàu cá “03 không” có chiều dài lớn nhất từ 06m trở lên tại địa phương. Tổ chức làm việc với các chủ tàu chưa đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản để hướng dẫn thực hiện các thủ tục theo quy định, và nắm chắc vị trí neo đậu của các tàu cá này. Sau ngày 20/5, nếu địa phương nào để phát sinh tàu cá “03 không”, Chủ tịch UBND địa phương đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước tỉnh.
Địa phương cần tập trung nguồn lực và thành lập các Tổ công tác để thực hiện việc rà soát, kiểm tra, xác minh và xử phạt dứt điểm đối với tàu cá mất kết nối giám sát hành trình trên 10 ngày trên biển mà không đưa tàu vào bờ theo thông báo của Sở NN-PTNT. Chỉ đạo UBND xã, phường cử cán bộ nắm chắc địa bàn, số lượng tàu cá của địa phương; nắm rõ và cập nhật hiện trạng hàng ngày đối với các tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản, lưu giữ hình ảnh tàu cá để phục vụ công tác quản lý. Cử cán bộ thống kê sản lượng sản phẩm thủy sản được bốc dỡ qua các bến cá tư nhân, đảm bảo nâng cao sản lượng thủy sản được giám sát.
Các địa phương cũng cần từng bước nghiên cứu giải pháp tạo sinh kế để hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao thu nhập và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của ngư dân.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lực lượng Biên phòng, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển và cửa lạch, đặc biệt là thành lập các đoàn liên ngành để xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU trên vùng biển Nghệ An.
Các cơ quan truyền thông cần tập trung cao độ tuyên truyền cao điểm về công tác chống khai thác IUU, đặc biệt là các nội dung của Chỉ thị 32 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 52 của Chính phủ.
Liên quan đến nội dung làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Châu Âu dự kiến vào cuối tháng 5, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị các cơ quan và địa phương, đặc biệt là Sở NN-PTNT và BĐBP tỉnh, tập trung nguồn lực, bố trí địa điểm, cán bộ nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, báo cáo và trả lời các yêu cầu của Đoàn thanh tra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin