TV & Video Hoạt động NTV
Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

8 phát ngôn làm nóng nghị trường Quốc hội tuần đầu làm việc

10:46, 28/10/2019
Bộ trưởng Trần Hồng Hà sử dụng nước bẩn 3 ngày, đại biểu Quyết Tâm khóc khi tranh luận về đề xuất tăng giờ làm thêm... là những phát ngôn, hình ảnh ấn tượng ở Quốc hội tuần qua.

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tình hình Biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao. Theo Thủ tướng, chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa. Đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước.

Liên quan đến việc nước nhiễm dầu thải ảnh hưởng đến đời sống của hơn 1 triệu người dân Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đánh giá sự vào cuộc của chính quyền không kịp thời. Việc này xuất phát từ nhận thức và tính chủ động trong xử lý sự cố liên quan đến môi trường khi có hiện tượng bất thường xảy ra. Đại biểu Hồng nhấn mạnh câu chuyện trách nhiệm và cho rằng hai chữ “trách nhiệm” vẫn luôn ẩn khuất ở đâu đó, không rõ ràng, chỉ quy vào tập thể và không giải quyết được căn cơ các vấn đề liên quan.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoà Bình cho rằng dù Viwasupco khẳng định một số số liệu vẫn đảm bảo, nhưng người dân phản ánh nước đó có mùi khét thì phải chịu trách nhiệm. Bình luận về ứng xử của lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco), ông Ninh nhắc lại phát ngôn của Tổng giám đốc công ty Nguyễn Văn Tốn cho rằng mình “chỉ là người làm thuê”, còn Phó giám đốc công ty là Bùi Đăng Khoa lại không chịu xin lỗi dân và nói công ty là người chịu thiệt hại nặng nhất, phải chờ kết luận điều tra. “Cái này thực ra là do họ. Theo tôi dự đoán anh này khả năng, trách nhiệm chỉ đến mức độ vậy thôi”, ông Ninh thể hiện quan điểm.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định doanh nghiệp đã không chú ý đến sức khỏe người dân và không lường hết các vấn đề có thể gây tác hại cho mọi người. Như vậy là hết sức vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết. "Chúng ta có đầy đủ các quy định của pháp luật để xử lý họ. Với doanh nghiệp đưa ra sản phẩm bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ở đây là kinh doanh và cung cấp nước thì người dân có thể căn cứ vào hợp đồng để khởi kiện. Cung cấp sản phẩm bẩn ra thị trường thì có thể xử lý theo quy định. Thuốc giả cung cấp cho dân phải đi tù thì nước bẩn cũng có thể đi tù", ông Hà chia sẻ.

Liên quan đến việc Facebook Đàm Vĩnh Hưng treo thưởng 20 triệu đồng cho người nào tát vào mặt anh Đoàn Văn Tí - ông bố trẻ bạo hành con trai trong lúc say rượu ở Tiền Giang, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng dù nhìn nhận ở khía cạnh pháp luật, xã hội, tính nhân văn, Đàm Vĩnh Hưng làm như vậy hoàn toàn không đúng và phải xử lý theo quy định của pháp luật. “Nếu nặng, đây là chủ mưu, xúi giục, kích động làm tổn thương cho người khác”, ông Hòa nêu quan điểm và đề nghị cơ quan pháp luật vào cuộc xử lý, không thể cho rằng vì bức xúc quá mà kích động hành hung người khác.

Tranh luận về đề xuất tăng giờ làm thêm, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ chúng ta phải trả lời câu hỏi vì sao công nhân cần làm thêm giờ. Bà nhận định đó là câu hỏi quá dễ trả lời, chỉ vì tiền lương, thu nhập hiện nay của người công nhân quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. “Hãy nhìn vào cuộc sống thực tế của người công nhân, nhìn vào dáng vẻ của người công nhân, tâm thế của người công nhân khi đến làm việc. Hãy nhìn vào những đứa trẻ mà cha mẹ phải gửi về quê…”, bà Tâm đang tranh luận thì bật khóc.

Phân tích về việc làm thêm giờ, ông Nhân nhận định trong ngắn hạn thì doanh nghiệp có thêm lợi nhuận, người lao động ngắn hạn có thêm thu nhập, nhưng hậu quả trước mắt là sức khoẻ người lao động giảm sút. Đồng thời, làm thêm giờ thì năng suất lao động không tăng.“Vậy người Việt Nam muốn gì?”, Bí thư Nhân đặt vấn đề. Qua điều tra, ông cho biết người Việt về kinh tế mong muốn có thu nhập, có việc làm, có nhà. Nhưng về gia đình thì 95,4% mong muốn có gia đình hoà thuận, 73% con cháu ngoan và tiến bộ, 60% là sức khoẻ tốt.

 

Bộ luật Lao động (sửa đổi) được thảo luận trên hội trường Quốc hội trọn ngày 23/10 với 48 lượt đại biểu phát biểu cùng 6 lượt tranh luận. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ở Việt Nam, nếu giảm thời gian làm việc từ 48 xuống 44 giờ mỗi tuần thì một năm sẽ giảm 208 giờ. Điều này khiến tổng chi phí lao động tăng thêm 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm 20 tỷ USD một năm. Điều quan trọng nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm đi 0,5% mỗi năm. 

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm