Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh
Ngay từ sáng sớm, trời Hà Nội đã đổ mưa. Các tuyến đường xung quanh Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông) - nơi quàn linh cữu của cố Chủ tịch nước đều cấm phương tiện qua lại, các hoạt động an ninh được thắt chặt trước giờ diễn ra lễ Quốc tang.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có mặt để thực hiện lễ viếng.
Đúng 7h, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình có bài phát biểu mở đầu tang lễ, nhấn mạnh đến những đóng góp của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua nhiều trọng trách khác nhau.
Để đảm bảo thời gian đưa linh cữu cố Chủ tịch nước vào TP.HCM và thể theo nguyện vọng của gia đình, Trưởng ban tổ chức lễ tang thông báo, lễ truy điệu cố Chủ tịch nước sẽ được tổ chức vào hồi 10h45 cùng ngày thay vì vào 11h như đã thông báo trước đây. Lễ an tang vào hồi 17h cùng ngày tại nghĩa trang TP.HCM.
Cùng thời gian này tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM và hội trường UBND Thừa Thiên - Huế cũng tổ chức lễ viếng đại tướng Lê Đức Anh.
Ban Lễ tang gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (Trưởng ban), Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Phó chủ tịch quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính… và nhiều lãnh đạo các bộ, cơ quan ban ngành khác.
Sau thông báo của Trưởng ban lễ tang, Đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn vào viếng.
Đoàn Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh.
Ghi sổ tang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vô cùng thương tiếc vị tướng tài ba, một nhà chỉ huy xuất sắc có tầm nhìn chiến lược. Nhà lãnh đạo tài năng, đức độ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
“Đồng chí là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, được tôi luyện, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả” – Thủ tướng viết và nhấn mạnh với 99 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, Đại tướng Lê Đức Anh đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta.
“Xin kính cẩn nghiêng mình, vĩnh biệt đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh- anh Sáu Nam kính mến!”
Đoàn Chủ tịch nước CHXHCN do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh làm trưởng đoàn vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh.
Ghi sổ tang, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh viết: Trọn 100 tuổi- với hơn 80 năm tuổi Đảng, Đồng chí Lê Đức Anh đã sống và cống hiến cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.
Nhấn mạnh sự ra đi của Đại tướng là một mất mát to lớn, nỗi tiếc thương vô hạn đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam cùng nhiều bạn bè, đồng chí trên thế giới, Phó Chủ tịch nước nói rằng các thế hệ con cháu hôm nay luôn ghi sâu công ơn và nhớ về vị Đại tướng tài ba, vị Chủ tịch nước giàu lòng nhân ái và xin nguyện tiếp tục công tác tốt, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, phát triển bền vững trên con đường đổi mới và hội nhập.
Đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh.
“Trên 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Với kinh nghiệm, tâm huyết và trách nhiệm, đồng chí đã từng hòa mình trong tổ chức mặt trận Việt Minh ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta” – ông Trần Thanh Mẫn ghi sổ tang và kính cẩn nghiêng mình, vĩnh biệt đồng chí Lê Đức Anh.
Cùng thời gian này, tại Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh.
Cùng giờ với Hà Nội, ở đầu phía Nam đất nước, Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh bắt đầu tại Hội trường Thống Nhất (quận 1). Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nghỉ hưu tại thành phố, nguyên lãnh đạo thành phố là đoàn vào viếng.
Ông Nguyễn Thiện Nhân ghi sổ tang nhấn mạnh Thành ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và nhân dân, cán bộ, chiến sĩ thành phố Hồ Chí Minh vô cùng thương tiếc và tưởng nhớ một vị tướng tài ba, quả cảm, trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, là Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, gắn bó sâu nặng với nhân dân Nam Bộ, với quân dân Sài Gòn-Gia Định- Thành phố Hồ Chí Minh.
Một nhà lãnh đạo xuất sắc, có tầm nhìn sâu rộng trong những vấn đề chiến lược, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
“Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn đưa Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh- chú Sáu Nam về yên nghỉ trong lòng đất Nam Bộ Thành đồng Tổ quốc” – ông Nguyễn Thiện Nhân viết.
Cũng trong sáng nay, nhiều đoàn đại biểu quốc tế đã đến viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Thủ tướng Samdech Hun Sen dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Campuchia vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại Nhà tang lễ Quốc gia. Đại tướng Lê Đức Anh đã chiến đấu 10 năm trên chiến trường nước bạn Campuchia giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ.
Tổng hợp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin