Tham dự thảo luận tại tổ 4 có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Quang cảnh thảo luận tổ 4. |
Thảo luận tại tổ, đại biểu Trương Minh Cương - huyện Quế Phong chỉ rõ những bất cập trong quá trình đầu tư, bàn giao, đưa vào sử dụng hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn. Đó là trên địa bàn huyện có công trình điện lưới kéo dài quá thời gian hơn 2 năm chưa đóng điện cho người dân; việc chi trả đền bù cho người dân sau khi đã đầu tư giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án điện vẫn chưa được thực hiện khiến đời sống người dân gặp khó khăn.
Đại biểu Trương Minh Cương - huyện Quế Phong nêu ý kiến |
Có một số địa điểm sau khi sửa chữa, nâng cấp trạm biến thế thì điện yếu hơn, “thời gian cao điểm có lúc người dân không thể nấu cơm được”. Vì vậy, đề nghị tỉnh cần chỉ đạo ngành Điện lực giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, bất cập để người dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất kinh doanh.
Đại biểu Vi Văn Quý – huyện Quỳ Hợp nêu ý kiến. |
Đại biểu Vi Văn Quý – huyện Quỳ Hợp cho biết Kỳ thi vào lớp 10 xảy ra một thực tế khiến phụ huynh trăn trở, học sinh áp lực, đó là việc cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng. Bởi vì khi học sinh ở thành phố về các trường học vùng phụ cận thì các em học sinh sở tại khó lòng cạnh tranh, không có cơ hội để vào trường. Tuy nhiên điều đáng nói là sau khi học được một thời gian ở các trường miền núi thì các em học sinh lại có thể chuyển về trường ở địa phương nơi các em sinh sống khiến cho việc trong các lớp học có ghế trống, nhưng các em sở tại lại không được theo học.
Đại biểu Lục Thị Liên nêu ý kiến. |
Theo đại biểu Lục Thị Liên, qua tình hình thực tế và yêu cầu đặt ra, đặc biệt Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là tiền đề quan trọng giúp tỉnh có thêm tiềm lực để phát triển nhanh, bền vững. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị tỉnh nên phát động, khuyến khích cán bộ, đảng viên đề xuất các ý tưởng về cải cách hành chính, phát triển khu kinh tế, đào tạo nghề, bảo vệ môi trường... mang tính sâu rộng hơn. Đồng thời, quan tâm bố trí nguồn vốn, công tác thu hút đầu tư để giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho lực lượng lao động tại các huyện miền núi; quan tâm hỗ trợ, thu hút các nhà máy may. Cần có các giải pháp để “giữ chân” bác sỹ làm việc tại các bệnh viện công vì hiện nay có tình trạng các bác sỹ bỏ việc, chuyển ra các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân...
Các đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm công tác phòng chống HIV/AIDS tại các thôn, bản miền núi vì hiện nay tình trạng người nghiện ngày càng tăng chứ chưa thuyên giảm; cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao hiệu quả phòng chống tệ nạn xã hội. Cần quan tâm đến công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh bạch hầu.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về sản phẩm OCOP của các huyện miền núi sau khi được công nhận thì việc hỗ trợ cho người dân còn chậm; hiệu quả sử dụng chợ nông thôn không cao, cần quan tâm đầu tư phát triển một số chợ truyền thống. Khó khăn trong thủ tục về sáp nhập trường và xử lý tài sản sau sáp nhập; chưa có bản đồ hành chính mới sau sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính. Cần có hướng dẫn cụ thể, phù hợp về chuẩn văn minh đô thị để các huyện dễ thực hiện; quan tâm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp; cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng, tận thu cát ở lòng hồ thủy điện; giải quyết tình trạng “xâm canh, xâm cư”...
Liên quan đến bệnh bạch hầu, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Thương cho biết, sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) đến bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm, tiến hành nhuộm soi tươi mẫu bệnh phẩm, cử cán bộ trực tiếp mang mẫu ra Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương ngay trong đêm; đồng thời hỗ trợ công tác điều tra và phòng chống dịch bệnh ngay từ đêm 5/7. Sở Y tế cũng đã có văn bản bản hỏa tốc gửi các đơn vị, chỉ đạo tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu, phát hiện sớm, hướng dẫn tổ chức cách ly kịp thời không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài, đối với các trường hợp mắc bệnh, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu. |
Trả lời, làm rõ ý kiến phát biểu của các đại biểu, đồng chí Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết sẽ chỉ đạo ngành Điện lực phối hợp với các địa phương giải quyết các vướng mắc, khó khăn cụ thể. Riêng về việc giải phóng mặt bằng đã bàn giao cho ngành Điện, cần tuyên truyền cho người dân hiểu đã bố trí nguồn nhưng hồ sơ về chuyển đổi đất rừng chưa thực hiện xong. Đồng thời, cần xem xét lại việc phụ tải sau khi cải tạo nâng cấp làm nguồn điện yếu hơn.
Về sản phẩm OCOP, Nghệ An có số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn và chất lượng OCOP nhất nước, tuy nhiên các sản phẩm này chưa thành sản phẩm hàng hóa vì hiện chưa duy trì được nguồn nguyên vật liệu cấu thành sản phẩm đáp ứng được thường xuyên, liên tục, đồng thời, còn phụ thuộc vào khả năng tiêu thụ của khách hàng.
Về thu hút đầu tư, nguồn nhân lực cao, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 30.300 người lao động - hoàn thành kế hoạch đề ra. Về nhân lực chất lượng cao, hiện Trường Cao đẳng KTCN Việt - Hàn có đào tạo nhưng doanh nghiệp chưa giữ lại được, rất khó để giữ được nguồn nhân lực lao động tại chỗ.
Đối với việc thu hút xây dựng nhà máy may, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, tại một số huyện miền núi nếu thu hút nhà máy may thì nguồn nhân lực cũng không đáp ứng được nên cần nghiên cứu kỹ về nội dung này. Còn về tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh, theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết đây là nội dung khó, có nhiều tiêu chí cứng, sẽ tiếp thu nội dung này...
Tổ trưởng Tổ 1 Vi Văn Hòe – Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ các nội dung đại biểu kiến nghị, tổng hợp báo cáo Kỳ họp |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin