Toàn cảnh hội nghị. |
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết HĐND tỉnh giao, năm 2024, Nghệ An được giao kế hoạch vốn đầu tư công gần 9.080 tỷ đồng, trong đó nguồn tập trung do tỉnh quản lý gần 4.630 tỷ đồng.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành giao chi tiết 100% kế hoạch vốn cho các dự án để triển khai thực hiện. Trong đó, nguồn vốn tập trung gần 3.140 tỷ đồng giao cho 160 dự án; nguồn chương trình mục tiêu quốc gia gần 1.490 tỷ đồng giao cho 870 dự án.
Giám đốc Sở KH&ĐT Phạm Hồng Quang báo cáo tại hội nghị. |
Tính đến ngày 30/4, nguồn vốn đầu tư công tập trung đã giải ngân đạt 989 tỷ đồng, bằng 21,37% kế hoạch, cao hơn so với bình quân cả nước. Có 24/68 đơn vị, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt khá (trên 30%). Các dự án trọng điểm liên vùng như Đường ven biển, Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An giai đoạn 2 và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh cơ bản đảm bảo theo tiến độ.
Giám đốc Sở GT-VT Hoàng Phú Hiền phát biểu tại hội nghị. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, đến thời điểm này, có 26 đơn vị giải ngân còn chậm, trong đó có 13 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân; 13 cơ quan, đơn vị giải ngân dưới 10%. Một số nguồn vốn, một số đơn vị chủ đầu tư giải ngân vẫn còn chậm. Công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện.
Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Phan Văn Tuyên phát biểu tại hội nghị. |
Chủ tịch UBND TP Vinh Trần Ngọc Tú phát biểu tại hội nghị. |
Có một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm tiến độ giải ngân đã được các sở, ngành và địa phương tập trung thảo luận, phân tích. Đó là thời gian triển khai của năm 2024 chưa nhiều, trong khi đó các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tạm ứng số giải ngân của năm 2023; Những thay đổi trong thực hiện Luật đấu thầu mới, Luật đất đai; Các chương trình MTQG triển khai tại một số huyện miền núi còn gặp khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu tại hội nghị. |
Về chủ quan, công tác chỉ đạo, điều hành của một số sở, ngành, địa phương chưa thật sự quyết liệt trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở các huyện miền núi… Công tác khảo sát, thiết kế một số dự án chưa tốt dẫn đến phải điều chỉnh làm mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Công tác giải phóng mặt bằng, ngoài vướng các quy quy định về luật pháp, thể chế chưa có sự chủ động, thiếu quyết liệt từ phía chính quyền các địa phương, nhiều nơi còn để kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá: Qua thảo luận cho thấy, người đứng đầu nắm sát, chắc tình hình và có sự chủ động với nhiệm vụ của ngành, địa phương của mình, đảm bảo theo tinh thần “4 đúng”: nhìn nhận đúng tình hình, từ đó tìm ra đúng nguyên nhân, đề ra đúng giải pháp và tập trung thực hiện quyết liệt, nhằm hoàn thành đúng mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Nhìn lại kết quả của 2023 - một năm gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Nghệ An đã nỗ lực phấn đấu và hoàn thành mục tiêu giải ngân mà Thủ tướng Chính phủ đã giao (đạt 95,05%/mục tiêu trên 95%). Người đứng đầu UBND tỉnh đã biểu dương 15/21 huyện, thành, thị và 35/46 đơn vị chủ đầu tư đã hoàn thành mục tiêu, đặc biệt là các đơn vị đã giải ngân đạt 100%. Đối với 6 huyện và 11 chủ đầu tư chưa hoàn thành mục tiêu cần có phải chấn chỉnh, đặc biệt là các huyện và chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu kết luận hội nghị. |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhận định, năm nay có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2023 trong thực hiện giải ngân đầu tư công cũng như chương trình phục hồi KT - XH và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. “Công tác chỉ đạo điều hành quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao với việc: Ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc đến cơ sở; Phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng như giám đốc các sở, ngành theo dõi từng dự án; Tổ công tác cấp phòng, cấp tỉnh được thành lập và đã hoạt động tích cực với việc nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các địa phương từ đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành liên quan để hỗ trợ xử lý theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, nhất là đối với các địa phương miền núi”, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ.
Kết quả giải ngân đầu tư công của 4 tháng đầu năm của 2024 có nhiều khả quan. Tuy nhiên, các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư không thể chủ quan với những kết quả đạt được, bởi đang còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế phải được quan tâm. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, là một trong 3 động lực tăng trưởng, góp phần nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển; tạo vốn mồi để thu hút nguồn vốn của xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu kết luận hội nghị. |
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã yêu cầu cầu các sở, ngành, địa phương phải bám chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, tập trung các nhóm giải pháp để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ giải ngân kế hoạch đầu tư công, chương trình phục hồi KT - XH và 3 chương trình mục tiêu quốc gia của năm 2024.
“Bám sát kế hoạch và cam kết giải ngân đã đăng ký để tổ chức thực hiện và triển khai thực hiện đảm bảo đúng mục tiêu đề ra. Bao gồm vốn của năm 2024 và vốn kéo dài của các năm trước; Thường xuyên kiểm tra và đánh giá tình hình; Có vướng mắc phải kịp thời báo cáo và đề xuất điều chỉnh. Cuối cùng phải đảm bảo mục tiêu năm nay chúng ta phải phấn đấu tiếp tục đạt tỷ lệ giải ngân trên 95%”, đồng chí Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng đề nghị phải để cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành giải ngân đầu tư công; chủ động trong tháo gỡ các vướng mắc là nút thắt, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng; Tập trung phân công, phân nhiệm cho cán bộ phụ trách, nhất là đối với các đơn vị, địa phương có nguồn vốn lớn; Quan tâm nâng cao chất lượng đấu thầu, đảm bảo công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực, sai sót; Lựa chọn các nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án có chất lượng, hiệu quả; Tăng cường nâng cao năng lực của BQL dự án đầu tư. Đối với nhưng cán bộ không đáp ứng yêu cầu cần điều chuyển, thay thế; Lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án theo từng dự án…
Theo phân loại nhóm của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị: Đối với nhóm các dự án không có vướng mắc gồm 84 dự án phải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công để tăng tỷ lệ giải ngân. Đối với nhóm các dự án còn vướng mắc hoặc đang làm hồ sơ thủ tục, gồm 76 dự án phải chủ động xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc kịp thời. Đối với các dự án khởi công mới, cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác đấu thầu (cả đấu thầu tư vấn và đấu thầu xây lắp) để lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án; Có phân công, giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng bộ phận, từng cá nhân, lấy hiệu quả xử lý công việc hàng đầu. Còn lại 21 dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng ở 15 huyện, đặc biệt là các dự án trọng điểm, cần tập trung xử lý dứt điểm, không để kéo dài; Phấn dấu mục tiêu đến tháng 6 không còn đơn vị, dự án giải ngân 0 đồng. Những dự án có vướng mắc đến tháng 9 phải hoàn thành các thủ tục để triển khai thi công. Người đứng đầu UBND tỉnh lưu ý đẩy nhanh tiến độ phải gắn với đảm bảo chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.
Toàn cảnh hội nghị. |
Về nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung giao trách nhiệm cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát, đôn đốc các ngành, các huyện triển khai thực hiện đúng cam kết đã ký, tham mưu hoạt động của các Tổ công tác bảo đảm thực chất và có hiệu quả; Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực tế giải ngân, tháo gỡ vướng mắc cho các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư; Bắt đầu từ tháng 6 phải rà soát để đề xuất điều chỉnh, điều chuyển vốn kịp thời các dự án giải ngân chậm đến các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn.
Các sở quản lý chuyên ngành tập trung ưu tiên, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ đầu tư trong việc hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục, thẩm định các quy trình để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, vướng mắc ở đơn vị nào thì chủ đầu tư báo cáo UBND tỉnh để xem xét, xử lý, giải quyết.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động hỗ trợ các địa phương giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục đất đai để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng; tháo gỡ các vướng mắc về mỏ vật liệu xây dựng, đất đắp.
Sở Xây dựng thường xuyên cập nhật về giá và kiểm tra việc cung cấp vật liệu xây dựng; kịp thời công bố điều chỉnh giá vật liệu xây dựng theo quy định, chỉ số giá xây dựng hàng tháng làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện.
Đối với chương trình mục tiêu quốc gia có khối lượng vốn khá lớn (bao gồm cả kế hoạch 2022, 2023 kéo dài là 2.028 tỷ), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc phải nâng cao vai trò, trách nhiệm cơ quan quản lý chương trình, tập trung theo dõi, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; Nghiên cứu kỹ và tham khảo các tỉnh để tham mưu việc thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện theo Nghị quyết 111 của Quốc hội bảo đảm hiệu quả và đúng quy định. Các tổ công tác cấp phòng tiếp tục hướng dẫn các địa phương cấp huyện theo phương châm “cầm tày chỉ việc”. Các huyện phải quan tâm chất lượng, hiệu quả của các dự án do cấp xã chủ trì.
Đối với các dự án thuộc chương trình phục hồi kinh tế, giao các chủ đầu tư phải hoàn thành giải ngân nguồn vốn bố trí trong năm 2024. Trong đó các dự án do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh đến ngày 30/9 phải hoàn thành mục tiêu giải ngân 100%.
Đối với các dự án trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 nhưng hiện nay vẫn chưa phê duyệt quyết định đầu tư phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, để cấp vốn triển khai.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương ngay từ bay giờ phải chuẩn bị cho kế hoạch trung hạn 2026 - 2030./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin