Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneva chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Một trong những yếu tố làm nên chiến thắng của quân và dân ta, cũng gây bất ngờ lớn nhất đối với Pháp chính là việc ta đã mở đường và kéo pháo vào trận địa. Yếu tố tạo nên bất ngờ lớn thứ 2 là ta đã vận chuyển lương thực thực phẩm, vũ khí, đạn dược vào chiến trường.
Sau này, chính tướng Nava phải thốt lên rằng, một trong những lý do khiến ông ta thất bại lại chính bởi chiếc xe thồ thô sơ của lực lượng dân công. Những con người ăn không đủ no, mặc không đủ ấm nhưng lại có khả năng điều khiển chiếc xe đạp có trọng tải hàng trăm kilogam.
Bất ngờ lớn thứ ba đối với thực dân Pháp là chiến thuật “vây lấn” bằng cách đào hệ thống giao thông hào để đối phó với các cứ điểm phòng ngự kiên cố của Pháp. Qua nhiều ngày đêm liên tục vừa chiến đấu vừa đào hào, ta đã xây dựng được hệ thống giao thông hào dài hàng trăm km bao vây, siết chặt các cứ điểm của quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Hệ thống này trở thành bàn đạp tiến công vô cùng thuận lợi, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ.
Hiện nay, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn lưu giữ hiện vật, mô hình những vũ khí đặc biệt góp phần làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
|
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ, quân Pháp được trang bị những vũ khí tối tân nhất vào thời điểm đó. |
|
Trang bị vũ khí của bộ đội Việt Nam còn rất thô sơ. |
|
Vũ khí hiện đại nhất của bộ đội Việt Nam là 68 trọng pháo các loại, trong đó có 4 khẩu pháo 105mm (mệnh danh là vua chiến trường) thu được từ quân đội Pháp sau chiến dịch Biên giới. |
|
Những chiếc xe đạp thồ đã làm nên con đường vận tải huyền thoại, trở thành “vua vận tải” trong chiến dịch. Trong ảnh là chiếc “xe đạp thồ” của ông Ma Văn Thắng - người con quê hương Thanh Ba, Phú Thọ. Ông Thắng đã nâng trọng tải chiếc xe đạp thồ của mình với kỷ lục chở 352kg trên một chuyến. Sở dĩ chiếc xe thồ có tải trọng lớn như vậy là do ông đã có sáng kiến chế tạo cho xe thêm rất nhiều bộ phận như: tay ngai, tay phanh, sử dụng quần áo cũ, săm cũ... để “gia cố”, tăng độ bền của săm, lốp... Thông thường mỗi chiếc xe đạp thồ chỉ chở được 80 - 100kg lương thực. |
|
7.000 xe cút kít vận chuyển lương thực được sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong ảnh là xe cút kít của dân công Trịnh Đình Bầm (xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Chiếc xe có thể chở tới 280kg lương thực mỗi chuyến. Chỉ trong vòng 4 tháng, với quãng đường dài hơn 20km, cụ Bầm đã vận chuyển được gần 12.000kg lương thực đến điểm tập kết của tỉnh, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Do thiếu gỗ, cụ Bầm đã tháo bàn thờ xuống để làm bánh xe. Vì vậy một phần bánh xe vẫn còn mảnh gỗ sơn son thếp vàng. |
|
Khoằm gỗ tì vai – chiến sĩ Đại đoàn 312 dùng để kéo pháo vào trận địa. |
|
Guốc chèn pháo bằng gỗ do Trung đoàn lựu pháo 45, Đại đoàn 351 tự chế tạo để chèn bánh xe của các khẩu pháo khi kéo pháo qua địa hình miền núi hiểm trở. |
|
Bộ đội Việt Nam đã sáng tạo ra những con cúi bện bằng rơm dài 2m, đường kính 1 - 1,5m che chắn đạn cho công binh đào hào tiến đến cự ly gần dùng lựu pháo tiêu diệt lô cốt địch trong chiến thuật “vây lấn” |
|
“Đi không dấu, nấu không khói” đảm bảo bí mật, bất ngờ là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của quân đội ta trong chiến dịch. Bếp Hoàng Cầm mang tên chính người đã sáng tạo nên, được sử dụng trong toàn bộ chiến dịch, khi đun nấu chỉ tạo nên những làn khói là là mặt đất như làn sương nhẹ khiến địch không thể phát hiện. |
|
Du kích Mộc Châu, Sơn La đã sử dụng hũ rượu cần này đựng rượu đã hòa củ độc cho địch uống và đã bắt được 12 tên cùng với số vũ khí của chúng. |
|
Tết Giáp Ngọ (1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tặng cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận ca uống nước có in dòng chữ đỏ “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ” như một lời động viên, giao nhiệm vụ của Bác Hồ với toàn thể cán bộ, chiến sĩ mặt trận. |
|
Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ta có khoảng 5 vạn quân nên nhu cầu rất lớn về thông tin. Khi mà báo Nhân dân, báo Cứu Quốc, báo Tiền Phong… không thể đưa đến nơi thì tờ báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận chính là tờ báo duy nhất tác động trực tiếp đến đời sống tinh thần chiến đấu của bộ đội, trở thành một “vũ khí đặc biệt” góp phần làm nên chiến thắng chấn động địa cầu. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin